Định hình thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp

Tháng 5/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 30/2023/TT-BTC hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước (Thông tư 30). Đây được coi là cột mốc quan trọng đánh dấu việc hình thành sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Kỳ vọng tăng tính minh bạch từ sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, Ảnh: NGUYỆT ANH
Kỳ vọng tăng tính minh bạch từ sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, Ảnh: NGUYỆT ANH

“Đấu trường” của các nhà đầu tư chuyên nghiệp

Một trong những rủi ro trọng yếu của thị trường TPDN Việt Nam hiện nay chính là việc một số tổ chức phát hành, vì nhu cầu vốn cho sự tăng trưởng nóng nên đã huy động trái phiếu với lãi suất rất cao, nhưng phần lớn sử dụng vốn không đúng mục đích và kém hiệu quả. Chính vì vậy, khi các cơ quan quản lý nhà nước mạnh tay xử lý, các tổ chức phát hành đã ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp phát hành mua lại là hơn 210 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so cùng kỳ năm 2021.

Việc khó huy động vốn từ các nguồn khác cùng với việc sử dụng nguồn lực hiện có để mua lại trái phiếu trước hạn khiến thanh khoản của nhiều tổ chức phát hành gặp khó khăn. Ngày càng nhiều doanh nghiệp chậm thực hiện nghĩa vụ trái phiếu đến hạn. Theo thống kê của FiinRatings, đến cuối tháng 4/2023, đã có đến 89 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ TPDN với tổng giá trị là 113 nghìn tỷ đồng.

Những rủi ro tiềm ẩn của thị trường TPDN cùng với việc chậm thực hiện nghĩa vụ của các tổ chức phát hành đã khiến niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường TPDN bị giảm sút. Do đó, việc phát hành TPDN mới trở nên khó khăn hơn và thanh khoản TPDN của nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp gần như bế tắc.

Trước những vấn đề của thị trường TPDN, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành một số chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, như ban hành các quy định mới về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; cho phép tổ chức tín dụng mua lại TPDN... Và gần đây nhất là Thông tư 30 của Bộ Tài chính nhằm định hình thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ, tạo thanh khoản cho thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: “Việc khai trương sàn giao dịch TPDN riêng lẻ với phương thức thanh toán tức thời T+0 sẽ giúp tăng thanh khoản trái phiếu trên thị trường và tạo dựng lại niềm tin đối với thị trường TPDN”. Chuyên gia kinh tế Phan Lê Thành Long cho rằng: “Thông tư số 30 được ví là cái “phao” cứu nhà đầu tư, trong bối cảnh doanh nghiệp không thể trả được nợ gốc và lãi trái phiếu”.

Tuy vậy, sàn giao dịch TPDN riêng lẻ chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Theo quy định tại Thông tư 30 về các thành phần tham gia thị trường, bên cạnh doanh nghiệp phát hành, thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, thành viên lưu ký; Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX); Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; ngân hàng thanh toán..., còn có các nhà đầu tư TPDN riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của Điều 11 Luật Chứng khoán 2019. Riêng đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, chỉ đủ điều kiện mua TPDN phát hành riêng lẻ khi danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Công ty chứng khoán là thành viên giao dịch, thành viên lưu ký chịu trách nhiệm xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật khi tham gia giao dịch.

Hàng hóa trên sàn giao dịch là TPDN riêng lẻ phát hành kể từ khi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 có hiệu lực thi hành (tức là ngày 1/1/2021). Còn TPDN đã phát hành trước đó và còn dư nợ thì tiếp tục lưu ký, giao dịch trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt, chấp thuận. TPDN riêng lẻ phải được đăng ký và lưu ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Doanh nghiệp phải đưa trái phiếu lên đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ đăng ký giao dịch và các thông tin công bố có liên quan.

Theo số liệu tại HNX, tính đến cuối tháng 6/2023, toàn thị trường có 5.296 mã TPDN riêng lẻ đăng ký lưu ký, trong đó có 2.353 mã đang còn dư nợ. Dự kiến có khoảng 1.600 mã TPDN riêng lẻ thuộc đối tượng giao dịch trên sàn.

Về hệ thống giao dịch bao gồm cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ đã được HNX xây dựng, với năng lực xử lý có thể đạt 15.000-20.000 lệnh/giây, 20 đến 30 triệu lệnh/phiên.

Các bước chuẩn bị cuối cùng

Đầu tháng 7/2023, theo thông tin từ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang phối hợp Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) xem xét, ban hành Quy chế hoạt động đăng ký, lưu ký và thanh toán giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ của VSDC, Quy chế thành viên giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ và Quy chế giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Trên cơ sở hệ thống giao dịch, đăng ký, lưu ký và thanh toán giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ vận hành ổn định, Bộ Tài chính sẽ chấp thuận vận hành chính thức.

Trong giai đoạn đầu, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được lựa chọn là ngân hàng thanh toán để tiến hành kết nối thử nghiệm hệ thống với VSDC và một số thành viên lưu ký. Sau giai đoạn thử nghiệm, các ngân hàng thương mại khác có thể làm ngân hàng thanh toán trên cơ sở VSDC xác nhận về việc hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật của ngân hàng. Dự kiến trong tháng 7/2023, sàn giao dịch TPDN riêng lẻ sẽ chính thức vận hành.

Còn đôi chút băn khoăn

Theo UBCKNN, việc đưa vào hoạt động sàn giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ sẽ tạo ra một thị trường thứ cấp để các trái chủ thực hiện thanh khoản trên thị trường, qua đó, gây dựng lại niềm tin đối với thị trường TPDN. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn còn đôi chút băn khoăn.

Thứ nhất là chủng loại hàng hóa trên thị trường. Theo phân tích của một quỹ đầu tư trái phiếu nước ngoài tại Việt Nam, TPDN là hàng hóa sẽ gồm nhiều loại với chất lượng và giá cả khác nhau. Thời gian vừa qua, TPDN riêng lẻ phát hành bùng nổ với nhiều loại. Có loại TPDN nhiều “không” (không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm...), có loại có tài sản bảo đảm gồm cả tài sản chất lượng (như bất động sản, cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết...) hoặc kém chất lượng (quyền tài sản, cổ phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết...), có loại bảo đảm khả năng thanh toán nhưng cũng có loại đã mất khả năng thanh toán... Như vậy là đa dạng chủng loại hàng hóa. Với nhà đầu tư, việc tiếp cận thông tin để đánh giá đúng chất lượng và giá cả của sản phẩm TPDN là tương đối khó khăn. Trong khi đó, việc xếp hạng tín nhiệm đối với TPDN và tổ chức phát hành hiện chưa thực hiện được đầy đủ. Phân tích này cho rằng, cần có một bộ tiêu chuẩn và/hoặc một đơn vị độc lập để đánh giá, xếp loại TPDN, làm cơ sở để nhà đầu tư lựa chọn, tương tự việc phân loại cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán.

Thứ hai là giá khởi điểm và biên độ dao động giá trong một phiên giao dịch của TPDN. Trên cơ sở chất lượng TPDN cũng như lợi ích thu được từ lãi suất, chiết khấu, tái chiết khấu... giá khởi điểm sẽ được xác định làm tham chiếu giao dịch. Đương nhiên, giá giao dịch sẽ trên cơ sở cung cầu của thị trường. Theo ông Phan Lê Thành Long, trước đây, nhà đầu tư mua trái phiếu qua công ty chứng khoán, ngân hàng theo “danh mục” của chính công ty chứng khoán, ngân hàng; phải đợi đến khi đáo hạn mới thu được lãi và gốc hoặc chuyển nhượng lại cho chính ngân hàng, công ty chứng khoán đó. Còn bây giờ, nhà đầu tư có thể đưa lên sàn giao dịch, giá cả do cung cầu quyết định. Trường hợp cần thiết có thể giảm giá tùy theo chất lượng TPDN. Chẳng hạn tại Hàn Quốc, vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, TPDN không tài sản bảo đảm, tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán chỉ được mua lại với mức chiết khấu lên đến 93% mệnh giá trái phiếu. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét có nên áp dụng biên độ dao động giá trái phiếu trong một phiên giao dịch hay không. Theo phân tích của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), trường hợp cần thiết, nhà đầu tư chấp nhận giảm giá đến mức phù hợp để có người mua, tạo thanh khoản. Còn theo ông Phan Lê Thành Long, trường hợp tổ chức phát hành làm ăn không tốt, người nắm giữ trái phiếu có thể giảm giá bán để rút vốn. Tất nhiên, các nhà đầu tư thấy mức chiết khấu đủ “hấp dẫn” sẽ chấp nhận rủi ro, kỳ vọng tổ chức phát hành khôi phục hoạt động thì giá trái phiếu sẽ tăng trở lại.

Thứ ba là đối với các nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ TPDN nhưng không đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hiện tại, nhà đầu tư chỉ có thể trông chờ vào tổ chức phát hành thanh toán khi đến hạn. Nếu có sàn giao dịch và TPDN đủ điều kiện, cần có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư, ủy thác cho công ty chứng khoán, ngân hàng hoặc tổ chức (những nơi nhà đầu tư mua trái phiếu) để chuyển nhượng trái phiếu nếu nhà đầu tư có nhu cầu.