Độc đáo “bể bơi” tự nhiên

Như một “ốc đảo” giữa làng, “bể bơi” tự nhiên được cải tạo từ bãi rác, ao tù đang trở thành mô hình nhận được sự ủng hộ của người dân và chính quyền với nhiều hiệu quả đem lại.
0:00 / 0:00
0:00
Ao làng được sử dụng làm nơi tập bơi và tắm mát an toàn cho thanh, thiếu niên.
Ao làng được sử dụng làm nơi tập bơi và tắm mát an toàn cho thanh, thiếu niên.

1/Những ngày này, dưới thời tiết nắng nóng của Hà Nội, người dân xóm Hòa Bình, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức lại rủ nhau ra ao làng Thiên để giải nhiệt. Trước đây, ao là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng, song từ những năm 1990, do sự phát triển của các làng nghề đã biến đây thành nơi tập kết rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân. Năm 2016, xuất phát từ ý tưởng cải tạo ao rác thành bể bơi của anh Nguyễn Phi Hậu, Chủ nhiệm CLB bơi xã Dương Liễu, mọi người đã họp bàn, trình lên chính quyền địa phương và được sự ủng hộ rất lớn. Giờ đây, ao Thiên từ một ao tù ô nhiễm đã biến thành nơi giải nhiệt cho người dân khu vực trong những ngày hè nóng nực.

Chị Đỗ Thị Nhung (35 tuổi, người dân thôn Quê) chia sẻ: “Ban đầu cũng nghi ngờ lắm vì sợ ô nhiễm, nhưng dần dần thấy mọi người bơi bình thường mình cũng đưa mấy bạn trẻ ở nhà ra cho tập bơi luôn, rất tiện lợi”.

Được biết, toàn bộ diện tích ao được cải tạo lên đến 7.000m2, để ao làng có thể trở thành “bể bơi”, người dân xã Dương Liễu phải rút toàn bộ nước trong ao, dọn sạch rác thải, xử lý đáy ao, khoan giếng, bơm nguồn nước sạch. Đặc biệt, toàn bộ kinh phí được xã hội hóa gần 300 triệu đồng. Sau tám tháng thi công, bể bơi khổng lồ đã ra đời, không chỉ là công trình giúp cải thiện cảnh quan nông thôn, ao làng còn là nơi dạy trẻ học bơi miễn phí nhằm giảm tai nạn do đuối nước trên địa bàn xã.

“Tôi ở xóm bên cạnh, do không có thời gian, cũng như cơ sở vật chất ở quê chưa đáp ứng được nên tôi chưa thể đưa cháu đi học bơi. Tuy nhiên, từ ngày cải tạo được ao này, cháu đã được tham gia học bơi miễn phí và hiện tại có thể bơi được khá tốt”, anh Lương Chung (41 tuổi, xóm Đoàn Kết) chia sẻ.

2/Cũng trong năm 2016, một bể bơi ao làng khác đã ra đời tại xã Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội). Ao Ngõ Cống được người dân hai xóm An Ninh và Trung Tiến cũng đã tự vận động xã hội hóa để cải tạo từ ao tù thành bể bơi tự nhiên. Cũng giống mô hình tại Hoài Đức, ở đây cũng có các lớp học dạy bơi miễn phí cho các em nhỏ. Kể từ khi có bể bơi này, các em nhỏ ít trốn đi tắm sông, tắm mương hơn, từ đó giảm rõ rệt số vụ đuối nước ở nông thôn.

Chị Nguyễn Quỳnh Trang cho biết: “Hầu hết các con đều được trang bị áo phao khi xuống nước. Hơn nữa, ngoài thầy dạy bơi, trên bờ cũng như dưới ao luôn có người túc trực nên rất yên tâm cho con chơi ở đây”.

Cả ao Thiên và ao Ngõ Cống mặc dù chỉ là ao làng nhưng vẫn đầy đủ các yếu tố bảo đảm an toàn cho người dân như trang bị phao cứu sinh chung quanh ao, biển cảnh báo mực nước, luôn có người túc trực trông coi… Mỗi năm, nước sẽ được thay một lần, còn công tác vệ sinh được người dân thay phiên dọn dẹp hằng ngày. Nhờ vậy, mỗi ao làng đều thu hút rất đông người tới bơi lội. Vào những ngày nắng nóng cao điểm, từ 16 giờ trở đi có tới hàng trăm lượt người ghé thăm.

Em Hoàng Bách (12 tuổi) phấn khởi chia sẻ: “Nhà cháu ngay bên kia ao, chiều nào cháu cũng ra bơi, nghỉ hè ở nhà chỉ mong tới chiều để được bơi thôi chú ạ. Bên kia thì nước sâu cho người lớn thôi, chúng cháu bơi bên này, an toàn, sạch sẽ”.

Được biết trong thời gian tới, UBND xã Dương Liễu còn tận dụng bể bơi làng Thiên để tổ chức giải bơi lội chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Nếu thành công, hoạt động này sẽ góp phần tuyên truyền và đem công trình cải tạo của người dân trở thành bài học để các địa phương khác có thể áp dụng và noi theo.

Thực tế cho thấy, ở khu vực nông thôn luôn thiếu bể bơi tiêu chuẩn, trẻ em ít được trang bị các kiến thức cũng như kỹ năng về bơi lội, do đó đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Chính vì vậy, những mô hình như tại hai xã đang mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng, cần được duy trì và nhân rộng ở các địa phương khác. Tuy nhiên, việc duy trì một công trình công cộng miễn phí được lâu dài hay không cần có nhiều yếu tố, đặc biệt nằm ở ý thức người dân cũng như sự quản lý của chính quyền địa phương.

Mong rằng, thời gian tới sẽ có nhiều mô hình cải tạo cả những bãi rác, bãi đất trống hay khu vực bỏ hoang trở thành những công trình đem lại lợi ích cho người dân, góp phần giảm tình trạng lãng phí đất đai hiện nay.