Định hướng hoạt động cho vay

Cuối tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 06). Đây là hành động thể hiện sự chủ động, linh hoạt của NHNN nhằm tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho vay để nâng cao chất lượng tín dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động cho vay cần hướng vào những lĩnh vực lành mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: NAM ANH
Hoạt động cho vay cần hướng vào những lĩnh vực lành mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: NAM ANH

Hành động chủ động, linh hoạt

Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 39) được ban hành vào năm 2016 là cơ sở để các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động cho vay một cách thuận lợi, theo định hướng tăng trưởng tín dụng. Sau hơn sáu năm thực hiện, nhiều nghiệp vụ cho vay mới hình thành, đặc biệt là cho vay bằng phương tiện điện tử cũng như các nghiệp vụ thực hiện trên nền tảng số đã khiến một số quy định tại Thông tư 39 không còn phù hợp. Chính vì thế, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 là cần thiết nhằm khắc phục các khó khăn, vướng mắc của TCTD trong thực tiễn hoạt động cho vay thời gian qua cũng như hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, việc vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống... Với ý nghĩa quan trọng liên quan đến hoạt động cho vay của TCTD, dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 đã được NHNN lấy ý kiến rộng rãi từ tháng 6/2022. Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực đã được NHNN xem xét, nghiên cứu để tiếp thu, sửa đổi và trình cấp thẩm quyền ban hành chính thức.

Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 được ban hành trong bối cảnh NHNN đã bốn lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành từ đầu năm 2023 đến nay, đồng thời, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm mạnh, trong đó, lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm đã giảm xuống dưới 1%, kỳ hạn 1 tháng giảm xuống dưới 4%. Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc giảm lãi suất góp phần giảm lãi suất cho vay, khuyến khích các TCTD rót thêm vốn vào nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay giảm sâu có thể dẫn tới nguồn vốn rẻ dịch chuyển sang các lĩnh vực rủi ro cao để tìm kiếm lợi nhuận. Để kiểm soát, việc tăng quy mô tín dụng cần được định hướng vào những lĩnh vực lành mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo chủ trương của Nhà nước và hạn chế những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Chính vì thế, NHNN đã hành động nhanh, phù hợp bằng việc ban hành Thông tư 06 với mục tiêu định hướng hoạt động cho vay để kiểm soát rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng.

Những điểm mới của Thông tư 06

Điểm đáng chú ý đầu tiên là việc bổ sung bốn nhu cầu về vốn của khách hàng không được vay tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngoài những nội dung đã được quy định tại Thông tư 39, gồm: (i) Để gửi tiền; (ii) Để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom; (iii) Để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật; (iv) Để bù đắp tài chính (khái niệm mới được bổ sung vào Thông tư 06), trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ một số điều kiện nhất định.

Bên cạnh đó, Thông tư 06 loại bỏ “khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm” ra khỏi nhu cầu vốn không được vay. Đồng thời, ràng buộc thêm trách nhiệm trong trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, TCTD phải phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay theo quy định của pháp luật cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.

Thông tư 06 bổ sung riêng một mục về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, quy định rõ nguyên tắc cho vay; hệ thống thông tin thực hiện hoạt động cho vay. Trong đó, TCTD tự quyết định về hệ thống công nghệ và tự chịu rủi ro phát sinh trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu theo quy định; nguyên tắc nhận biết và xác minh thông tin khách hàng; giới hạn dư nợ cho vay đối với khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam tại một TCTD; phương thức giải ngân vốn vay. Ngoài ra, TCTD phải ban hành quy định nội bộ về cho vay bằng phương tiện điện tử (nếu có).

Đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích, tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng theo chủ trương của Nhà nước như phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ cao..., lãi suất cho vay thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ, đồng thời, khách hàng phải được TCTD đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Thông tư 06 quy định linh hoạt hơn về đồng tiền trả nợ vay. Theo đó, khách hàng có thể thỏa thuận với TCTD trả nợ bằng đồng tiền khác với đồng tiền vay trên cơ sở phù hợp quy định của pháp luật liên quan.

Thông tư 06 quy định chặt chẽ hơn đối với quy định nội bộ về cho vay, trong đó, có phương án sử dụng vốn đối với phương án, dự án phục vụ nhu cầu đời sống để mua nhà ở; xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở.

Thông tư có hướng dẫn cụ thể về trình tự thu nợ đối với khoản nợ vay quá hạn. Trường hợp khoản nợ vay bị quá hạn, TCTD thực hiện theo thứ tự nợ gốc thu trước, nợ lãi tiền vay thu sau. Đối với khoản nợ vay có một hoặc một số kỳ hạn trả nợ bị quá hạn, TCTD thực hiện thu nợ theo thứ tự thu nợ gốc đã quá hạn, thu nợ lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả, thu nợ gốc đến hạn, thu nợ lãi trên nợ gốc mà đến hạn chưa trả.

Kiểm soát rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng

Theo đánh giá của ông Đỗ Xuân Trung, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Thông tư 06 được ban hành hướng tới ba mục tiêu cơ bản:

Một là, tăng cường kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực rủi ro cao thông qua việc quy định thêm một số nhu cầu vốn không được cho vay. Thí dụ như việc cho vay để gửi tiền thực chất là hưởng chênh lệch lãi suất, không hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Đối với việc cho vay để góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp chưa niêm yết sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro do không đủ cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động, tài chính của các doanh nghiệp này... Thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ mới thành lập, vốn điều lệ chưa đánh giá đầy đủ, hồ sơ, tài liệu liên quan hoạt động doanh nghiệp còn hạn chế...

Hai là, yêu cầu TCTD củng cố hệ thống các quy định, quy trình nội bộ liên quan hoạt động cho vay, bao gồm cả cho vay bằng phương tiện điện tử nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng. Thí dụ, thời gian vừa qua có tình trạng một số TCTD cho vay khách hàng cá nhân với mục đích tiêu dùng, sinh hoạt liên quan đến bất động sản với số tiền rất lớn. Nhằm kiểm soát rủi ro cho vay đối với các khoản vay dạng này, cần có quy trình nội bộ chặt chẽ hơn (điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ, phương án sử dụng vốn, kế hoạch trả nợ...) đối với các khoản vay này.

Ba là, xây dựng hành lang pháp lý cần thiết cho các khoản vay được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Theo phân tích của VNDirect, đây là tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam khi mà đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đã đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng (tăng 82% so cùng kỳ, chiếm 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng của toàn hệ thống).