Điểm sáng kinh tế năm 2022 và thách thức phía trước

Ước tính hết năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt gần 400 tỷ USD; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ “đây là những điểm sáng đáng tự hào trong hoàn cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi”. Nhưng Thủ tướng cũng nhấn mạnh, năm 2023 thách thức hơn so với năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Thủy sản lần đầu tiên xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỷ USD. Ảnh: HẢI NAM
Thủy sản lần đầu tiên xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỷ USD. Ảnh: HẢI NAM

Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm diễn ra ngày 17/12, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương thông tin, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao hơn 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái... Phân tích về kết quả này, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, có sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.

Số liệu mới cập nhật từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt cột mốc mới 700 tỷ USD được ghi nhận vào ngày 15/12. Đây là cột mốc mới ghi dấu về quy mô thương mại trên phạm vi toàn cầu.

Điểm sáng xuất nhập khẩu năm nay phải kể đến nhóm nông - lâm - thủy sản với sự bứt tốc ấn tượng,

11 tháng đầu năm đã đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và dự báo tháng 12 sẽ tiếp tục đà tăng. Trong đó, chuối và sầu riêng là hai mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhất, lên đến hơn 200% về giá trị...

Theo Bộ Công thương, hiện nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát, hầu hết các thị trường trên thế giới đã nới lỏng và trở lại bình thường. Bên cạnh đó, chi phí logistics, đặc biệt là chi phí vận tải biển giảm xuống cũng phần nào giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có lợi thế hơn trong việc bảo đảm tốc độ tăng trưởng năm tới. Năm 2022, dự kiến xuất siêu có thể đạt hơn 10 tỷ USD, đồng nghĩa với dấu ấn Việt Nam xuất siêu bảy năm liên tiếp. Đáng chú ý, 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, trong số này có tám mặt hàng xuất khẩu đạt hơn

10 tỷ USD. Thủy sản lần đầu tiên xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỷ USD. Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt 14,6 tỷ USD trong 11 tháng. Dệt may, da giày cũng lần lượt cán đích. Đây là những tín hiệu tích cực trong năm, cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.

Đánh giá về kết quả một năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, năm nay dù có nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đạt những kết quả quan trọng như kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng khả quan, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn; chính trị ổn định; an ninh - trật tự, chủ quyền quốc gia bảo đảm; hoạt động đối ngoại được tăng cường... Ước tính hết năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới. Thủ tướng nêu rõ, đây là những điểm sáng đáng tự hào trong hoàn cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi. “Chúng ta không tô hồng nhưng cũng không bôi đen”, Thủ tướng khẳng định.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, sự bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam là nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi và giá xuất khẩu tăng. Từ những tín hiệu đó, ADB cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 lên 7,5%, thậm chí có thể đạt 8%. Ông Andrew Jeffries lưu ý đến những “cơn gió ngược”. Đó là nhu cầu toàn cầu suy yếu với hàng xuất khẩu của Việt Nam, việc thắt chặt tiền tệ, những bất thường trên thị trường trái phiếu...

Điểm sáng kinh tế năm 2022 và thách thức phía trước ảnh 1

Chi phí vận tải biển giảm phần nào giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có được lợi thế. Ảnh: BẮC SƠN

Năm 2023 khó khăn nhiều hơn thuận lợi

Nhìn nhận về tình hình kinh tế năm tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, các yếu tố thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng trấn an “Chúng ta không hoang mang, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp”.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đưa ra nhiều cảnh báo cho năm 2023. Đó là dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022; lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực... Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế, ngay cả các dự báo lạc quan gần đây nhất cũng phải thận trọng hơn.

Trước thực tế đó, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể gỡ bỏ áp lực tỷ giá hối đoái thông qua tăng mức độ linh hoạt của tỷ giá trong khi kiềm chế lạm phát; tăng cường các khung chính sách giám sát và xử lý nợ để giảm thiểu rủi ro và khôi phục lòng tin vào hệ thống tài chính; thúc đẩy sử dụng hiệu quả các tài sản chính của Việt Nam như vốn sản xuất, vốn con người và vốn tự nhiên.

Những khó khăn nêu trên khiến ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023, từ mức 6,7% xuống 6,3%. ADB khuyến nghị: Các phản ứng chính sách của Việt Nam cần hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm sự vận hành của hệ thống tài chính.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp phát hành, theo đúng quy định pháp luật.

Về thị trường bất động sản, phải cơ cấu lại các phân khúc, giá, sản phẩm, hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp... “Nhà nước có chính sách nhưng các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, không thể neo giá cao mãi, chỉ làm phân khúc cho người giàu thì người nghèo, thu nhập thấp không thể tiếp cận được”, Thủ tướng nhấn mạnh.