Hàng chục tỷ USD rót vào Việt Nam
Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với 10 tháng. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, ngoài vốn đăng ký điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, về vốn đăng ký cấp mới, có 2.865 dự án mới được cấp phép (tăng 58,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 16,41 tỷ USD (tăng 42,4% so với cùng kỳ); vốn đăng ký điều chỉnh, có 1.152 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 15,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 6,47 tỷ USD (giảm 32,1% so với cùng kỳ); còn vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, thì có 3.166 lượt (giảm 4% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 5,97 tỷ USD (tăng 46,4% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 20,97 tỷ USD, chiếm gần 72,71% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 40,2% so với cùng kỳ. Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 32,9%) và điều chỉnh vốn (chiếm 54,1%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn, mua cổ phần (chiếm 40,9%).
Trong số lĩnh vực đầu tư dẫn đầu, ngành công nghệ bán dẫn tại Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn khi thu hút sự hiện diện của những “ông lớn” hàng đầu thế giới như Intel, Samsung… với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD.
Tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Amkor khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam (ATV) tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C (Bắc Ninh). Dự án có tổng vốn đầu tư đến năm 2030 là 1,6 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 520 triệu USD. Amkor là một trong những nhà máy sản xuất bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Ở giai đoạn đầu, nhà máy sẽ tập trung cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới. Công ty này cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2, 3 của nhà máy, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những điểm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới.
Hồi tháng 9, Công ty TNHH Hana Micron Vina (Hàn Quốc), doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh, cũng khánh thành nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2 tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Đây là nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền bắc. Với tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD, Hana Micron trở thành một trong những dự án có suất vốn đầu tư/ha lớn nhất tại Bắc Giang. Ông Choi Chang Ho, Chủ tịch Tập đoàn Hana Micron cho biết, công ty có kế hoạch tăng vốn đầu tư lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2025. Khi ấy, doanh thu của nhà máy dự kiến đạt 800 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng hơn 4.000 lao động.
Hay hồi tháng 6, Tập đoàn Runergy cũng lựa chọn Nghệ An để thực hiện kế hoạch mở rộng đầu tư sang thị trường Việt Nam. Đơn vị này đã quyết định đầu tư dự án nhà máy sản xuất thanh silic và đĩa bán dẫn tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 với tổng mức đầu tư 293 triệu USD. Đến ngày 30/8, doanh nghiệp điều chỉnh tổng vốn đăng ký đầu tư lên 440 triệu USD…
Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cho biết, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam, bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon... Nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư.
“Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, ông John Neuffer nhấn mạnh. Việt Nam ngày càng trở thành mắt xích lớn hơn trong chuỗi sản xuất chip toàn cầu. Các nỗ lực đầu tư nghiên cứu và phát triển cùng sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới sẽ góp phần thúc đẩy, đưa Việt Nam đạt được mục tiêu trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ cao. Ảnh: HẢI HÀ |
Việt Nam đã sẵn sàng đón “đại bàng”
Trong buổi làm việc (ngày 7/12) với SIA và các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.
“Việt Nam đang hoàn thiện cơ chế một cửa, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt 30.000 kỹ sư, thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Hòa Lạc để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành công nghiệp bán dẫn, dự kiến sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024. Việt Nam thành lập NIC, có ba khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với cơ chế, chính sách đặc biệt thuận lợi và ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao. Đây là cơ quan của quốc gia thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ phê duyệt, bảo đảm ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới bảo đảm năng lượng bền vững; hệ thống giao thông như đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế đã dần hoàn thiện và đồng bộ…
Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam đều mong muốn được hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc lĩnh vực đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam. Đặc biệt, việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong khu vực Đông Nam Á về đào tạo ngành toán và hóa học. Đây là nền tảng tốt để đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin. Ngoài ra, Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn.
Ông Phúc cho rằng, nếu nhu cầu ngành chip bán dẫn tăng lên, sinh viên sẽ chuyển sang quan tâm lĩnh vực này nhiều hơn. Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn nhân lực từ đào tạo bổ sung cho tới đào tạo mới hoàn toàn. Với những lợi thế hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam bảo đảm sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực tốt nhất, đầy đủ nhất cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Tự tin về lợi thế tài nguyên
GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá, các tập đoàn sản xuất chip bán dẫn như Intel, Samsung hay Foxconn có lý do để chọn đầu tư vào Việt Nam. Bởi Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên rất quan trọng với 22 triệu tấn đất hiếm và trữ lượng Vonfram đáng kể. “Việt Nam có nhiều ưu thế, trong đó nổi bật là việc sở hữu trữ lượng đất hiếm rất lớn. Đây là nguyên liệu quan trọng dùng trong sản xuất bán dẫn, sản xuất pin. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến các tập đoàn lớn trong ngành này tìm tới Việt Nam để đầu tư”, ông Nguyễn Mại nói.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam vào khoảng 22 triệu tấn. Các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm lantan - ceri), có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc. Với trữ lượng đất hiếm được đánh giá là đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc, Việt Nam được coi như một nhà cung cấp nguyên liệu đất hiếm tiềm năng trong tương lai.
Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, năm quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam dự kiến triển khai thăm dò 8 đề án, với mục tiêu trữ lượng là 983.176 tấn; Giai đoạn 2031-2050 sẽ thăm dò một dự án với mục tiêu trữ lượng là 1,5 triệu tấn.
Về khai thác, giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 2 triệu tấn quặng; Giai đoạn 2031-2050 đạt khoảng 2,1 triệu tấn quặng NK/năm. Giai đoạn 1 sẽ chế biến 22.500 - 62.500 tấn tổng oxit đất hiếm/năm để có thể chiết tách ra các loại đất hiếm riêng rẽ. Giai đoạn 2, chế biến khoảng 42.500-82.500 tấn tổng oxit đất hiếm/năm để có thể chiết tách ra các loại đất hiếm riêng rẽ.