Đòn giáng mạnh vào IS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mới đây tuyên bố, quân đội nước này đã tiêu diệt thủ lĩnh tối cao của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria. Chiến dịch được thực hiện sau một thời gian dài theo dõi thủ lĩnh IS của lực lượng tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Ngôi nhà nơi thủ lĩnh tối cao của IS bị tiêu diệt. Ảnh: AFP
Ngôi nhà nơi thủ lĩnh tối cao của IS bị tiêu diệt. Ảnh: AFP

Thông báo với truyền thông ngày 30/4 vừa qua, ông Erdogan cho biết, lực lượng vũ trang của ông đã tiêu diệt Abu Hussein al-Qurashi. “Nhân vật này đã bị tiêu diệt trong chiến dịch của Cơ quan Tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) ở Syria”, ông Erdogan tiết lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình TRT Turk. Nhiều nguồn tin sau đó cũng cho hay, một cuộc đột kích đã diễn ra tại thị trấn Jandaris ở phía bắc Syria, nơi các nhóm nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kiểm soát. Đây cũng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận động đất ngày 6/2 vừa qua.

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, người phát ngôn của Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn xác nhận: “Thủ lĩnh IS là Abu Hussein al-Qurashi đã bị tiêu diệt ở Jandaris”. Trước đó, AP dẫn nguồn tin từ người dân cho hay, các cuộc đụng độ bắt đầu ở rìa Jandaris trong đêm, kéo dài khoảng một giờ trước khi nghe thấy một vụ nổ lớn. Lực lượng an ninh sau đó đã bao vây khu vực, không cho phép ai tiếp cận. Nhiều nhân chứng cũng cho biết chiến dịch đã được thực hiện nhắm vào một trang trại bỏ hoang hiện được sử dụng làm trường học.

Abu Hussein al-Qurashi là thủ lĩnh tối cao đời thứ tư của IS. Y gia nhập IS vào năm 2013 và nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ cầm đầu của nhóm thánh chiến. Theo mô tả của IS, y là “một chiến binh và là thành viên trung thành” của tổ chức này. Y bắt đầu dẫn dắt IS từ tháng 11/2022, sau khi thủ lĩnh trước đó của nhóm này là Abu Ibrahim Al-Hashemi bị tiêu diệt trong một chiến dịch ở miền nam Syria hồi đầu năm 2022. Khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định thủ lĩnh của IS đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở tây bắc Syria. Theo Nhà trắng, Abu Ibrahim Al-Hashemi đã tự kích nổ bom tự sát nhằm tránh bị đặc nhiệm Mỹ bắt giữ.

Theo AFP, IS từng kiểm soát những vùng đất rộng lớn của Iraq và Syria vào năm 2014. Trong giai đoạn 2014-2017, nhóm này đã thực hiện nhiều cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu, trong đó có các vụ gây thương vong lớn như cuộc tấn công ở Paris (Pháp) vào tháng 11/2015, các vụ đánh bom ở Brussels (Bỉ) tháng 3/2016, vụ lao xe tải ở Nice (Pháp) tháng 7/2016, ở Berlin (Đức) tháng 12/2016 hay đánh bom ở Manchester (Anh) tháng 5/2017. Những cuộc tấn công này đã làm dấy lên nỗi sợ hãi về mối đe dọa khủng bố ở châu Âu, tạo ra các thách thức an ninh lớn cho lực lượng chống khủng bố các nước trong việc ngăn chặn các vụ việc như vậy.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới đã mất dần quyền kiểm soát nhiều khu vực sau các chiến dịch của lực lượng liên quân do Mỹ hậu thuẫn ở Syria và Iraq, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo cũng như nhiều lực lượng chống khủng bố khác. Các lực lượng này vẫn liên tục thực hiện nhiều chiến dịch nhắm vào IS, tiêu diệt hàng loạt thủ lĩnh khét tiếng của nhóm này. Điển hình, tháng 10/2019, trong một chiến dịch ở tây bắc Syria, Washington D.C tuyên bố đã tiêu diệt thủ lĩnh tối cao đầu tiên của IS là Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ năm 2014 đã tuyên bố thành lập cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” tại Iraq. Hồi giữa tháng 4/2022, Mỹ đã thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay lên thẳng ở miền bắc Syria. Trong chiến dịch này, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ khẳng định đã tiêu diệt một thủ lĩnh cấp cao của IS.

Thời gian gần đây, hàng nghìn tay súng còn lại của IS chủ yếu trốn ở những vùng đất xa xôi tại Iraq và Syria, dù vậy chúng vẫn có khả năng thực hiện những vụ tấn công gây thương vong lớn. Do đó, giới phân tích cho rằng, tổ chức này vẫn là một mối nguy tiềm tàng, đòi hỏi các lực lượng an ninh thế giới cần đề cao cảnh giác để tránh các cuộc tấn công khủng bố xảy ra.