“Điểm nóng” mới về khủng bố

LHQ mới đây đưa ra cảnh báo về tình trạng gia tăng khủng bố tại châu Phi, trong khi số người thiệt mạng vì các cuộc tiến công khủng bố trên toàn cầu đang có chiều hướng giảm. Điều này làm dấy lên lo ngại khu vực này trở thành “điểm nóng” mới về khủng bố.

Binh sĩ Somalia tại hiện trường một vụ tiến công khủng bố. Ảnh: GETTY IMAGES
Binh sĩ Somalia tại hiện trường một vụ tiến công khủng bố. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo các số liệu của LHQ, trong năm 2021, khu vực châu Phi cận Sahara ghi nhận tới 48% số người thiệt mạng do các nhóm khủng bố trên thế giới gây ra. Lợi dụng những cuộc xung đột sắc tộc và các yếu tố phức tạp khác tại châu Phi, các nhóm khủng bố như al-Qaeda, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và các chi nhánh liên tục được mở rộng và thâm nhập những khu vực khác nhau để làm leo thang bạo lực, thúc đẩy bất ổn. 

Không chỉ LHQ, ngày 5/6, Liên minh châu Phi (AU) đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình hình an ninh và nhân đạo ở khu vực Sahel đang diễn tiến ngày càng tồi tệ. AU cũng lo ngại mối đe dọa khủng bố từ khu vực kể trên lan sang các nước khu vực Vịnh Guinea. Trong tuyên bố, AU lên án gay gắt các cuộc tiến công của các phần tử khủng bố, nhóm vũ trang nhằm vào dân thường, những tổ chức an ninh của các quốc gia trong khu vực cũng như Phái bộ LHQ tại Mali (MINUSMA) và các lực lượng quốc tế khác… Ngoài ra, liên minh nói trên cũng cảnh báo về những thách thức kinh tế - xã hội hiện nay như sự bất bình của công chúng, tình trạng kém phát triển, tác động của biến đổi khí hậu, thâm hụt ngân sách và khủng hoảng nhân đạo do đại dịch Covid-19 gây ra… Bởi, những điều này cũng góp phần làm gia tăng khủng bố và tội phạm.

Đây không phải lần đầu khu vực châu Phi đối mặt những cảnh báo về khủng bố. Trước đó, báo cáo công bố tháng 12/2020 về Chỉ số khủng bố toàn cầu do Viện Kinh tế và Hòa bình cũng nêu rõ: “Sự mở rộng của các “chân rết” IS sang khu vực châu Phi cận Sahara đã dẫn đến sự gia tăng khủng bố ở nhiều nước trong khu vực; 7/10 quốc gia có sự gia tăng khủng bố lớn nhất nằm ở khu vực châu Phi cận Sahara gồm: Burkina Faso, Mozambique, Congo, Mali, Niger, Cameroon và Ethiopia”. Năm 2019, khu vực châu Phi cận Sahara cũng ghi nhận số người chết liên quan IS lớn nhất thế giới là 982 người, chiếm 41% tổng số vụ giết người của nhóm này.

Trên thực tế, các nhóm khủng bố đã hiện diện ở châu Phi từ lâu. Osama bin Laden,  thủ lĩnh trước đây của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, từng lập căn cứ ở Sudan trước khi quay về Afghanistan vào năm 1996. Trong khi đó, sau khi tuyên bố thực hiện các hoạt động thánh chiến vào năm 2010, nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở Nigeria cũng đã tiến hành nhiều vụ tiến công lớn, sau đó gây chú ý bằng vụ bắt cóc 276 nữ sinh tại thị trấn Chibok hồi năm 2014.

Dù vậy, sự cạnh tranh không ngừng giữa các nhóm thánh chiến khiến mối đe dọa khủng bố tại “lục địa đen” ngày một tăng. Cựu điều phối viên Văn phòng đặc trách chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ Nathan Sales cho biết, cả IS và al-Qaeda đều chuyển phần lớn địa bàn ra khỏi vùng trung tâm ở Syria và Iraq ở Trung Đông sang các chi nhánh của chúng ở Tây Phi và Ðông Phi. “Châu Phi là mặt trận then chốt trong giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến chống khủng bố”, ông Sales khẳng định.

Ðáng quan ngại, tình hình hiện tại không chỉ là sự đối đầu giữa các chính phủ với phiến quân, mà còn có sự “so kè” giữa những người ủng hộ al-Qaeda và  IS. Sự cạnh tranh này dữ dội đến mức chuyên gia người Pháp về thánh chiến Olivier Guitta thậm chí dự đoán rằng: “Châu Phi sẽ là chiến địa của các phần tử thánh chiến trong 20 năm tới và sẽ thay thế Trung Ðông”. 

Trước tình hình đó, LHQ kêu gọi, để chống lại chủ nghĩa khủng bố hiệu quả, các quốc gia tại châu Phi cần hết sức cảnh giác, không được phép lơ là trước những nguy cơ đe dọa an ninh. Bên cạnh đó, các nhà chức trách trong khu vực cần chú trọng giải quyết các vấn đề như thể chế yếu kém, bất bình đẳng, nghèo đói và bất công.