Doanh nghiệp phải chịu thuế cả phần lãi vay

Theo Nghị quyết 105 của Chính phủ vào tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 132, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp về quy định quản lý thuế với giao dịch có liên kết. Nhưng thực tế lộ trình tiến hành vẫn còn khá chậm.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp vẫn khó trong tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Ảnh: NGUYỆT ANH
Doanh nghiệp vẫn khó trong tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Ảnh: NGUYỆT ANH

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) quy định về Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, sau ba năm thực thi, Nghị định này đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó phải kể đến quy định khống chế chi phí lãi vay chỉ ở mức 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.

Doanh nghiệp bị đẩy vào thế khó

Đại diện một tập đoàn lớn cho biết, năm 2022, đơn vị có đầu tư vào một công ty con để sản xuất nguyên vật liệu xây dựng theo tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc đầu tư này đã khiến doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết và bị áp trần chi phí lãi vay của Nghị định 132. Hiểu đơn giản, khi doanh nghiệp đi vay quá mức trần 30% sẽ không được tính là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã phải trả thuế cho cả phần lãi vay này, dù sản xuất lãi hay lỗ.

Bình luận về bất cập này, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Nghị định 132 quy định trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm hơn 50% tổng các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay, giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Trong trường hợp này, chi phí lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, cơ sở xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không được vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế. Phần chi phí lãi vay vượt quá 30% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã vượt mức khống chế vay theo quy định này nên không thể mở rộng khả năng tiếp cận được vốn; hoặc nếu có thì phải cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế theo quy định tại Nghị định 132. Hệ quả, các doanh nghiệp bị giảm chi phí được trừ khi tính thuế và phải nộp thêm thuế. Điểm nữa, quy định thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ có thể gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo lỡ kinh doanh hòa vốn hoặc bị thua lỗ.

“Kể cả trường hợp có lãi nhưng nếu doanh nghiệp rơi vào trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo không thấp hơn mức quy định, coi như toàn bộ phần chi phí lãi vay không được trừ và chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo bị mất trắng”, ông Hòe nêu rõ.

Nâng trần chi phí lãi vay để phù hợp với thực tiễn

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hầu hết doanh nghiệp trong nước đều phụ thuộc khá lớn vào nguồn vốn của ngân hàng để có tiền đầu tư công nghệ và phát triển lâu dài. Vì vậy, khống chế trần lãi suất cho vay dường như đẩy doanh nghiệp vào thế khó, phải tiếp tục đóng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần đi vay bị vượt trần. “Với đầu tư công nghệ phải có nguồn vốn lớn và nếu áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay thì vô hình trung làm giảm động lực đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là công nghệ, để có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả”, bà Thảo quan ngại.

Bộ Tài chính đã ban hành văn bản lấy ý kiến các bộ, ban, ngành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 132 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, lộ trình tiến hành còn đang khá chậm, dự kiến quý II/2024 mới báo cáo Chính phủ dự thảo Nghị định.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục khó khăn, nếu càng chậm sửa đổi thì càng đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn và khó phục hồi. Cũng theo bà Thảo, khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, dù Bộ Tài chính đã tham khảo thông lệ quốc tế, song đây là các nền kinh tế phát triển có chi phí lãi vay thấp, trong khi tại Việt Nam luôn ở mức cao. Vì vậy, khi sửa đổi Nghị định 132 thì cần phải nâng trần chi phí lãi vay để phù hợp thực tiễn tại Việt Nam. “Có nhiều chuyên gia đã gợi ý khoảng 50% là phù hợp với bối cảnh hiện nay và điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Đó chính là một giải pháp cần phải thực hiện khẩn trương”, bà Thảo nêu rõ.

Có thể áp dụng các mức trần khác nhau

Đồng tình với quan điểm của bà Thảo, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cũng cho rằng, lãi suất cho vay ở Việt Nam luôn ở mức cao so với thế giới, thì việc khống chế ở mức lãi vay 30% khiến doanh nghiệp khó có thể mở rộng tiếp cận được nguồn vốn. Trong khi nếu vay với mức cao hơn thì lại được tính vào mức chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ quan soạn thảo cần tổng kết tình hình thực tế và nhận phản hồi của các cộng đồng doanh nghiệp, từ đó phân loại và áp dụng các mức trần khác nhau.

“Những doanh nghiệp lớn có thể áp trần mức 30%, nhưng với doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể mức trần cao hơn 50%, hoặc có thể căn cứ vào từng ngành nghề mà áp dụng các mức trần khác nhau. Không thể áp dụng mức 30% cho tất cả các doanh nghiệp, cần phải có đánh giá tác động chính sách của cơ quan soạn thảo, đề ra các mức khác nhau trên các tiêu chí khác nhau”, ông Hà nêu ý kiến.

Về giải pháp chống chuyển giá, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có thể liên kết với các công ty mẹ hoặc các công ty liên kết trong tập đoàn ở nước ngoài vay vốn và đẩy lãi suất lên cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng có thể căn cứ vào lãi suất cho vay giữa các ngân hàng với nhau; lãi suất cho vay giữa các định chế tài chính với nhau và tỷ lệ cho vay tối đa để loại trừ chi phí lãi suất, từ đó tính toán lợi nhuận thuần và tính thu nhập của doanh nghiệp chính xác.

Còn đối với doanh nghiệp trong nước, nếu có liên kết góp vốn với nhau, thì các cơ quan quản lý có thể tính hạn mức lãi vay này, còn lãi vay từ các tổ chức tín dụng (TCTD) cần loại bỏ khỏi hạn mức 30% so với lợi nhuận thuần. Bởi, trên thực tế, đây là đơn vị độc lập và Luật Các tổ chức tín dụng có quy định rõ ràng giới hạn cho vay để an toàn và bao giờ cũng tính toán khả năng trả lãi của doanh nghiệp trên phần thu nhập mang lại. Do đó, việc vay vốn không liên quan đến câu chuyện các doanh nghiệp trong khối liên kết. “Cần phải bỏ lãi vay của TCTD, ngoại trừ các doanh nghiệp liên kết đứng ra hỗ trợ về lãi vay hoặc đứng ra dùng tài sản của mình để bảo lãnh vay thì có thể tính toán vào. Còn việc tính cả lãi vay của tổ chức tín dụng là không phù hợp”, ông Hòe kiến nghị.

Đồng thời, cơ quan soạn thảo nên xem xét kéo dài thời gian chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế từ mức 5 năm như hiện tại lên 7 năm; đồng thời, cho phép doanh nghiệp được chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế sang cả các kỳ tính thuế không phát sinh giao dịch liên kết.