Nguồn hiến tạng từ người chết não còn quá thấp
Trong khuôn khổ “Tuần lễ hiến ghép mô tạng Việt Nam 2024”, ngày 12/10, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, phối hợp Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam, Hội Ghép tạng Việt Nam và Học viện Quân y tổ chức Hội thảo khoa học về hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam lần thứ hai.
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật ghép tạng trên người như: ghép thận, ghép gan, ghép phổi, ghép tim, ghép tụy. Hiện cả nước đã có 29 bệnh viện thực hiện ghép tạng, trong đó có 27 bệnh viện ghép thận, 8 bệnh viện ghép gan, 5 bệnh viện ghép tim, 4 bệnh viện ghép phổi và 2 bệnh viện ghép được tụy. Các bệnh viện đã tiến hành ghép tạng cho hàng trăm bệnh nhân thời gian qua. Riêng năm nay, đã có hơn 13 nghìn người dân đăng ký hiến mô tạng, 25 trường hợp chết não hiến mô tạng, góp phần làm tăng số tạng hiến từ người chết não đạt hơn 10% số bệnh nhân được ghép, nhiều nhất trong các năm qua.
Nhưng bên cạnh con số ấn tượng này, tại hội nghị, các chuyên gia nêu nhiều khó khăn từ quan niệm truyền thống đến việc vận động hiến tạng, khiến nguồn tạng hiến còn khan hiếm. Bên cạnh đó, hiện còn thiếu chế độ hỗ trợ hợp lý đối với người hiến sống, người hiến sau khi chết não cũng như người nhà.
PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết: Tính đến tháng 7/2024, số người đăng ký hiến mô, tạng tại Việt Nam vào khoảng 101 nghìn người. Trong khi đó, nguồn hiến mô, tạng tại Việt Nam trong giai đoạn 1992- 2023, từ chết não chỉ đạt 6%. Ngược lại, tại các quốc gia phát triển trên thế giới, phần lớn tạng đến từ nguồn người cho chết (từ 90% đến 95%), nguồn người cho sống chỉ chiếm từ 5% đến 10%. “Thực tế, người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới, đứng thứ 3 từ dưới lên”, PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ.
Khó khăn nhiều bề
Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp lý cho việc hiến ghép tạng, hiến xác, nhưng theo PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, thực tế cho thấy còn gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này. Khó khăn về quan niệm, nhận thức của người dân về hiến tạng sau chết não: Quan niệm chết phải toàn thây, e ngại đụng vào thân thể người thân sau chết, sợ gia đình, chưa thấy hiến tạng là văn hóa, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng. Tiếp đến là khó khăn về cách thức đăng ký hiến tạng: Cần hướng dẫn đơn giản, dễ tiếp cận cho người thân; các quy định về pháp luật hiện hành cần được điều chỉnh để làm tăng cơ hội hiến tạng sau chết; chế độ cho người hiến tạng và gia đình; có chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép. Bên cạnh đó, truyền thông không nên chỉ tập trung vào việc đưa tin về các ca ghép tạng thành công, mà cần hướng tới tuyên truyền, vận động các tầng lớp người dân về tính nhân văn, nghĩa cử cao đẹp này.
Theo PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, để hoạt động hiến mô tạng tại Việt Nam phát triển mang tính bền vững, cần có sự chung tay của toàn xã hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chức sắc tôn giáo từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cơ quan truyền thông.
Cùng với đó, các bệnh viện sớm thành lập các đơn vị, phòng, tổ tư vấn hiến tạng sau chết não và điều phối hiến tạng; thành lập các chi hội vận động hiến mô tạng tại các bệnh viện; tôn vinh, tri ân kịp thời người hiến tạng chết não và gia đình của người hiến tạng. Mặt khác, các địa phương cần xây dựng mạng lưới hội vận động hiến mô, tạng; tổ chức tập huấn kiến thức, thực hành và truyền thông vận động hiến mô, tạng tại cộng đồng.
PGS, TS, bác sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bộ Y tế có đề xuất: “Để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về hiến tạng, thứ nhất, luật phải cho phép việc đăng ký hiến tạng dễ hơn. Thứ hai, hệ thống y tế phải coi đây là hoạt động thường quy. Thứ ba, cần nhận được sự ủng hộ của người dân trên toàn quốc. Thực tế, khi tỷ lệ hiến tạng của người chết não tăng, thì chắc chắn người dân đã tin tưởng vào hệ thống y tế và từ đó người dân sẽ ủng hộ chuyện hiến tạng”.
Trong khuyến nghị để hoàn thành hệ thống chính sách về hiến tạng, các chuyên gia có đề xuất bổ sung chế độ cho người thân của người hiến tạng chết não, như bố, mẹ hoặc con được tặng thẻ BHYT miễn phí, được ưu tiên khám, chữa bệnh, được ưu tiên nhận tạng ghép nếu suy tạng.