Đói cho sạch

“Lá lành đùm lá rách”, câu tục ngữ rất chí tình của ông cha khuyên ta yêu thương con người, đùm bọc họ khi họ khó khăn, gian khổ. Thế nhưng trong đời sống hôm nay, có những “chiếc lá” không thật sự “rách” như vẻ bề ngoài, khiến nhiều người làm công tác xã hội, nhà hảo tâm cũng khó phân biệt. 

Một số người vô gia cư tại khu vực phố Quán Sứ.
Một số người vô gia cư tại khu vực phố Quán Sứ.

Thật-giả lẫn lộn

Tại các con phố Phủ Doãn, Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Lê Duẩn của Hà Nội… mỗi tối khi các hàng quán đóng cửa, những người vô gia cư lại tìm đến, lấy đây làm chỗ ngủ hoặc nơi nghỉ chân. Thế nhưng, trong những người này, chỉ một số khó khăn, không gia đình, không nơi nương tựa. Còn lại rất đông những người thực chất không phải, họ chỉ tập trung tại đây đến 2-3 giờ sáng rồi sẽ giải tán (!?). 

Có mặt tại ngã tư Phủ Doãn-Tràng Thi, chúng tôi được anh K (một người sống tại đây lâu năm) cho biết, khu vực hỗn tạp nhiều thành phần, hoàn cảnh khó khăn thì cũng có, một số từ tỉnh khác lên đây chữa bệnh, không có tiền, ở lại viện hay thuê trọ nên họ ra đây ngủ, hôm sau lại vào khám. Một số thì không có nhà, ban ngày lang thang khắp phố xin ăn, xin tiền, đêm đến thì tập trung tại đây.

Nhưng cũng nhiều người thì không rõ ở đâu, thường đi thành nhóm nhỏ, 3-4 người, mỗi khi có đoàn từ thiện sẽ ra xin, những người này thường ở đây quá nửa đêm rồi giải tán, khi ấy đã hết đoàn từ thiện. “Bà già già ngồi góc hàng rào kia là thật kìa, còn bà đang nằm kia và cậu trai đứng đó là giả đấy, thỉnh thoảng còn đi cả xe máy khóa ở đầu đường”, vừa nói anh K vừa chỉ sang phía Tràng Thi. Nghe được câu chuyện với anh K, chị H (một người bán hàng tại đây) chỉ: “Ông kia còn có nhà cửa đàng hoàng kìa em, nhà ngoài bãi, vô gia cư gì đâu, ngày nào chả ra đây nhận quà”. 

Qua theo dõi, người đến làm từ thiện có rất nhiều hình thức và nhiều nhóm khác nhau. Về thực phẩm, thi thoảng lại có nhóm từ thiện hoặc các cá nhân mang thực phẩm, bánh mì, xôi đến tặng cho những người hoàn cảnh. Thế nhưng, nhóm người kia nhận quà có chọn lọc, thường khi thấy các đoàn lớn, phát quần áo, chăn chiếu, gạo, mì…, họ mới hào hứng ra nhận, số người sẽ kéo ra đông hơn. Còn phát cơm hộp, bánh mì thì họ ngồi yên hoặc chẳng hào hứng mấy.

Đành “khuất mắt khôn coi”

Theo anh K, ngã tư này cũng đã trở thành cung đường quen thuộc cho các đoàn từ thiện, các nhà hảo tâm với mục đích tặng quà, tặng đồ ăn thức uống, giúp đỡ những hoàn cảnh này. Đoàn từ thiện thì rất nhiều, một tuần có khi có 2-3 đoàn tới tặng đồ. Cũng không rõ những đoàn này có biết ai với ai không nhưng cũng nhiều trường hợp và nhiều lần, quà chẳng tới được đúng tay người cần. Mỗi khi đoàn từ thiện tới, những người ốm đau, chậm chạp thường chịu thua thiệt. 

Chị Trần Thùy Anh, một người tham gia thiện nguyện ở Long Biên, Hà Nội chia sẻ, hồi đầu chị với mọi người còn đỗ xe rồi ai ra trước phát trước, sau này khi đã nắm được tình hình, chị cùng thành viên đoàn đều ra tận nơi đưa, sau đó mới đến những người chạy lại xin. “Nhiều khi mình kệ họ thôi em ạ, chứ giờ để xác minh đúng sai thì thật sự rất khó và mất thời gian, dù mình có bị họ lừa thì coi như xui em ạ, phát nhầm còn hơn sót người nào. Chỉ có là mình rất buồn khi trong xã hội lại có những con người như vậy”, chị Thùy Anh nói.

Cũng chung tâm trạng, chị Nguyễn Diệu Linh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Thỉnh thoảng chị lại tự tay làm đồ ăn rồi đưa con đi phát cùng để chúng biết trong xã hội rất nhiều hoàn cảnh khó hơn mình. Chẳng tiếc gì miếng cơm, nắm xôi, nếu họ cần mình cũng cho thôi nhưng buồn cái là không đúng đối tượng thôi”.

Tất nhiên, chị Thùy Anh, chị Linh và tất cả các nhà hảo tâm khác đều mong tấm lòng của mình đến được với những hoàn cảnh thật sự khó khăn. Họ không bao giờ muốn lòng tốt của mình bị lợi dụng và càng buồn hơn nếu lòng tốt bị đem ra trục lợi, thậm chí ăn chặn ngay trước mắt những người thật sự cần đến nó. 

Khi đoàn từ thiện đi khuất, một số không ngại mua lại luôn những suất quà từ những người hoàn cảnh khó khăn với giá rẻ mạt. Thử theo chân một người trong nhóm, chúng tôi rất ngạc nhiên khi người này chở những phần quà về một căn nhà gần cảng Hà Nội. Không rõ đây có phải điểm tập kết, hay là nhà riêng và mục đích của họ là gì, nhưng những việc làm này không những phụ lòng các nhà hảo tâm mà còn làm xấu bộ mặt Thủ đô, lấy đi cơ hội ít ỏi của những người cơ cực.

Có thể bạn quan tâm