“Đòn cảnh cáo” của Australia với Meta

Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) đã đệ đơn kiện công ty mẹ Meta của Facebook, cáo buộc “gã khổng lồ” mạng xã hội này đã không ngăn chặn được những quảng cáo giả mạo sự tham gia của nhiều người nổi tiếng để lừa gạt người sử dụng. 

Meta của Mark Zuckerberg đang bị Australia đệ đơn kiện. Ảnh: GETTY IMAGES
Meta của Mark Zuckerberg đang bị Australia đệ đơn kiện. Ảnh: GETTY IMAGES

ACCC đóng vai trò là cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hàng đầu ở Australia. Hôm 18/3, thông cáo của cơ quan này cho biết hàng loạt quảng cáo ủng hộ đầu tư tiền điện tử hoặc các kế hoạch kiếm tiền, sử dụng hình ảnh của một số người nổi tiếng có thể khiến người dùng Facebook tin là thật. Theo Reuters, đơn kiện cũng cáo buộc “Facebook đã hỗ trợ và tiếp tay, hoặc cố ý liên quan các hành vi sai lệch hay gây hiểu lầm của các nhà quảng cáo”. 

Trong thời gian qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook ở Australia đã gửi đơn khiếu nại về hàng loạt quảng cáo sử dụng hình ảnh của một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp, người dẫn chương trình truyền hình, chính trị gia… mà không được kiểm duyệt nội dung. Các mẩu quảng cáo đính kèm liên kết dẫn đến các bài báo trong đó giả mạo lời trích dẫn của các nhân vật này. Khi người dùng đã bấm vào đường link đăng ký, những kẻ lừa đảo gửi thư hoặc nhắn tin cho họ để thuyết phục gửi tiền “đầu tư” với hứa hẹn thu được khoản lợi khổng lồ. Theo người đứng đầu ACCC, ông Rod Sims, cơ quan đã nhận được báo cáo người tiêu dùng bị lừa mất hơn 480.000 USD trong những trò gian lận này. 

Đại diện ACCC cũng cho rằng Meta cần chịu trách nhiệm về những quảng cáo xuất hiện trên nền tảng của mình. “Nhiều cáo buộc cho thấy Meta đã biết về các đoạn quảng cáo lừa đảo hiển thị trên Facebook, nhưng đã không thực hiện các bước đầy đủ để giải quyết vấn đề”, ông Sims khẳng định. Một trong những người nổi tiếng bị lạm dụng hình ảnh trái phép là ông trùm quặng sắt Andrew Forrest, tỷ phú giàu nhất Australia, đã khởi động các thủ tục tố tụng chống lại Facebook hồi đầu tháng 2. 

Theo đó, vị chủ tịch của Tập đoàn kim loại Fortescue đã cáo buộc các quảng cáo lừa đảo, bao gồm những quảng cáo sử dụng hình ảnh của ông để quảng bá tiền điện tử trên Facebook, là vi phạm luật chống rửa tiền và lừa đảo người sử dụng. Ông cũng tố cáo Facebook đã không tạo ra được các biện pháp kiểm duyệt để ngăn chặn những quảng cáo lừa gạt khách hàng. Vào tháng 11/2019, một quảng cáo giả mạo có hình ảnh ông trùm quặng sắt cùng với lời trích dẫn xuất hiện trong bức thư ngỏ gửi cho Giám đốc điều hành của Facebook - Mark Zuckerberg. Trước khi đệ đơn kiện, tỷ phú Andrew Forrest cho biết, đã từng yêu cầu Facebook ngăn chặn việc sử dụng hình ảnh của mình trong những đoạn quảng cáo kêu gọi thu hút đầu tư… trên nền tảng này. 

Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, những mẩu quảng cáo đính kèm tin giả là rất khó xác minh đối với những người dùng mạng xã hội thông thường. Thuật toán của Facebook có thể loại trừ thông tin thất thiệt nhưng công ty này không đưa ra những biện pháp và cam kết mạnh hơn để chống tin giả, tin sai lệch. 

Phiên điều trần đầu tiên trong vụ kiện của tỷ phú Forrest với Facebook dự kiến diễn ra ngày 28/3 tới. Nếu bị kết tội, mạng xã hội này sẽ phải đối mặt hình phạt cao nhất khoảng 90.000 USD, dù số tiền này không lớn song được xem là “đòn cảnh cáo” của Australia với Meta. Liên quan vụ kiện của ACCC, Meta cho biết, các quảng cáo lừa đảo hoặc lừa tiền người dùng đều vi phạm chính sách của công ty; Facebook đã sử dụng công nghệ để phát hiện và chặn các bài đăng đó, đồng thời sẽ thúc đẩy hợp tác với ACCC về vấn đề này. 

Công ty mẹ của Facebook đã đổi tên thành Meta vào cuối năm ngoái giữa hàng loạt chỉ trích về việc phát tán tin giả và vi phạm đạo đức kinh doanh khi mạng xã hội này nhắm đến đối tượng người dùng nhỏ và trẻ tuổi. Facebook cũng đang đối mặt áp lực sụt giảm số người sử dụng và đối tác ở “xứ sở chuột túi” khi từ chối thực hiện luật mới yêu cầu trả tiền cho các đường dẫn đến nội dung của các công ty báo chí-truyền thông.