Động lực tăng trưởng từ kinh tế số

Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp kinh tế số của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực, trở thành một trong những động lực tăng trưởng bền vững dài hạn của nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền tự động của Công ty cổ phần Công nghệ và Đầu tư INTECH. Ảnh: BẮC SƠN
Dây chuyền tự động của Công ty cổ phần Công nghệ và Đầu tư INTECH. Ảnh: BẮC SƠN

Doanh nghiệp - nhân tố trung tâm của kinh tế số

Năm 2023, mặc dù gặp không ít khó khăn, Công ty CP Công nghệ và Đầu tư INTECH vẫn dành nguồn lực rất lớn để chuyển đổi số toàn diện doanh nghiệp. Đây là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự quyết tâm của các doanh nghiệp ở mức cao nhất khi từng công đoạn đều phải thực hiện số hóa. Ông Cao Đại Thắng, Giám đốc điều hành công ty cho biết, trước đây doanh nghiệp thường sử dụng những phần mềm đơn lẻ mang tính chất đóng gói sẵn, chi phí rẻ để hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng với định hướng công nghệ áp lực chuyển đổi số ở mức cao nhất nhằm gia tăng năng suất, hiệu quả cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thị trường càng khó, doanh nghiệp càng phải nỗ lực nâng cao năng lực để tạo dựng chỗ đứng vững chắc và phát triển bền vững.

Nếu như doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chỉ mới đang từng bước làm chủ công nghệ số thì với nhiều doanh nghiệp lớn, chuyển đổi số đã trở thành “cánh tay nối dài” nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Đồng Nai cho biết, chuyển đổi số trong sản xuất đã giúp họ trong việc số hóa dữ liệu và mang lại nhiều lợi ích. Nhờ chuyển đổi số, Nestlé đã và đang tận dụng được các tiềm năng về hiệu suất cũng như các cơ hội phát triển bền vững, trong đó, Nestlé đạt mức giảm phát thải CO2 lên tới 38.000 tấn/năm. Chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp này kết nối nhân viên tại tất cả các cấp bậc trong công ty một cách hiệu quả và chủ động hơn. Theo ông Urs Kloeti: “Chuyển đổi số giúp mang lại những kết quả hữu hình đối với hoạt động của chúng tôi, như giảm 60% thời gian tạm dừng sản xuất, giúp tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm bằng cách tối ưu hóa các cảm biến thông minh và các dữ liệu đã được số hóa; giảm 50% lượng giấy tiêu thụ trong nhà máy bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng số hóa trong hoạt động; giảm 20% chi phí bảo dưỡng thông qua các cảm biến dự báo và nhờ vào các kỹ thuật viên và cán bộ điều hành tay”.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Kinh tế số ngày càng phát triển và đóng góp nhiều hơn trong tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động số hóa của các ngành, các lĩnh vực có xu hướng tăng lên. Điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như quản lý điều hành, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam.

Kinh tế số Việt Nam duy trì vị thế hấp dẫn

Có đại bản doanh tại New Zealand, Công ty Phát hành thẻ namecard điện tử Octopass đã rất tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác và kinh doanh, tiến tới mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Theo ông Henry Aung, Giám đốc điều hành Octopass: “Cùng với sự tăng trưởng nhanh của các lĩnh vực kinh tế số, Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng. Đặc biệt, Việt Nam có dân số năng động, am hiểu về công nghệ tương đối tốt. Đây là cơ hội lớn để chúng tôi tham gia thị trường, cùng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số của Việt Nam”.

Mới đây, United Supermarket Holdings (USMH), một công ty thành viên của Tập đoàn Aeon, Nhật Bản đã ký kết hợp tác với doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam. Theo hợp tác này, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đặt hàng, góp cổ phần với doanh nghiệp Việt Nam để thiết kế các sản phẩm phần mềm phục vụ hệ thống bán lẻ. Đánh giá về hợp tác này, ông Shinichiro Yamamoto, Phó Chủ tịch, Giám đốc đại diện USMH cho biết, Nhật Bản hiện nay thiếu trầm trọng nguồn nhân lực kỹ thuật. Bởi vậy, chúng tôi cần hợp tác với các công ty ở nước ngoài, những công ty mạnh về công nghệ thông tin, mạnh về chuyển đổi số. Trước đây, chúng tôi đã phát triển với các công ty ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi hợp tác với một công ty ở Việt Nam. “Hy vọng là với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam, hợp tác của chúng tôi sẽ mang lại thành công và lợi ích rất lớn cho cả hai bên, đồng thời có thể tạo lợi thế để USMH tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam”, ông Shinichiro Yamamoto nói.

Theo báo cáo kinh tế số Đông Nam Á (e-Conomy SEA report) 2023 của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á năm thứ hai liên tiếp (2022 và 2023) với tăng trưởng kép 19% và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025. Động lực tăng trưởng chính của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đến từ thị trường thương mại điện tử. Các ngành khác trong nền kinh tế số như dịch vụ giao nhận hàng hóa và thực phẩm, du lịch và giải trí, blockchain hoặc các lĩnh vực vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng như các sản phẩm công nghệ cho giáo dục và sức khỏe cũng sẽ ghi nhận mức độ tăng trưởng tốt.

Nhiều chuyên gia khẳng định, kinh tế số tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là sự đồng thuận, hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thông ngày càng hoàn thiện; dân số trẻ và tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, mạng internet và mạng xã hội rất cao… Ông Denis Brunetti, nguyên Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar khẳng định, Việt Nam được đánh giá rất cao, là một trong những điểm đến đầu tư năng động và hấp dẫn nhất trên thế giới nhờ nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng và chiến lược tập trung vào chuyển đổi số trên toàn quốc. “Chúng tôi mong muốn mở rộng các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ ở Việt Nam để giúp Việt Nam trở thành một cứ điểm công nghệ của khu vực”, ông Denis Brunetti nói.

Còn theo đánh giá của GS, TS Tô Trung Thành, Trường đại học Kinh tế quốc dân, kinh tế số hiện nay là một trong những động lực tăng trưởng rất quan trọng đối với Việt Nam. Kinh tế số tác động rất mạnh mẽ đến tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như là năng suất lao động của các doanh nghiệp. Điều quan trọng là Chính phủ cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, trong đó chú trọng vào hạ tầng an toàn an ninh mạng. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ 7 của Ủy ban, tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Điều này một lần nữa khẳng định định hướng và quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số hướng tới mục tiêu năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.