Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh Phan Tất Thọ (sinh năm 1965) vào thời điểm ông “rảnh” hơn đôi chút so thời điểm cuối năm trước do số vụ tai nạn giao thông (TNGT) qua địa bàn thường ít hơn. Đó cũng là niềm mong mỏi của ông Thọ trong cái công việc chẳng mong “đắt” hàng này.
Người dân quanh vùng đã quen thấy ông Thọ khoác lên mình chiếc áo đỏ có logo chữ thập đỏ trên ngực trái, đây cũng là “tín hiệu” để ông tham gia sơ cứu người bị nạn được dễ dàng, không bị hiểu nhầm hôi của hay người gây ra tai nạn.
Thời trai trẻ, ông Thọ tham gia nghĩa vụ quân sự và đóng quân tại đơn vị vận tải thuộc Quân khu 2, năm 1988 ông xuất ngũ trở về xã Tiêu Sơn sinh sống. Xã Tiêu Sơn có Quốc lộ 2 chạy qua, là tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang, có nhiều khúc cua ngoằn ngoèo và thường xảy ra TNGT. “Thời gian quân ngũ, tôi được đào tạo về sơ cứu người bị nạn. Chúng tôi sinh sống ven đường nên thường xuyên chứng kiến các vụ TNGT xảy ra. Mỗi lần va chạm, tôi chạy ra ngay xem có thể hỗ trợ được họ điều gì tôi làm hết sức, kể cả chuyển họ đến bệnh viện”, ông Thọ nhớ lại.
Việc làm nhân nghĩa của ông Thọ nhận được sự ủng hộ và đồng hành của một số người khác và họ đã tình nguyện tham gia cùng ông. Năm 2006, Đội sơ cứu TNGT xã Tiêu Sơn được thành lập với 3 thành viên, được tập huấn sơ cấp cứu đầy đủ và sau đó tăng lên 11 thành viên. Người trẻ nhất nay đã 50 tuổi, người cao nhất đã ngoài 70 tuổi, ông Thọ được bầu làm đội trưởng. Đội phân chia ca trực 24/7 và các thành viên tự nguyện bỏ tiền ra mua bông băng, gạc, cáng, túi y tế... để bảo đảm công tác sơ cứu được tốt nhất. Trụ sở của đội chẳng phải nơi nào bề thế mà chính là căn nhà nhỏ ven đường của ông Thọ và lúc nào cũng sáng đèn. Số điện thoại của ông Thọ - 0915.098.115 và 0977.478.361 trở thành những dãy số quen thuộc của nhiều người dân quanh vùng.
Bồi hồi nhớ lại vụ tai nạn vào năm 2008, ông Thọ không khỏi xót xa: hai chiếc ô-tô khách đấu đầu nhau qua địa phận xã khiến 5 người tử vong và 61 người bị thương. Hôm đó cảnh tượng rất hãi hùng. Không chỉ có các thành viên của đội mà rất nhiều người dân đã cùng ra hỗ trợ sơ cứu, bảo vệ hiện trường, khâm liệm cho người đã mất. Vụ tai nạn khiến ông Thọ ám ảnh mãi. Song, khi nhớ lại hình ảnh người dân ra giúp đỡ nạn nhân rất đông, không ai khoanh tay đứng nhìn cũng khiến ông Thọ cảm thấy rất ấm lòng.
Ông Thọ đã gần 30 năm sơ cứu nạn nhân TNGT trên địa bàn. |
Đội sơ cứu “thuần nông”
Điều đặc biệt, hầu hết các thành viên đội đều là nông dân, những người thường xuyên bận bịu với công việc đồng áng. Song, họ sẵn sàng gác lại mọi công việc mỗi khi “đường dây nóng” của đội rung lên nhờ sự trợ giúp.
Ông Thọ không… nói ngọng và ông khẳng định, Đội có nương (ruộng) chứ không có lương. Ông Thọ cười hiền giải thích, đó là câu trả lời vui mà ông từng nói với một vị cán bộ khi họ hỏi ông rằng, làm sơ cấp cứu có lương hay không khi vụ nào cũng thấy xuất hiện. Lúc thì 1 giờ sáng, lúc ngày lễ, Tết vụ TNGT nào xảy ra trên địa bàn, đội ông Thọ đều có mặt đầu tiên.
Bà Vũ Thị Phú, thành viên đội cho biết: “Chúng tôi chủ yếu là nông dân nhưng cứ hễ có tin báo là chúng tôi bỏ hết mọi việc đi sơ cứu ngay kể cả ngày nghỉ lễ hay đêm khuya đều không quản ngại khó khăn, cứu người là trên hết”.
Còn người đội trưởng Phan Tất Thọ từng bị vợ phản đối vì đi vác tù và hàng tổng nhưng rồi chính lòng từ bi “cứu một mạng người như xây bảy tòa tháp” đã làm cho vợ ông thông cảm. “Trước kia vợ cũng phàn nàn bảo tôi dở hơi sao lại đi làm những việc này, chẳng được lương thưởng mà dễ mang vạ vào thân. Nhưng dần dần vợ cũng hiểu và cảm thông vì việc làm ý nghĩa này sẽ để lại phúc đức sau này cho con cháu”, ông Thọ bộc bạch.
Bà Hoàng Thị Sơn (vợ ông Thọ) tâm sự: “Lúc nào ông ấy cũng lo điện thoại hết pin vì sợ nhỡ ai gọi nhờ trợ giúp không được và cũng chẳng dám đi đâu xa. Đêm hôm hay mưa gió mà nhận được điện thoại ông ấy bật dậy đi ngay. Ông ấy bảo, chính những lúc đó nạn nhân đang rất cần mình càng phải khẩn trương hơn”.
Đi làm công việc “vác tù và hàng tổng”, ông Thọ từng nhận không ít lời xì xào. Ông cho biết, ngày trước, do một số người chưa hiểu nên cũng bàn tán việc đội làm, vô tình tạo ra áp lực xã hội. Tuy nhiên, đội không nản bỏ cuộc mà vẫn làm theo lương tâm mách bảo. Năm 2018, đội được Bệnh viện đa khoa Hùng Vương hỗ trợ một xe cứu thương và một số thiết bị y tế để bảo đảm việc sơ cứu khiến đội càng thêm động lực và niềm tin vào công việc của mình.
Ông Nguyễn Minh Thịnh, 64 tuổi, công nhân đã về hưu, tham gia sơ cứu được trên 20 năm, dáng người nhỏ thó, hom hem nhưng rắn rỏi cho biết: “Sơ cứu nạn nhân phải đúng lúc, đúng cách và tranh thủ từng phút giây để hạn chế thương tích cho nạn nhân. Chúng tôi chỉ là những người nông dân nên thường xuyên học hỏi, bồi dưỡng kỹ năng sơ cấp cứu để giúp nạn nhân vượt qua lúc khó khăn nhất”.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Tiêu Sơn cho biết: “Có những vụ TNGT lẽ ra rất thương tâm nhưng được đội sơ cứu kịp thời, khiêng cáng ra khỏi chỗ tắc đường và đưa lên xe cứu thương giúp hạn chế được thương tích cho nạn nhân”.
Mong người khỏe, xe bền để tiếp tục giúp người
Lật giở quyển sổ tay đã ám màu thời gian của đội, ông Thọ đã viết đến con số hàng trăm vụ. Từ vụ 3 giờ sáng ngày 1/12/2020 chở chị Hoa lên Bệnh viện Hùng Vương đi đẻ gấp; 2 giờ 30 phút sáng chở cấp cứu anh Hồng ở K9 Tiêu Sơn bị nôn ra máu lên Bệnh viện Hùng Vương đến việc cụ Nguyễn Thị Khanh (xã Minh Tiến), 100 tuổi chẳng may bị ngã từ xe lăn chấn thương vùng đầu và vùng chân. Hàng xóm chẳng biết làm thế nào liền gọi ông Thọ, ông liền đánh xe đến ngay và đưa cụ đi cấp cứu mà chẳng màng quan tâm đến tính chất tai nạn hay thời gian…
Ngoài ra, thấy bà Thuật ở xã Yên Kỳ (huyện Hạ Hòa) có người nhà bị khuyết tật bao năm chưa được hưởng chế độ. Ông Thọ đã cùng bà Thuật lặn lội các cơ quan hành chính để làm hồ sơ trợ cấp xã hội, đem lại cuộc sống ổn định cho gia đình bà.
Không phân biệt địa bàn, đội ông Thọ sẵn lòng nhận sơ cứu, vận chuyển các nạn nhân TNGT mọi xã trong huyện cũng như các trường hợp tai nạn lao động, đột quỵ, ốm nặng không có khả năng đi lại... Đội còn thường xuyên vận động quần chúng tham gia hiến máu nhân đạo.
Đã bước sang độ tuổi sức khỏe đi xuống nên các thành viên trong đội chỉ mong muốn có đủ sức khỏe để có thể nhận “mệnh lệnh” từ trái tim và đi tiếp ứng kịp thời. Ngoài ra, ông Thọ nhìn chiếc xe cứu thương mà không khỏi xuýt xoa, ông mong người bạn đồng hành này không bị hỏng vặt để sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Qua đây, ông Thọ cũng nhắn nhủ mọi người khi tham gia giao thông hết sức cẩn thận, an toàn, chấp hành nghiêm Luật Giao thông để hạn chế TNGT, đội của ông cũng sẽ “ít việc” đi.