Độc đáo bay dù lượn đồi Bù

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km, đồi Bù đang là địa điểm được nhiều người tìm đến để được ngắm Hà Nội từ độ cao 700m bằng dù lượn.
0:00 / 0:00
0:00
Một em nhỏ trải nghiệm bay dù lượn. Ảnh: MEBAYLUON PARAGLIDING
Một em nhỏ trải nghiệm bay dù lượn. Ảnh: MEBAYLUON PARAGLIDING

1/Bay dù lượn không phải quá mới khi một số nước trên thế giới và nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã đưa bộ môn này vào nhằm kích cầu phát triển du lịch. Tại một số tỉnh như Yên Bái, Hòa Bình, Tây Ninh…, du khách phản hồi rất tích cực về hoạt động này. Tại Hà Nội, vài năm trở lại đây, bộ môn này được để ý tới nhiều hơn, các đoàn bay luôn trong tình trạng kín khách, thậm chí khách hàng phải đặt trước một đến hai tháng để được trải nghiệm.

Đồi Bù (hay còn gọi là đồi nhảy dù 833) cách trung tâm Hà Nội hơn 30km, thuộc thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, nằm giáp ranh giới huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Nơi đây có dãy núi đẹp, sườn thoải với độ dài 1,5km, điểm cất cánh nằm trên độ cao 655m, vào cuối thu gió mùa

đông bắc thì đồi lau trắng sẽ nở bung tạo nên khung cảnh đẹp mắt. Chính vì vậy, đồi Bù được rất nhiều phi công dù lượn miền bắc lựa chọn tập luyện và là điểm bay ngắm cảnh lý tưởng cho du khách. Theo các phi công đã có những chuyến bay cao hơn 1.500m được thực hiện tại đây. Không chỉ có dù lượn, đồi Bù còn là địa điểm cắm trại yêu thích của nhiều bạn trẻ.

Chị Nguyễn Thùy Trang (Đống Đa, Hà Nội), người trải nghiệm bộ môn chia sẻ: “Mình biết đến bộ môn này lâu rồi những giờ mới có can đảm đi, ban đầu còn hơi sợ nhưng các anh phi công rất chuyên nghiệp nên lúc sau thấy rất an toàn. Đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị”.

Em Nguyễn Gia Tùng (10 tuổi) rất phấn khích: “Đi thích lắm chú ạ, khác với đi máy bay nhiều, được ngắm cảnh rất đẹp, cháu đang xin bố mẹ đi tiếp mà chưa được”. Được biết, để thưởng cho em vì đã có thành tích cao trong học tập năm vừa rồi, bố mẹ em đã thử cho em đi trải nghiệm. Anh Tống Tuấn Anh (bố cháu Tùng) cho biết, đã đặt tour này từ tháng trước, nhưng chỉ cho em bay, mọi người vẫn còn sợ chưa dám thử nhưng sau lần này chắc chắn sẽ phải trải nghiệm xem sao, đứng ở đỉnh đồi phong cảnh đã rất đẹp, bay trên kia chắc còn đẹp hơn nữa.

2/Nếu muốn thử trải nghiệm cảm giác được bay dù lượn, người chơi có thể đăng ký tham gia với các câu lạc bộ được cấp phép đào tạo và tổ chức bay dù lượn như Mebayluon Paragliding, Vietwings Hanoi, Hanoi Paragliding... Tại đồi, các phi công sẽ trang bị đồ bảo hộ, mũ bảo hiểm và hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị ghi hình như GoPro, tripod… để giúp các bạn ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất, các bước chuẩn bị cũng không quá phức tạp. Người tham gia sẽ bay cùng một huấn luyện viên, người này có trách nhiệm điều khiển dù, cất và hạ cánh, bảo đảm an toàn cho khách.

Theo anh Đặng Văn Mỹ (huấn luyện viên bay dù lượn) thì toàn bộ huấn luyện viên và phi công đều phải có đủ giờ bay, có các bằng, chứng chỉ quốc tế về môn dù lượn mới được phép bay. Bên cạnh đó, trước khi bay, các phi công đều phải báo với ban quản lý theo đúng quy định, đặc biệt không được bất chấp thời tiết mà bay cố, việc này rất nguy hiểm cho cả khách hàng với phi công.

Chi phí cho một chuyến bay từ 15-30 phút khoảng 1.200.000 đồng/người/lượt bao gồm phí bay và mượn các thiết bị cần thiết cho chuyến bay. Giá vé nhảy dù cuối tuần (chưa bao gồm di chuyển): 1.490.000 đồng/người/lượt. Suất bay hoàng hôn là 2.000.000 đồng/người/lượt. Nếu hôm đó thời tiết không đẹp, du khách không thể ngắm hoàng hôn một cách trọn vẹn do nhiều mây thì giá vé sẽ tính như ban đầu hoặc sẽ được hoàn trả nếu không thể bay do thời tiết quá xấu. Du khách cũng không được bay nếu bị bệnh tim mạch, huyết áp hay chứng sợ độ cao bệnh lý (ở trên cao là buồn nôn, tim đập nhanh...). Điều này được nhắc nhở ngay khi khách đặt vé.

Theo anh Mỹ, nếu so một số tỉnh và các nước khác, giá vé này hiện nay là khá rẻ, phù hợp đa số người dân. “Tại Mù Cang Chải (Yên Bái) hay Lai Châu, giá vé không bao giờ dưới hai triệu đồng mà không phải lúc nào cũng bay được do điều kiện thời tiết trên đó khắc nghiệt hơn dưới mình. Cũng có nhiều gia đình đưa các cháu nhỏ lên để trải nghiệm, khách nhỏ nhất là khoảng năm đến sáu tuổi”, anh Mỹ cho biết.

Một số người ở khu vực này cũng đưa ra lời khuyên, đồi Bù không phải khu du lịch kinh doanh, chính vì thế không có dịch vụ ăn-ngủ-nghỉ như những nơi khác. Nên nếu người dân lên đây chơi, ngắm cảnh, trải nghiệm bay dù lượn, muốn ngủ lại qua đêm, thì nên mang theo lều trại hoặc thuê của câu lạc bộ dù, kèm theo bếp lửa và đồ ăn.