Đề xuất ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh

Năm 2015, Bộ Tài chính từng đề xuất ngưỡng nợ thuế áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh từ 1 tỷ đồng trở lên và cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, đến nay quy định này chưa được áp dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp nộp kê khai quyết toán thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các doanh nghiệp nộp kê khai quyết toán thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: NGUYỆT ANH

Mới đây, Chi cục Thuế khu vực Tiên Du - Quế Võ, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), về việc tạm hoãn xuất cảnh 10 đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế đang hoạt động trên địa bàn huyện Tiên Du. Trước đó, trong tháng 5, Cục Thuế Thanh Hóa và các chi cục trực thuộc đã liên tiếp ra thông báo về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với hàng loạt giám đốc doanh nghiệp do chây ì nợ thuế.

Số người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn

Theo Bộ Tài chính, hiện số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn. Để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn cảnh báo người nộp thuế đang nợ thuế để bảo đảm việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước. Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi gửi thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

Nhìn nhận vấn đề này, PGS, TS Định Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, Luật Quản lý thuế đã quy định hành lang pháp lý đối với việc nợ thuế. Theo đó, trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.

Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020 cũng quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh. Theo đó, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Vì vậy, ông Thịnh cho rằng, dù không quy định cụ thể số tiền nợ thuế bị cấm xuất cảnh, song để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, dù có nợ thuế số tiền lớn hay nhỏ, đều có thể bị tạm hoãn xuất cảnh. Việc quản lý thuế ngày càng hiện đại, việc tra cứu thông tin, dữ liệu nộp thuế rất đơn giản. Do đó, nhiều người đưa ra lý do "nợ số thuế rất ít" do không nắm được thông tin là chưa hợp lý.

Cần có phân loại tiêu chí đối với người nợ thuế

Là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh tại Thanh Hóa - trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, ông Tào Quốc Tuấn (sinh năm 1958), trú tại phường 2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đang bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 27/5. Nguyên nhân là do kinh doanh gặp nhiều khó khăn dẫn đến thua lỗ, trong khi liên tục phải trả lãi vốn vay ngân hàng khiến doanh nghiệp không có nguồn tiền để thanh toán thuế kịp thời.

Theo ông Tuấn, trong khi chủ trương của Đảng và Chính phủ là đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, thì khi doanh doanh nghiệp gặp khó khăn chậm nộp thuế nên có giải pháp hài hòa để hỗ trợ. Cơ quan chức năng có thể đưa ra một khoảng thời gian để doanh nghiệp khắc phục hoặc quy định tiền phạt nộp chậm thay vì thông báo tạm xuất cảnh rộng rãi, vì có thể ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

“Cục Thuế Thanh Hóa thông báo như vậy làm ảnh hưởng lớn đến chúng tôi. Không những ảnh hưởng đến uy tín của người đứng đầu doanh nghiệp mà còn gây thiệt hại đến hình ảnh và thương hiệu doanh nghiệp. Có những hợp đồng, dự án đang thực hiện, đối tác đọc được thông tin thì đã quyết định chấm dứt hợp đồng”.

Còn TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, cơ quan thuế đưa ra lệnh hoãn xuất cảnh đối với đại diện doanh nghiệp có nợ thuế trong thời gian ngắn. Điều này vô hình trung nhìn nhận doanh nghiệp thực thi không đúng pháp luật, gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Sau những năm dịch Covid-19 và những biến động thị trường, việc doanh nghiệp duy trì được đến nay là một nỗ lực. Do đó, việc đưa ra biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp còn nợ thuế gây ra tâm lý nặng nề, làm giảm động lực kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, ngành thuế nên có phân loại tiêu chí đối với người nợ thuế là bao nhiêu tiền và trong bao nhiều lần thông báo nộp thuế thì mới áp dụng biện pháp này.

“Trong nhiều trường hợp doanh nghiệp chậm nộp thuế là do vô tình không nắm được thông tin. Cơ quan thuế có thể giúp cho doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn nếu như áp dụng các biện pháp khác như thông báo, nhắc nhở để doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn”, bà Thảo nhấn mạnh.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law, cơ quan thuế cũng cần rà soát, những doanh nghiệp nào trong diện nợ thuế thì quyết liệt nhắc nhở và có nhiều thông báo. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, cơ quan thuế có thể áp dụng biện pháp khác như không cho xuất hóa đơn và phong tỏa tài khoản ngân hàng, cưỡng chế thuế với lãi phát sinh chậm nộp thuế cao. Đây là những biện pháp đủ để yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ.

Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp chậm nộp thuế trong hoàn cảnh không mong muốn thì cơ quan thuế nên đề xuất mức áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh như một cá nhân nợ thuế hơn 100 triệu đồng hay doanh nghiệp nợ hơn 1 tỷ đồng. Với những khoản nợ thuế giá trị thấp, có thể xem xét yếu tố cố tình hay vô tình của doanh nghiệp để ra quyết định chế tài phù hợp.