Chiếc độc mộc cuối cùng
Đó là một ngày hè oi ả vào năm 1995. Sau nhiều ngày lùng tìm trong những sải rừng già ven hồ Ba Bể, ông Ngôn Văn Toàn mới tìm được một cây gỗ mạy tràm ưng ý để làm thuyền độc mộc. Sáu con người, cơm nắm, sáng sớm vác rìu, búa lên rừng đến tận tối mịt mới về ròng rã trong năm ngày. Cây gỗ hạ xuống, tạo tác thành thuyền độc mộc xong được kéo về, hạ thủy xuống hồ. Đó cũng là chiếc thuyền độc mộc cuối cùng mà người đàn ông năm nay đã gần 80 tuổi này làm ra.
Một ngày đầu tháng 7-2020, trong căn nhà sàn ven hồ, nhớ lại kỷ niệm cách đây 15 năm, ông Toàn thủng thẳng, con thuyền độc mộc cuối cùng ấy đã hỏng từ cách đây mấy năm rồi, ngay cả bộ dụng cụ chuyên dụng để làm thuyền của ông giờ cũng không biết đã mất đi đâu. Như được chạm vào ký ức, ông Toàn hào hứng kể lại chuyện làm thuyền độc mộc ở vùng đất này.
Trên thắng cảnh hồ Ba Bể, hình ảnh những cô gái Tày với tà áo chàm, ung dung đưa mái chèo khỏa nước đẩy những con thuyền độc mộc đã trở thành “thương hiệu” của vùng đất Bắc Kạn.
Những năm 70 của thế kỷ trước, ở những làng bản ven hồ, như: Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, nhà nào cũng có từ một đến hai chiếc thuyền độc mộc. Những con thuyền độc đáo, thanh mảnh nhưng dù có lật cũng không bị chìm bao giờ. Làm thuyền độc mộc phải được truyền nghề, có kinh nghiệm nếu không công lao sẽ thành công cốc. Cây gỗ được chọn để làm thuyền phải là những cây gỗ đinh, lát, dâu rừng, phay, sao…, cỡ hai người ôm, thân thẳng không có nhiều cành hoặc cành rất nhỏ. Để tìm được một cây ưng ý có khi đã mất mấy ngày luồn rừng. Khi đã chọn được gỗ, người thợ phải dùng rìu để hạ cây, tỉa cành. Người thợ dùng rìu để khoét lòng thuyền, vạc nhẵn bên ngoài. Ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ thì người thợ phải có con mắt tinh tường, tính toán sao cho đẽo hai bên mạn thuyền cân đối, để khi hạ thủy thuyền mới không bị nghiêng. Chỉ một sai sót nhỏ là toi công của tất cả mọi người, thuyền đã đưa xuống nước là không ai được sửa chữa bất cứ chi tiết nào.
Kéo được con thuyền dài 8 - 10 m, nặng hàng mấy tạ vượt suối, băng rừng về bản cũng không phải chuyện dễ. Những người đàn ông thường dùng gỗ rừng làm con lăn, bẩy thuyền đến bên những con suối, rồi thuận theo dòng nước mà dong thuyền về. Vì phải nhờ dòng nước nên có khi đi theo đường vòng, mất cả tuần lễ thuyền mới về tới bản. Mỗi lần hạ thủy thuyền là một dịp cả làng mừng vui như ngày hội. Chiếc thuyền độc mộc to nhất trong vùng được người dân nhắc tới là từ thời Pháp thuộc, làm từ gỗ đinh, rộng gần một mét, có thể chở tới hai con ngựa và hàng hóa trên hồ.
Ông Toàn bảo ngày xưa, trong những sải rừng già ven hồ có rất nhiều cây gỗ đinh. Đây là loại gỗ quý, rất tốt, thường được “ưu tiên” chọn để làm thuyền độc mộc. Một chiếc thuyền có tuổi thọ cả nửa đời người, nên kể cả thợ lành nghề như ông Toàn trong đời cũng chỉ làm tầm chục chiếc. Thợ khác có khi chỉ làm ba bốn chiếc.
Sự tích về hồ Ba Bể cũng nhắc tới những con thuyền như thuyền độc mộc. Rằng có hai mẹ con nhà nọ, vì thương người nên được trời thương cứu khỏi nạn đại hồng thủy nhờ chiếc thuyền độc mộc. Thuyền độc mộc nhờ thế đã thành biểu tượng của hồ Ba Bể.
Độc mộc về xuôi, thuyền tôn thay thế
Giờ, ở bản Pác Ngòi - nơi trung tâm hồ Ba Bể - chỉ còn duy nhất một chiếc thuyền độc mộc, còn người biết làm thuyền như ông Toàn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Gió đưa hơi nước mát rượi từ mặt hồ tỏa vào căn nhà sàn. Xa xa có thể thấy ánh đèn của người dân đi thuyền sắt đang đánh cá. Anh Ngôn Văn Sơn, con trai của ông Toàn, giờ đang là quyền Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết, bố anh là thợ giỏi bậc nhất về làm thuyền thế nhưng anh thì không biết làm. Bởi lẽ, giờ cả xã, huyện đều thực hiện nghiêm túc việc quản lý bảo vệ rừng. Rừng quanh hồ đều nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể, người dân chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ rừng, cho nên không còn ai đi đốn cây làm thuyền nữa. Không còn thuyền mới, thuyền cũ hỏng dần cho nên số lượng ngày càng ít đi, chắc chỉ thời gian ngắn nữa là hết thuyền độc mộc làm từ gỗ.
Nhưng rồi dần dần, thuyền mới không có, thuyền cũ hỏng dần, chiếc đẹp nhất lần lượt về tay những nhà sưu tập dưới xuôi, người Ba Bể cũng chẳng còn mất độc mộc. Mỗi lần hội đua thuyền cũng phải góp từ các bản để có đủ đội thuyền.
Những chiếc thuyền độc mộc giờ được thay thế bằng thuyền sắt, gắn máy nổ, cơ động hơn, sức tải lớn hơn, không chỉ chở hàng mà còn có cả thuyền chở du khách tham quan. Níu giữ một nét văn hóa độc đáo, gắn với đời sống, người dân quanh hồ đặt làm những chiếc thuyền sắt theo hình dáng thuyền độc mộc. Ông Toàn mày mò nghiên cứu, tìm ra cách hàn sắt tạo khối rỗng hai đầu nên những chiếc thuyền sắt này dù lật cũng không bị chìm, giống như thuyền độc mộc.
Hoài niệm về những con thuyền độc mộc là một cảm giác phức tạp. Vừa nhớ những chiếc thuyền làm từ một thân cây lướt trên mặt hồ, vừa hiểu tình cảnh bây giờ là điều tất yếu khi cần bảo vệ những cánh rừng. Pác Ngòi giờ đã là bản du lịch homestay có tiếng của Bắc Kạn, luôn đón nhiều khách quốc tế. Nhiều người dân trong bản có thể nói tiếng Anh, Pháp thành thạo. Trong câu chuyện giới thiệu với du khách quốc tế vẫn luôn có những lời kể về thuyền độc mộc.
Ngày hội Lồng tồng (xuống đồng) hằng năm, hoạt động đua thuyền độc mộc luôn được mong chờ, dù là những chiếc thuyền bằng sắt. Quyền Giám đốc Khu du lịch Ba Bể Hoàng Ngọc Thấm hào hứng cho biết, đơn vị đã có một đề án bảo tồn nét văn hóa thuyền độc mộc. Theo đề án này, địa phương đang đề xuất đặt mua gỗ có nguồn gốc, xuất xứ, mời những người có kinh nghiệm về trình diễn chế tác thuyền độc mộc. Phấn đấu có khoảng 10 thuyền, để giới thiệu trên vùng hồ Ba Bể. Con số 10 chưa phải là nhiều so với trước đây, nhưng cũng là giữ được hồn của vùng lòng hồ nổi tiếng.
Độc mộc không còn, thì hồn độc mộc vẫn còn vậy.