Doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng trí tuệ nhân tạo

Chỉ mới xuất hiện trong một thời gian ngắn, ChatGPT - ứng dụng chatbot của Công ty OpenAI (Mỹ), đã trở thành một công cụ hữu hiệu trong hoạt động marketing của nhiều doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: NAM ANH
của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: NAM ANH

Công nghệ hiện đại vốn được cho là chỉ những doanh nghiệp lớn mới đủ khả năng sở hữu, song với sự phát triển và phổ biến của trí tuệ nhân tạo (AI), doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang trở nên bình đẳng hơn trong việc tiếp cận những ưu việt từ công nghệ.

AI "len lỏi" trong mọi hoạt động

Không cần phải tốn quá nhiều tiền để thuê những người làm nội dung, chỉ với một gói đăng ký trả phí không đáng kể, ChatGPT có thể trở thành những "nhân viên" hiệu quả trong việc thực hiện chiến lược marketing. Theo bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Điều hành Thế giới Bảng, trước đây, bộ phận marketing khá vất vả trong việc viết nội dung để truyền thông về sản phẩm thì nay chỉ cần một vài người và ứng dụng trí tuệ nhân tạo này, hoạt động marketing đã hiệu quả hơn rất nhiều. Chúng tôi đang tiếp cận công cụ AI để hỗ trợ nhiều khâu từ quản trị tới bán hàng nhằm gia tăng hiệu quả cho doanh nghiệp.

Còn với Netco Post, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, việc gặp nhiều áp lực cạnh tranh trong ngành buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm các giải pháp công nghệ. Nhờ ứng dụng công nghệ trong nhiều khâu, từ tối ưu hóa quãng đường, chăm sóc khách hàng cho đến quản lý nhân sự, doanh nghiệp đã nâng cao năng suất và hiệu quả lên hơn 20%, có bộ phận tới 100%.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Netco Post, trước đây, doanh nghiệp cũng băn khoăn về nguồn lực để đổi mới quy trình, ứng dụng công nghệ nhưng khi tìm hiểu thì AI trở thành lựa chọn hàng đầu vì công nghệ này đang ngày càng trở nên phổ biến, thể hiện tính ưu việt trong nhiều khâu của hệ thống.

Bàn về vấn đề ứng dụng AI vào hoạt động quản trị và kinh doanh, không ít doanh nghiệp vẫn nghĩ rằng đó là sân chơi của các công ty lớn. Với những cải tiến gần đây, trí tuệ nhân tạo đã trở thành trợ thủ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng trong vận tải, tài chính, tiếp thị và quảng cáo, cũng như khoa học, chăm sóc sức khỏe, an ninh hoặc khu vực công. Trong các lĩnh vực này, hệ thống AI có thể phát hiện các mẫu trong khối lượng dữ liệu khổng lồ và lập mô hình các hệ thống phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau để cải thiện việc ra quyết định và tính toán hiệu quả chi phí.

Theo một báo cáo của McKinsey & Company (công ty tư vấn quản trị toàn cầu), AI mang lại cho kinh tế thế giới thêm 13 nghìn tỷ USD từ nay tới năm 2030, tương đương mức tăng trưởng GDP toàn cầu 1,2%/năm. Trong cuộc khảo sát do PwC (một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) thực hiện với 1.026 vị lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp tại Mỹ trong năm 2023, kết quả cho thấy 73% các công ty này đã tích hợp AI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

AI sẽ đóng vai trò then chốt trong các quy trình và tạo ra những hiệu quả đột phá trong kinh doanh và quản lý. Theo Forbes, các thuật toán nâng cao của AI giúp phát hiện các trục trặc, giảm tỷ lệ sai sót, từ đó có thể tiết kiệm tới 37% chi phí cho doanh nghiệp vào năm 2024.

Khảo sát của Accenture chỉ ra rằng, ứng dụng AI trong vận hành kinh doanh làm tăng gấp đôi hiệu quả cho lực lượng lao động và tăng lợi nhuận trung bình tới 38% vào năm 2035. Những số liệu này cho thấy, AI sẽ trở thành lựa chọn tiềm năng cho nhiều doanh nghiệp nếu biết sớm nắm bắt và ứng dụng có hiệu quả.

Vẫn còn nhiều rào cản

Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm và ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khảo sát cho thấy, phần đông doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa sẵn sàng, còn lúng túng khi ứng dụng AI.

Ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Trung tâm AI Tập đoàn Công nghệ TMA cho biết, có nhiều nguyên nhân được chỉ ra là do chưa sắp xếp được nguồn vốn, nguồn nhân lực; gặp khó khi sở hữu dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau. Nhiều doanh nghiệp cứ nhắc đến AI là nghĩ ngay đến chi phí rất cao, nhưng thực tế chi phí này rất nhỏ so với chi phí chuyển đổi số và phân tích dữ liệu.

Trong khi đó, một doanh nghiệp về phòng sạch và công nghệ cao lại bày tỏ những lo ngại về tính bảo mật dữ liệu và tích hợp hệ thống AI vào cơ sở hạ tầng hiện có của doanh nghiệp. "Thách thức hiện nay là lợi ích mang lại của việc ứng dụng AI cho kinh doanh hiện chưa rõ ràng. Ngoài ra, để áp dụng công nghệ thông minh này, cần đầu tư cho việc đào tạo nguồn lực và vận hành", chủ doanh nghiệp này trăn trở.

Còn theo ông Phan Tấn Quốc, Phó Giám đốc Chương trình đổi mới sáng tạo KPMG Việt Nam, tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, là ngại ứng dụng AI do "sợ bị thay thế". Họ nghĩ rằng sẽ đến lúc AI như một "giám đốc điều hành" khiến con người bị đào thải. Nhân viên không muốn sử dụng AI vì sợ mình sẽ mất việc. Nhất là với những doanh nghiệp có lợi nhuận ổn định hằng năm, họ thiếu động lực đổi mới. Những rào cản này đang khiến số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam tận dụng được cơ hội từ AI còn rất hạn chế.

Đánh giá về xu hướng AI, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT cho biết, trước đây, các hệ thống AI sử dụng toàn bộ dữ liệu do con người làm ra. Nhưng gần đây, AI đã có khả năng tự sinh ra dữ liệu, thuật toán và sẽ quyết định nó sẽ làm gì. Nhiều khi kết quả của ChatGPT đưa ra gây bất ngờ với người lập trình ra nó.

“Ứng dụng AI bây giờ khá phổ biến và rẻ. Công ty có 1 hoặc 2 người cũng có thể ứng dụng AI. Khó nhất trong ứng dụng AI, kể cả doanh nghiệp lớn hay nhỏ, là thay đổi tư duy của lãnh đạo. Nếu lãnh đạo giao trưởng phòng phụ trách việc ứng dụng AI chắc chắn thất bại. 70% dự án AI, dữ liệu lớn thất bại là do lãnh đạo giao cấp dưới thực hiện”, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.