Nhiều công trình giao thông trọng điểm hoàn thành
K ết thúc năm 2022, người dân TP Hồ Chí Minh rất phấn khởi khi hàng loạt dự án như cầu Bưng, cầu Thủ Thiêm 2, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh, cải tạo kênh Nước Đen, được hoàn thành đã giúp giảm đáng kể tình trạng tắc đường, tăng kết nối vùng.
Trong đó, vào giữa tháng 10/2022, việc thông xe nhánh cầu Bưng bắc qua kênh Tham Lương nối quận Bình Tân và Tân Phú trên trục đường Lê Trọng Tấn, thay thế cây cầu hiện hữu nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và nối kết liên vùng trong khu vực tây bắc thành phố. Trước đó, vào cuối tháng 4, dự án mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh hoàn thành và đưa vào khai thác đã giúp kết nối giao thông khu vực, cải thiện tình trạng ngập nước, chỉnh trang đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Hóc Môn và khu vực. Cũng trong cuối tháng 4, TP Hồ Chí Minh thông xe tuyến đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1), giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố.
Nổi bật trong số nhiều dự án giao thông hoàn thành và đưa vào khai thác trên địa bàn thành phố là công trình cầu Thủ Thiêm 2 (nối trung tâm thành phố với TP Thủ Đức). Cầu dài gần 1,5km, với sáu làn xe, được xem là biểu tượng mới của TP Hồ Chí Minh.
Một sự kiện được người dân mong chờ trong những ngày cuối năm 2022 là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy thử đoạn trên cao dài gần 9km, từ ga Suối Tiên đến ga Bình Thái (TP Thủ Đức). Tuyến metro số 1 dài gần 20km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến Depot Long Bình (TP Thủ Đức) với ba ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn dự án hiện đạt khoảng 93% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Trong những ngày cuối năm 2022, một loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được TP Hồ Chí Minh đồng loạt khởi công xây dựng. Nổi bật nhất là dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng ngày 24/12. Công trình dự kiến thi công trong 24 tháng, hoàn thành và chạy thử cuối năm 2024. Khi đó, nhà ga T3 sẽ có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm. Dự án có tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu của ACV (70%) và vốn vay thương mại (chiếm 30%). Khi hoàn thành, Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ khai thác 90% chuyến bay nội địa, 10% chuyến bay quốc tế, còn Sân bay quốc tế Long Thành sẽ khai thác 10% chuyến bay nội địa, 90% chuyến bay quốc tế.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, dài khoảng 4km, mặt cắt ngang sáu làn xe, vận tốc thiết kế 50km/giờ, cũng đã được khởi công xây dựng. Dự án có tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng. Ngoài mục tiêu kết nối trực tiếp với nhà ga T3, dự án còn tạo ra một tuyến đường mới song hành và giảm tải cho các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh hiện hữu, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất.
Tiếp đó, ngày 27/12, thành phố khởi công dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50, với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng. Dự án tiếp giáp tỉnh Long An, chiều dài gần 7km, mặt cắt ngang 34m (tương đương sáu làn xe), dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) Nguyễn Vĩnh Ninh cho biết, khi hoàn thành sẽ tăng năng lực khai thác tuyến này, giúp kết nối TP Hồ Chí Minh với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây. Đồng thời, tăng cường kết nối khu vực cửa ngõ phía nam thành phố với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, vành đai 3 thời gian tới.
Một trong những dự án giao thông tiêu biểu của TP Thủ Đức cũng được khởi công xây dựng những ngày cận Tết dương lịch 2023 là nút giao thông An Phú. Cụ thể, ngày 29/12, Ban Giao thông khởi công dự án xây dựng nút giao thông An Phú, tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng. Công trình thiết kế ba tầng, là nút giao khác mức với hầm chui hai chiều nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Quy mô phần đường 10-12 làn xe, phần hầm bốn làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh hai làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đánh giá, dự án hoàn thành sẽ tăng cường kết nối cho cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của thành phố. Đồng thời, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực, bảo đảm giao thông thông suốt tại khu vực cửa ngõ phía đông thành phố và khu vực cảng Cát Lái.
Đột phá về hạ tầng trong năm 2023
Hoàn thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), khởi công dự án đường vành đai 3, hoàn thiện hồ sơ để triển khai vành đai 2, vành đai 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cầu Thủ Thiêm 3, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ là mục tiêu mà chính quyền và các sở, ngành TP Hồ Chí Minh đặt ra trong năm 2023 để sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, thành phố sẽ khánh thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Cụ thể, đến tháng 3/2023, thành phố sẽ tổ chức chạy thử toàn tuyến trước khi đưa vào vận hành thương mại. Ngoài tuyến metro số 1, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; đường Lương Định Của; tỉnh lộ 8; nút giao Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ. Cũng trong năm 2023, thành phố sẽ khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) để chuẩn bị mặt bằng đến năm 2025 khởi công tuyến metro này.
Đối với dự án khép kín đường vành đai 2, trao đổi ý kiến với Thời Nay, Giám đốc Ban Giao thông TP Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc cho biết, hiện tại thành phố đã hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên do hai đoạn của đường vành đai 2 có vốn đầu tư lớn nên thành phố đang cân đối nguồn vốn. Với dự án đường vành đai 4, thành phố đang chuẩn bị hồ sơ. Dự kiến, tháng 5/2023, sẽ báo cáo để Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Còn một số dự án quan trọng khác như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang xem xét bố trí vốn cho giải phóng mặt bằng, còn vốn xây lắp là vốn của nhà đầu tư.
Ngoài ra, đến nay, thành phố đã sẵn sàng nhận mặt bằng được khoảng 10 dự án để tiếp tục thi công, vốn là các dự án đã chờ đợi rất lâu trước đây. Đơn cử như cầu Vàm Sát 2, cầu Long Kiểng, cầu Hang Ngoài và dự kiến trong quý I/2023 có khoảng 15 dự án như cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Ông Bồn, cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa... sẽ được bàn giao để Ban Giao thông tiếp tục triển khai.
“Năm 2023 là năm rất đặc biệt, khởi đầu hành trình 10 năm đột phá trong hạ tầng giao thông của TP Hồ Chí Minh cũng như các vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đây là năm chúng ta bắt đầu triển khai những dự án lớn mang tính liên vùng, nối kết... cũng như các dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái, chắc chắn sẽ tạo động lực lớn phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng”, ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.
Song song với việc đầu tư các dự án đường bộ, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ đầu tư cho giao thông đường thủy như nâng tĩnh không cầu Bình Triệu, cầu Bình Phước, để vận tải đường thủy thông suốt, giúp “chia lửa” cho đường bộ.
Theo chuyên gia quy hoạch hạ tầng đô thị Ngô Viết Nam Sơn, một loạt dự án hạ tầng giao thông chuẩn bị được khởi công trong năm 2023 hứa hẹn sẽ sớm gỡ nút thắt về hạ tầng, giải phóng các nguồn lực, tạo điều kiện cho kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng tốc trong thời gian tới. Bên cạnh đó, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.