Đổi mới sáng tạo từ đào tạo, định hướng khởi nghiệp

Thực hiện Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên (SV) khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, nội dung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được nhiều địa phương triển khai trong các trường từ bậc phổ thông đến đại học (ĐH). Dù đã tạo sức lan tỏa, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ nhưng các trường vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Việc tìm, tập hợp được một nhóm người có chuyên môn khác nhau cùng đam mê và mục tiêu là thử thách lớn đối với các bạn trẻ. Ảnh: ANH HẢI
Việc tìm, tập hợp được một nhóm người có chuyên môn khác nhau cùng đam mê và mục tiêu là thử thách lớn đối với các bạn trẻ. Ảnh: ANH HẢI

SV thiếu môi trường và nền tảng kiến thức khởi nghiệp

Bạn Nguyễn Thị Kim Thanh (19 tuổi, SV Trường ĐH Dược Hà Nội) đang tham gia câu lạc bộ “Chung tay phát triển dược liệu Việt Nam” ngay từ khi bước chân vào ĐH. Mặc dù thiếu chuyên môn kinh tế, truyền thông, Thanh vẫn nhận quảng bá sản phẩm dược liệu vì câu lạc bộ thiếu người. Nhiệm vụ của Thanh và các bạn cùng nhóm kinh doanh là quảng bá, tìm kiếm thị trường và đưa sản phẩm do nhóm chế tạo đến với khách hàng. Hiện câu lạc bộ duy trì hoạt động được là nhờ sự hỗ trợ về vốn và thị trường của các anh, chị cựu SV đã khởi nghiệp thành công. “Mình và các bạn ĐH Dược có chuyên môn ở việc chế tạo dược phẩm nên không biết nhiều về kinh tế và truyền thông – marketing”, Thanh nói.

Còn bạn Phạm Thành Tôn (22 tuổi), SV Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang cùng chín người bạn khởi nghiệp với dự án “Ứng dụng công nghệ 3D phục vụ y tế và giáo dục”. Tôn cho rằng, dự án thể hiện rõ tiềm năng trong lĩnh vực y tế khi nhóm có thể tạo ra các sản phẩm xương bằng nhựa peek (loại nhựa sinh học) để cấy ghép vào cơ thể người, thay thế các xương bị gãy, hỏng. Hiện sản phẩm của nhóm đã thử nghiệm thành công trên 10 bệnh nhân. Tuy nhiên, nhóm Tôn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường vì hiện tại mới liên kết với Trường ĐH Y nên sản phẩm chưa được biết đến rộng rãi. “Dân Bách khoa mà, kiến thức, kinh nghiệm về truyền thông - marketing là cái bọn mình rất yếu”, Tôn cho biết.

Những khó khăn mà các SV như Thanh và Tôn gặp phải cũng là “tình trạng chung” của những người trẻ muốn đi theo con đường khởi nghiệp. Việc tìm và tập hợp được một nhóm 10 - 30 người có chuyên môn khác nhau cùng đam mê và mục tiêu là một thử thách lớn đối với bất cứ ai. Khởi nghiệp rất cần kiến thức đa ngành mà hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện tại chưa đáp ứng được, chủ yếu hướng đến đào tạo những người có chuyên môn cao tại một lĩnh vực cụ thể. Kiến thức đa ngành, “ngoại đạo” mà SV có chủ yếu do tự mày mò chứ ít khi được học tại trường.

Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hằng năm nhà trường tuyển sinh khoảng 6.000 SV, hai phần ba trong số đó tốt nghiệp, tức là có khoảng 4.000 SV ra trường đúng thời hạn và khoảng 1% trong số SV ra trường, tức là khoảng 40 SV thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo thống kê của nhà trường, chỉ một phần ba số công ty khởi nghiệp đó sống được sau ba năm, 1% trong số đó sống được bằng ý tưởng của mình nhờ ý tưởng hun đúc từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Hiện, Chính phủ đã có Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Bộ GD&ĐT cũng có Đề án “Học sinh, SV khởi nghiệp đến năm 2025”, nhưng trên thực tế vẫn chưa thể triển khai hiệu quả vì nhiều lý do.

Ngoài ra, mặt bằng chung các trường ĐH, cao đẳng hiện vẫn chưa chú trọng đến lĩnh vực này nên chủ yếu để SV “tự bơi” với ý tưởng khởi nghiệp làm thất thoát lượng lớn mô hình sáng tạo. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề mấu chốt vẫn là sự thay đổi tư duy, chương trình đào tạo từ phía các trường, vừa trang bị kiến thức khởi nghiệp cho SV, vừa kết nối với tổ chức, doanh nghiệp để tạo môi trường tiếp cận, trải nghiệm, kích thích khởi nghiệp.

Đổi mới sáng tạo từ đào tạo, định hướng khởi nghiệp ảnh 1

Làm quen với các mô hình khởi nghiệp sẽ giúp các bạn sinh viên không bỡ ngỡ khi ra trường. Ảnh: HẢI ANH

Nhà trường phải năng động hơn

Các cơ sở giáo dục ĐH đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Đây là nơi trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm để sẵn sàng khởi nghiệp khi có ý tưởng, sáng tạo với mục tiêu đào tạo SV có khả năng tìm kiếm, lựa chọn việc làm. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho rằng còn nhiều khó khăn thách thức, từ các ý tưởng xây dựng, phương thức, huy động nguồn lực để thực hiện xây dựng môi trường sinh thái khởi nghiệp trong các trường ĐH.

Giám đốc Trung tâm Sáng tạo xã hội và Khởi nghiệp, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, PGS, TS Trương Thị Nam Thắng cho rằng: Cần xây dựng trường ĐH định hướng khởi nghiệp, tạo môi trường phát triển tinh thần và thực hiện khởi nghiệp. Việc phát triển này được lồng ghép, hỗ trợ, khuyến khích... phù hợp mục tiêu thúc đẩy SV về tinh thần học tập cũng như khởi nghiệp, với sứ mệnh giảng dạy và đào tạo, tham gia và hỗ trợ, phụng sự cho xã hội.

Với kỳ vọng trường ĐH cung cấp nhiều kỹ năng, tạo cơ hội việc làm cho SV khi ra trường, việc xây dựng trường ĐH khởi nghiệp rất quan trọng nhưng hệ thống mở này sẽ làm cho vai trò của các trường đối mặt nhiều thách thức. Về học thuật, Việt Nam và mọi nước trên thế giới đều kiểm soát chương trình đào tạo, vì vậy, nếu thay đổi nội dung sẽ gặp nhiều trở ngại. Hơn nữa, kỹ năng, năng lực giảng viên thay đổi và chưa sẵn sàng đón nhận.

Ngoài nguyên lý chung “trường bốn nhà” gồm nhà trường, gia đình, DN và đơn vị chuyên trách hỗ trợ SV thì mỗi trường đều có đặc thù, mầu sắc riêng trong khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo. Hiện nay, nhiều trường ĐH đã có trung tâm hay câu lạc bộ khởi nghiệp như ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Lạc Hồng, ĐH Huế,...

Tại Trường ĐH Ngoại thương, tinh thần khởi nghiệp của SV khá cao. Nhà trường không dạy về khởi nghiệp mà dạy về tinh thần khởi nghiệp giúp giảng viên, SV có trách nhiệm hơn. Trường triển khai thông qua bốn hoạt động chính gồm đào tạo, nghiên cứu, tư vấn cho DN, ươm tạo đan xen. Ngoài ra, trường còn hợp tác với các trường ĐH khác để khắc phục nhược điểm là tính đơn ngành và tiến tới xây dựng chương trình đào tạo.

Để SV không còn bỡ ngỡ khi đi làm, Trường ĐH Lạc Hồng đã đầu tư một khu riêng cho mô hình khởi nghiệp, mời DN vào và đưa sản phẩm, chương trình đào tạo cho SV tham khảo. Sau khi SV trải qua ba cấp độ đặt ra thì sẽ cải thiện bằng sản phẩm của mình. Còn tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì ưu tiên việc hình thành các vườn ươm trong hoạt động gắn kết với các DN.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS, TS Trần Văn Tớp cho biết: Nhiều năm qua, mối liên kết, hợp tác của nhà trường với các DN phát triển khá tốt. Về hình thức kết nối, có 65% là hợp tác liên quan tuyển dụng, 35% là hoạt động liên quan đăng ký thông tin về tuyển dụng, 30% liên quan tổ chức các hội thảo về việc làm. Tín hiệu đáng mừng là gần đây đã có DN tài trợ học viên cao học của nhà trường và trong tương lai, sẽ có thêm học bổng của DN dành cho SV.

Nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, chất lượng giáo dục ĐH phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các DN và càng quan trọng hơn khi các trường thực hiện tự chủ. Những hỗ trợ này có thể thông qua việc phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, tạo điều kiện cho SV đến thực tập, cấp học bổng, tuyển dụng SV, học viên sau khi tốt nghiệp…

Khẳng định khởi nghiệp có bước đi mạnh mẽ, Phó Vụ trưởng Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT Trần Nam Tú cho rằng, trường ĐH nào có nguyện vọng về khởi nghiệp thì đòi hỏi nhà trường phải năng động hơn để đáp ứng. Khởi nghiệp là quá trình gian nan, việc các trường phối hợp với nhau đặt ra mối liên kết, mô hình được cải tiến.

Còn các chuyên gia khuyên SV phải luôn giữ vững lập trường, tích lũy kiến thức và tìm kiếm sự hỗ trợ từ những nhà cố vấn trong lĩnh vực khởi nghiệp để hạn chế rủi ro. Khởi nghiệp sáng tạo phải gắn liền với khả năng nghiên cứu khoa học, SV cần rèn luyện, trau dồi khả năng nghiên cứu ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

“Tuy đã có sự kết nối giữa các trường với nhau, với DN, bộ, ngành để hỗ trợ SV, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, nhưng chúng ta phải tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa. Chăm chỉ, quyết tâm và nhất định phải sáng tạo”, PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM.