Đồng bộ kết nối giao thông với tuyến metro số 1

Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro, Bến Thành - Suối Tiên) sẽ hoạt động từ cuối năm 2023 nhưng nghịch lý là hiện nay, hệ thống hạ tầng kết nối dọc tuyến gần như chưa có. Để tuyến hoạt động hiệu quả, TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh các dự án hạ tầng kết nối với tuyến metro số 1.
0:00 / 0:00
0:00
Hành khách trên chuyến tàu chạy thử nghiệm của tuyến metro Thành phố Hồ Chí Minh.
Hành khách trên chuyến tàu chạy thử nghiệm của tuyến metro Thành phố Hồ Chí Minh.

Thiếu kết nối

Ghi nhận trong những ngày cuối tháng 5, lộ trình của tuyến metro số 1 từ trung tâm thành phố đến khu vực cầu Sài Gòn đã có bến đậu xe, trạm đón xe bus kết nối. Trong khi, đoạn còn lại chạy dọc Xa lộ Hà Nội đến Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), chưa được đầu tư các công trình cần thiết như bến bãi đậu xe, nhà chờ xe bus thiếu... Bên cạnh đó, các cầu bộ hành tại ga Phước Long, Bình Thái, Khu công nghệ cao đang xây dựng. Còn cầu bộ hành ga Tân Cảng đang thi công móng cọc, cầu tại ga Rạch Chiếc đang chuẩn bị chuyển máy móc thi công móng. Các cầu còn lại cũng được các đơn vị thi công khẩn trương thực hiện các phần việc liên quan để có thể sớm thi công, đưa vào sử dụng đồng bộ với tuyến metro vào cuối năm nay.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô hành khách TP Hồ Chí Minh Lê Trung Tính cho rằng, hiện các tuyến xe bus của thành phố nằm dọc Xa lộ Hà Nội chỉ đơn thuần để đón trả khách theo nhu cầu lưu thông hiện hữu mà chưa được kết nối vào các nhà ga của tuyến metro số 1. Để tuyến metro số 1 hoạt động hiệu quả, thành phố cần sớm kết nối hệ thống metro với các tuyến xe bus. Trong đó, xây dựng hạ tầng đồng bộ chạy dọc tuyến metro như cầu vượt bộ hành; nhà chờ xe bus, khu vực đón trả khách dành cho xe bus, taxi; bãi đậu xe bus, xe cá nhân…

Theo TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia nghiên cứu về quy hoạch đô thị, khi tuyến metro số 1 khai thác, vai trò của các tuyến xe bus rất quan trọng, với chức năng gom khách tỏa đi khắp thành phố, qua đó mới đưa hoạt động của tuyến metro hiệu quả.

Một kết quả nghiên cứu mới đây của các chuyên gia Nhật Bản được Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) công bố cho thấy, việc đầu tư phát triển mạng lưới xe bus gom có thể sẽ giúp tăng lượng khách của tuyến metro số 1. Trường hợp có mạng lưới bus gom thì lượng khách là 110.000 lượt hành khách/ngày, tương đương mức tăng 62% so với trường hợp chưa có kết nối.

Theo số liệu dự báo nhu cầu vận tải hành khách của tuyến metro số 1, lượng hành khách lên xuống tại các nhà ga có thể đạt hàng trăm nghìn lượt hành khách mỗi ngày, vượt quá mức độ phát sinh nhu cầu trong khu vực lân cận các nhà ga trong bán kính đi bộ 500m. Bên cạnh đó, mức độ phân bổ và phát triển dân cư dàn trải hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành của metro số 1, nếu khâu tổ chức, phối hợp và liên kết giao thông không đồng bộ.

Đồng bộ hạ tầng

Để tăng tính kết nối với hạ tầng đường bộ, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) Nguyễn Quốc Hiển cho biết, MAUR đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cầu bộ hành, hoàn thành vào cuối năm 2023 cùng thời điểm tuyến metro số 1 đưa vào hoạt động. Theo đó sẽ có 9 cầu bộ hành được xây dựng nối nhà ga metro băng qua đường (trên cao). Các cầu vượt đi bộ được xây dựng kết nối các ga Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia.

Cầu bộ hành có hai đầu, kết nối hai bên đường của Xa lộ Hà Nội và hai đường song hành với nhà ga. Điều này giúp người dân dễ dàng di chuyển từ khu dân cư, trung tâm thương mại vào nhà ga trên cao. Ngoài ra, cầu bộ hành cũng kết nối với các điểm dừng chờ xe bus nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nhà ga.

Song song đó, trong quý IV/2023, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (chủ đầu tư, thuộc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh) sẽ triển khai thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe bus với nhà ga metro số 1”. Theo đó, chung quanh 10 ga trên cao của tuyến metro số 1 chạy dọc Xa lộ Hà Nội đến ga Văn Thánh (quận Bình Thạnh) sẽ được xây dựng các trạm dừng, nhà chờ xe bus.

“Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng sẽ mở mới và điều chỉnh lộ trình nhiều tuyến xe bus nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nhà ga metro thuận lợi hơn”, Phó Giám đốc Trung tâm Lê Hoàn thông tin.

Cụ thể, ngoài 5 tuyến bus trục chính bao phủ trục Xa lộ Hà Nội, sẽ có thêm 7 tuyến bus nhánh và 20 tuyến bus gom khách đi sâu vào các khu dân cư, làng đại học, khu công nghiệp, khu công nghệ cao... Hệ thống bus nhánh và bus gom khách này tạo thành các đường “xương cá” kết nối vào các nhà ga metro. Đặc biệt, tuyến xe bus chất lượng cao (thay thế tuyến BRT số 1) dài hơn 26km chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ sẽ kết nối tuyến metro số 1 tại ga Rạch Chiếc thời gian tới.

Bên cạnh đó, bổ sung các công trình hạ tầng phục vụ vận tải xe bus và tăng cường khả năng xe bus tiếp cận các nhà ga trên cao và dọc hai bên các tuyến đường có tuyến đường sắt đô thị chạy qua. Theo đó, xây dựng mới các hạng mục công trình gồm 67 nhà chờ xe bus, 196 trụ dừng xe bus, đường bộ hành, vỉa hè… tại 11 vị trí lân cận các nhà ga metro.

Để đáp ứng nhu cầu đi metro của hành khách sử dụng xe gắn máy, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ xây dựng mới các bãi giữ phương tiện cá nhân với tổng diện tích khoảng 5.472m2; các nhà vệ sinh với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 150m2 tại 5 vị trí lân cận các nhà ga Công viên Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, để khai thác tuyến metro số 1 đạt đúng kỳ vọng, thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng đồng bộ hạ tầng bến bãi, công trình kết nối với tuyến. Song song, chú trọng phát triển giao thông công cộng, xe đạp công cộng, mạng lưới xe bus kết nối với tuyến metro số 1.