Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Mặc dù nền kinh tế đang phải đối mặt nhiều thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và hành động quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng cao trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam cần tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ảnh: HẢI NAM
Việt Nam cần tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ảnh: HẢI NAM

Những thách thức phía trước

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chậm lại từ đầu năm 2023. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ, một mức khá thấp. Trong khi, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt mức hơn 8% do nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Lĩnh vực xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng lớn khi hai thị trường chủ lực của Việt Nam hiện nay là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), vốn chiếm đến hơn 40% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam bị suy giảm. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,19 tỷ USD, giảm 13,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô)

đạt 100,98 tỷ USD, giảm 11,1%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,2 tỷ USD. Xuất siêu sang Mỹ ước đạt 31,2 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%. Xuất khẩu giảm cũng khiến nhập khẩu bị ảnh hưởng. Tính chung năm tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 43,95 tỷ USD, giảm 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,42 tỷ USD, giảm 17,5%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc 23,6 tỷ USD, giảm 16,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 10,8 tỷ USD, giảm 38,3%; nhập siêu từ ASEAN 3,4 tỷ USD, giảm 41,3%.

Sự sụt giảm trong xuất khẩu cũng được phản ánh vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%). Khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản cũng khiến các ngành liên quan bị ảnh hưởng. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong bốn tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 8,866 triệu tấn, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2022; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 8,1 triệu tấn, giảm 23,1%; xuất khẩu thép đạt 2,301 triệu tấn, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng sản xuất vật liệu xây dựng cũng bị ảnh hưởng. Theo Trang thông tin điện tử Xi-măng Việt Nam, trong năm tháng qua, tình hình tiêu thụ xi-măng, clinker tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Tại thị trường nội địa - nơi hấp thụ hơn 60 triệu tấn xi-măng, clinker mỗi năm, ước sản lượng tiêu thụ giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống 45,3 trong tháng 5 từ mức 46,7 trong tháng 4, mức suy giảm tháng thứ ba liên tiếp. Tác động của điều này thể hiện rõ nhất đối với số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhanh và mạnh nhất trong 20 tháng qua. Sản lượng giảm ở cả ba loại sản xuất chính, với mức giảm mạnh nhất ở các nhà sản xuất hàng hóa trung gian.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện bắt đầu xuất hiện trong tháng 5 do những đợt nắng nóng kéo dài làm tăng mức tiêu thụ điện và giảm nguồn cung cấp thủy điện. Doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại các khu công nghiệp ở khu vực phía bắc Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn.

Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan là nhu cầu suy giảm khiến các nhà cung cấp phải giảm giá, dẫn tới giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy gia tăng nhu cầu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước. Bình quân năm tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55%, lạm phát cơ bản tăng 4,83% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại là dư địa để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua các đợt giảm lãi suất trong năm 2023.

Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 1

Nhiều vùng có thể phát triển cảng nước sâu, đóng tàu, vận tải đường biển. Ảnh: NAM ANH

Động lực tăng trưởng trung hạn

Bất chấp những khó khăn hiện tại, nền kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng nhanh trong trung hạn. Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục là quốc gia được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu hướng tới hình thành các trung tâm sản xuất tại Đông Nam Á. Trong vòng 5 năm tới, một số động lực chính dự kiến sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất khu vực.

Thứ nhất, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt nhiều kết quả cụ thể, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thật sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Qua công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều tài sản, đất đai được thu hồi cho Nhà nước, là nguồn lực to lớn để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội. Trong giai đoạn từ 2012 - 2022, qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần

76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ nhằm làm trong sạch đội ngũ, bảo vệ Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên nhiều mặt.

Thứ hai, đầu tư công dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Theo TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, động lực tăng trưởng được kỳ vọng nhất là đầu tư công. Quy mô phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Thường trực Chính phủ thống nhất tăng hơn 37% so với giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 là 2,75 triệu tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 1,38 triệu tỷ đồng, ngân sách địa phương 1,37 triệu tỷ đồng. Đồng thời, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, giai đoạn 2021-2030, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD. Đây là một trong những chính sách kinh tế quan trọng nhằm phát triển hệ thống hạ tầng điện, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.

Thứ ba, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và vẫn sẽ là một trong những nguồn lực quan trọng. Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khu vực FDI đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và hình thành một số ngành, sản phẩm mới. Việt Nam có nền tảng chính trị, kinh tế ổn định, các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, lực lượng lao động dồi dào, được đào tạo khá tốt so với các nước trong khu vực, chi phí lương cho công nhân ngành sản xuất tương đối thấp... khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia. Nhiều công ty có chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất để giảm bớt khả năng bị thiệt hại bởi gián đoạn nguồn cung và các sự kiện địa, chính trị. Đại dịch Covid-19 diễn ra trong gần 3 năm sẽ mãi là bài học kinh điển về sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đang là điểm đến ưa thích của các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc khi chuyển cơ sở sản xuất sang khu vực ASEAN.

Thứ tư là nguồn lực đất đai, được coi là nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Với việc phân chia khu vực địa giới hành chính hợp lý, mỗi vùng, khu vực, tỉnh đều có những lợi thế tuyệt đối, tương đối để có thể phát huy nguồn nội lực to lớn từ đất đai, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ năm, việc tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) là điều kiện để Việt Nam tận dụng được các lợi thế của mình. Theo Bộ Công thương, các FTA thế hệ mới tạo thuận lợi phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Thứ sáu, việc phát triển thành trung tâm sản xuất chi phí thấp sẽ mở rộng các ngành công nghiệp chủ chốt hiện có, đặc biệt là dệt may và điện tử, cũng như sự phát triển của các ngành công nghiệp mới như ô-tô và hóa dầu. Lần đầu tiên Việt Nam có nhà sản xuất công nghệ ô-tô điện trong nước là Vinfast. Vào tháng 3/2022, Vinfast công bố khoản đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng một nhà máy ở Bắc Carolina, để sản xuất xe bus và xe điện, cũng như sản xuất pin EV. Vinfast cũng đang thực hiện kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ thông qua việc sáp nhập với Công ty Black Spade Acquisition Co (BSAQ) nhằm mở ra cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế.