Đón xu thế đào tạo ngành thiết kế vi mạch

Ngành công nghệ vi mạch hay công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành kinh tế có quy mô hàng tỷ USD thế nhưng đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành công nghệ vi mạch tăng cao. Ảnh: HẢI NAM
Nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành công nghệ vi mạch tăng cao. Ảnh: HẢI NAM

Nguồn nhân lực trong nước mới đáp ứng khoảng 20%

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử - bán dẫn - vi mạch, phục vụ cho máy móc điện tử và chuyển đổi số, nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn ngày càng cần thiết. Theo dự báo, của một số chuyên gia kinh tế đến từ Trường đại học (ĐH) Fullbright Việt Nam, 5 năm tới, nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn cần khoảng 20.000 người và 10 năm tới là 50.000 người có trình độ đại học trở lên. Hiện, nguồn nhân lực trong nước mới đáp ứng khoảng 20%. Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế, kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Để sản xuất ra một sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao như chíp bán dẫn cần nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu; do đó phải nhanh chóng đào tạo.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, ngành công nghệ vi mạch hay công nghiệp bán dẫn không hoàn toàn mới với Việt Nam, cách đây hơn 10 năm, một số cơ sở giáo dục đại học đã đào tạo ngành này. Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều và quy mô còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường.

Hiện, nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành công nghệ vi mạch tăng vọt. Các trường đại học đã nhìn nhận việc này và xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo. Bộ GD&ĐT đã tập hợp kế hoạch của các trường để có kế hoạch tổng thể. Với kinh nghiệm của các trường, việc mở rộng quy mô đào tạo là có thể.

Cả nước hiện có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo nhân lực cho một số công đoạn của công nghệ vi mạch. Trong đó, 11 trường đại học đào tạo ngành gần với ngành này như: Điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, điều khiển tự động hóa, kỹ thuật máy tính…; trong đó có thể chọn một số trường đóng vai trò chủ lực để đầu tư trọng điểm, làm nòng cốt cho công nghiệp bán dẫn.

Đơn cử, ĐH Quốc gia Hà Nội hiện có số lượng lớn sinh viên theo học một số lĩnh vực kỹ thuật điện tử, khoa học - công nghệ, khoa học cơ bản liên quan đến vi mạch bán dẫn. Hay Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tuyển sinh đào tạo một số ngành như: Kỹ thuật điện - điện tử, Kỹ thuật viễn thông, Vật lý điện tử... Nhiều năm qua, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh triển khai xây dựng các chương trình đào tạo liên quan đến thiết kế vi mạch hay vi mạch bán dẫn. Năm 2006, Trường ĐH Công nghệ thông tin đã tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số lượng sinh viên tuyển mới và tốt nghiệp nhóm ngành phù hợp, gần với công nghệ vi mạch bao gồm: Các ngành phù hợp (điện tử - viễn thông, vi điện tử...): Tuyển mới khoảng 6.000 sinh viên; đã tốt nghiệp gần 5.000 người/năm (tăng trung bình 7%/năm). Các ngành gần (điện, cơ điện tử, tự động hóa, kỹ thuật máy tính…): Tuyển mới khoảng 15.000 sinh viên; tốt nghiệp 13.000 người/năm (tăng trung bình 10%/năm). Nếu 30% số sinh viên ngành phù hợp và 10% số sinh viên ngành theo học các chuyên ngành vi mạch bán dẫn, thì số lượng 3.000 người tốt nghiệp/năm là khả thi.

PGS, TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, công nghệ vi mạch là lĩnh vực đặc thù, yêu cầu kiến thức tích hợp liên ngành rất khó và học tập vất vả nên nhiều người chưa quan tâm theo học. Ngoài ra, đầu tư cho lĩnh vực này tốn kém, doanh nghiệp chế tạo chưa có nên để sinh viên trải nghiệm từ thiết kế chế tạo đến ứng dụng sản phẩm còn nhiều khó khăn. “Thực tế trên đòi hỏi cần có thị trường mạnh để kéo nguồn nhân lực đi kèm”, PGS, TS Phạm Bảo Sơn nói.

Để giải “cơn khát” nhân lực và đón đầu xu thế của ngành công nghệ vi mạch, nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất, cần tăng tốc đào tạo. Muốn vậy, cần có chính sách kịp thời cho lĩnh vực đặc thù này. Cụ thể, cho phép một số cơ sở giáo dục đại học thí điểm mở một số ngành đào tạo công nghệ vi mạch; đồng thời linh hoạt cho các trường đủ điều kiện được phép đào tạo văn bằng hai công nghệ vi mạch.

Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn gợi mở, các trường có thể đào tạo chuyển đổi từ sinh viên đang theo học ngành gần với công nghệ vi mạch hoặc đào tạo kỹ sư thuộc ngành: Kỹ thuật điện tử, máy tính… Với cách tiếp cận tổng thể như vậy, chúng ta mới có thể đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong những năm tới. “Vấn đề là làm sao để bảo đảm chất lượng trong điều kiện các phòng thí nghiệm, trang thiết bị còn hạn chế. Chúng tôi sẽ có kế hoạch để đề xuất nâng cao năng lực, nhằm thu hút nhiều sinh viên theo học ngành công nghệ vi mạch”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Thứ trưởng đề xuất, Nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích người học. Theo đó, cần có chính sách học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi… cho sinh viên theo học công nghệ vi mạch. Đồng thời, tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên, trang thiết bị thí nghiệm, phần mềm thực hành, thí nghiệm và mô phỏng. Ngoài ra, khuyến khích, thúc đẩy hợp tác đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. “Khi có những chính sách này sẽ tạo đà cho các cơ sở giáo dục đại học tăng nhanh về số lượng sinh viên theo học nhưng vẫn bảo đảm chất lượng”, Thứ trưởng nói.

Đón xu thế đào tạo ngành thiết kế vi mạch ảnh 1

Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (doanh nghiệp FDI tại Bắc Giang) chuyên sản xuất các mặt hàng trong lĩnh vực điện tử.

Nắm bắt nhanh xu thế

Trao đổi ý kiến với báo chí mới đây, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, xu thế dịch chuyển nguồn cung ứng (supply chain) đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực. Các tập đoàn công nghệ thế giới tìm đến những địa điểm phù hợp hơn để đặt cơ sở sản xuất, nghiên cứu. Mỹ là một cường quốc về công nghệ. Trong lĩnh vực bán dẫn, họ có những công ty dẫn đầu thế giới. Mỹ đã có cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Mỹ ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn - vi mạch, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn - vi mạch tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Theo Vụ trưởng Giáo dục đại học, hiện có hơn 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn; trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ GD&ĐT cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Intel của Mỹ (chuyên sản xuất các sản phẩm như chip vi xử lý cho máy tính, bo mạch chủ, ổ nhớ flash, cạc mạng và các thiết bị máy tính khác) về phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Hiện, Bộ GD&ĐT đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay hai đề án quan trọng: Thứ nhất, đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao. Bộ đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch; Thứ hai, đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.

Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng một kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10, trong đó sẽ chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở hợp tác thành một liên minh, chia sẻ và sử dụng chung các nguồn lực, năng lực trong đào tạo và nghiên cứu.

Nhân dịp này, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cùng ký kết Biên bản hợp tác liên minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng bảo đảm, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.