“Đón sóng” FDI từ Hàn Quốc

Hàn Quốc vẫn là đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 87,5 tỷ USD (chiếm 18% tổng vốn đầu tư). Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, vốn đầu tư của Hàn Quốc mở rộng sang các lĩnh vực mới như xây dựng, bất động sản, phân phối, bán lẻ…
0:00 / 0:00
0:00
Hiện Samsung đang có 310 công ty Việt Nam là các đối tác trong chuỗi sản xuất của mình.Ảnh: TTXVN
Hiện Samsung đang có 310 công ty Việt Nam là các đối tác trong chuỗi sản xuất của mình.Ảnh: TTXVN

Trong chương trình thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6 - 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức.

Hàng chục thỏa thuận hợp tác được ký kết

Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện các bộ, ngành hai bên đã ký kết 23 văn bản thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Hàn Quốc trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, xây dựng khu công nghiệp, công nghệ bán dẫn, y dược, hàng không, logistics, công nghệ thông tin, cơ khí.

Trong đó, Tập đoàn Sovico và Tập đoàn Hyosung muốn hợp tác nghiên cứu và triển khai đầu tư và phát triển bền vững; phát triển và đầu tư vào trung tâm dữ liệu, công nghệ tài chính, năng lượng tái tạo, tài chính, thành phố thông minh, logistics và các lĩnh vực kinh doanh bất động sản khác. Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) và Tập đoàn dược phẩm Celltrion đã ký kết biên bản ghi nhớ về thành lập một công ty sản xuất các sản phẩm dược sinh học, dược phẩm tại Việt Nam cung cấp cho thị trường Việt Nam và các thị trường khác. Ngoài ra, Công ty CP Tập đoàn MHGroup và Công ty TNHH UNISCAN ký biên bản ghi nhớ trị giá lên đến 600 triệu USD trong 5 năm.

Đáng chú ý, cũng tại diễn đàn, UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao Chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư Amkor Technology Singapore Holding PTE.LTD tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C với mức vốn tăng thêm hơn 1,07 tỷ USD. Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng ký kết Biên bản ghi nhớ với Tổng công ty Nhà đất Hàn Quốc về Phát triển đô thị khu vực Đông Nam thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh tiếp nối chương trình đối tác tăng trưởng đô thị trên cơ sở hợp tác giữa hai chính phủ Hàn Quốc - Việt Nam.

Đánh giá về dòng vốn từ Hàn Quốc vào Việt Nam thời gian qua, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho rằng, trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới vẫn khó khăn khi xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ… đã khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc thận trọng khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Đặc biệt, với việc “nâng cấp” quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022, hợp tác đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc đã bước vào thời kỳ mới với sự bùng nổ của những dự án trong phát triển chuỗi cung ứng, công nghệ cao…

“Đón sóng” FDI từ Hàn Quốc ảnh 1

Người dân quan tâm đến các sản phẩm tiêu dùng của Hàn Quốc tại triển lãm hàng công nghiệp. Ảnh: NAM HẢI

Cơ hội gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam

Cũng theo ông Hong Sun, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hàn Quốc có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội tốt để hai bên cùng trao đổi ý kiến, thảo luận về những vấn đề trọng tâm trong thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đáng chú ý, Thủ tướng cũng có các cuộc tiếp đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc đều đã đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam và đang chuẩn bị các kế hoạch đầu tư mở rộng trong nhiều lĩnh vực.

Trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng, ông Shin Dong-bin, Chủ tịch Tập đoàn Lotte cho biết, Lotte bắt đầu đầu tư kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1996, đến năm 2018, doanh thu của Tập đoàn tại Việt Nam đạt 6,7 tỷ USD. Chưa dừng lại, Lotte đã khởi công xây dựng thành phố thông minh Thủ Thiêm vào tháng 9/2022 và đang đầu tư dự án phức hợp Lotte Mall Tây Hồ tại Hà Nội. “Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh, là điểm nhấn của kinh tế toàn cầu và hai nước sẽ phát triển quan hệ kinh tế "cùng thắng". Do đó, chúng tôi mong muốn có cơ hội đầu tư vào dự án quy mô lớn tại Việt Nam”.

Còn theo ông Lee Jae Yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung, hiện Samsung đang có 310 công ty Việt Nam là các đối tác trong chuỗi sản xuất của mình. Ngoài ra, Samsung có 2.500 kỹ sư, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung tại Hà Nội, trong đó có cả bộ phận nghiên cứu trí tuệ nhân tạo bằng các ngôn ngữ ngoài tiếng Việt.

Ông Lee Jae Yong khẳng định, với tư cách nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Samsung cam kết luôn đồng hành với Việt Nam trong phát triển bền vững theo đúng tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc tới. “Samsung có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ trong ba năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của tập đoàn trên toàn cầu”.

Tương tự, ông Cho Hyun-joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung cho biết, tính từ năm 2007, Tập đoàn đã và đang đầu tư vào Việt Nam gần 5,1 tỷ USD với 8 công ty và 1 chi nhánh. Đến nay, tổng số lao động của Tập đoàn tại Việt Nam khoảng 9.000 người, doanh thu năm 2023 đạt 3,5 tỷ USD. Chủ tịch Cho Hyun-joon nhấn mạnh, Hyosung đặt tương lai 100 năm tới ở Việt Nam, trong đó Trung tâm Dữ liệu tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sử dụng các công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất.

Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, luôn hoan nghênh và mong muốn các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác trên cơ sở cách tiếp cận mang tính "toàn cầu, toàn diện, toàn dân", hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

“Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao, nhất là các lĩnh vực quan trọng, mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen, công nghiệp văn hóa - giải trí…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng trên tinh thần cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển; "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ đóng góp lớn hơn cho quan hệ hai nước, cho sự phát triển của mỗi nước, mang lại đời sống ngày càng tốt đẹp cho người dân hai nước.

Đồng thời, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, khuyến nghị về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; từ đó, vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn phát triển của Việt Nam. "Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam", Thủ tướng khẳng định.