Khai thác thế mạnh y tế trong nước
5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua kém các nước khác, điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán…“Sự phát triển về kỹ thuật y tế này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị. Một số bệnh viện lớn của nước ta thời gian qua đã thu hút nhiều người nước ngoài đến thăm khám, điều trị”, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết.
Cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, một trong những thế mạnh của y tế trong nước là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng lại không thua kém…
Trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư 20 bệnh viện chuyên khoa, một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng (gồm 20 bệnh viện đa khoa, bổ sung bảy bệnh viện đa khoa mới) ở những địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến trung ương (trung du, miền núi phía bắc) và vùng có mật độ dân số cao (đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ).
Cũng tại quy hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ, định hướng phát triển khu vực y tế ngoài công lập tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, khám, chữa bệnh theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân; mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân đạt 10% tổng số giường bệnh cả nước vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 35 giường bệnh, 15 bác sĩ, 3,4 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng trên 10.000 dân; đến năm 2030 là 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng; năm 2050 là 45 giường bệnh, 35 bác sĩ, 4,5 dược sĩ đại học, 90 điều dưỡng.
Báo cáo của đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết, khả năng tiếp cận bệnh viện tuyến trung ương ở một số vùng rất thấp. Điển hình là vùng Tây Nguyên không có bệnh viện T.Ư, đồng bằng sông Cửu Long có 14 tỉnh, thành phố nhưng chỉ có một bệnh viện T.Ư; 80% số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại tuyến T.Ư không tin tưởng chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến dưới. Hiện chỉ có 32,8% số trung tâm y tế, bệnh viện huyện và 27,6% số trạm y tế xã thực hiện được hơn 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn.
Hướng dẫn người đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). |
Huy động nguồn nhân lực y tế chất lượng cao
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về lĩnh vực y tế tại hội thảo khoa học diễn ra sáng 1/8, GS, TS, bác sĩ Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y Hà Nội kiến nghị: Cần có cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc T.Ư đóng trên địa bàn để phục vụ công tác khám, chữa bệnh của Thủ đô.
Trên thực tế, chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn chưa xứng tầm với vị thế là cơ sở y tế tuyến cuối của Thủ đô Hà Nội. Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở còn thiếu và xuống cấp. Nguồn nhân lực y tế còn thiếu về số lượng khi tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân của thành phố chưa cao. Bên cạnh đó, sự mất cân đối nghiêm trọng về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học dự phòng; giữa các chuyên khoa trong từng lĩnh vực với nhau là vấn đề tồn tại nhiều năm nay mà vẫn chưa có những giải pháp chính sách để giải quyết hiệu quả.
Theo ông Tạ Thành Văn, chất lượng cán bộ y tế của Hà Nội còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Một minh chứng cho thấy, trước năm 2013, khi Hà Nội ký kết dự án đào tạo đội ngũ bác sĩ nội trú với Trường đại học Y Hà Nội thì số bác sĩ nội trú tốt nghiệp làm việc cho các bệnh viện trực thuộc Hà Nội trong vòng 40 năm chỉ là 60 người (giai đoạn 1974-2012). Khắc phục điều này, giai đoạn 2013-2020, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã ký kết hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú cho Hà Nội với Trường đại học Y Hà Nội và chỉ trong tám năm, đơn vị đã cung cấp cho Hà Nội 182 bác sĩ nội trú thuộc các chuyên ngành khác nhau. Nếu tính đến sự cân đối về chất lượng nguồn nhân lực y tế giữa các chuyên khoa thì bức tranh còn “ảm đạm” hơn nhiều.
“Hãy tạm so sánh danh mục chuyên môn mà các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội làm được với các bệnh viện tuyến T.Ư đóng ngay trên địa bàn thì sẽ thấy rõ. Sự thiếu vắng các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế chất lượng cao ở ngay các bệnh viện của Hà Nội như giải phẫu bệnh, lao, truyền nhiễm, xét nghiệm... Nếu tính đến các bệnh viện ở các quận, huyện ngoại thành thì tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều”, đại biểu nêu thực trạng.
Từ thực tế trên, đại biểu đã góp ý một số nội dung tập trung vào lĩnh vực y tế được quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cụ thể, trong điều 27 của dự thảo Luật về “Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân”, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi này tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và có trọng tâm, trọng điểm. Thí dụ cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bởi lẽ Thủ đô Hà Nội mặc nhiên được “tận hưởng” nguồn nhân lực chất lượng cao nhất của đất nước, thuộc các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội, trong các lĩnh vực như quy hoạch quản lý đô thị, giao thông đô thị và quản lý xử lý môi trường, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ...
Hà Nội cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Các chính sách này không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí.
Ngoài ra, Luật sửa đổi cần bổ sung cơ chế, chính sách cho việc chuyển vượt tuyến thuận lợi khi tuyến dưới không thực hiện được các nhiệm vụ chuyên môn. Cơ chế tính toán chi phí và phân bổ tài chính cũng không nên tập trung vào các cơ sở y tế tuyến trên. Việc đầu tư cho tuyến y tế cơ sở kết hợp với phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình không chỉ góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên mà còn bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn.