Thiếu hiệu quả
Đầu năm 2017, tuyến bus nhanh BRT đầu tiên của cả nước từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa vận hành với kỳ vọng thay thế phương tiện cá nhân, giảm một phần ùn tắc giao thông cho Thủ đô. Đây được xem là loại hình vận tải công cộng mới, có khối lượng vận chuyển lớn, vận hành nhanh. Tuyến bus nhanh BRT còn có nhiều ưu điểm như nhà chờ được thiết kế với không gian riêng, an toàn cho hành khách; phương tiện mới; sàn xe và sàn nhà chờ hiện đại giúp hành khách lên xuống xe an toàn, thuận tiện…
Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội, sau hơn bốn năm vận hành, số lượng hành khách đạt trên 5 triệu lượt/năm, tăng đều đặn từ năm 2017-2019. Thời gian di chuyển trung bình gần 20 km/giờ, 45 phút/lượt, giảm gần 20% so xe bus thường, tỷ lệ đúng giờ đạt tới 92%… Tuy đạt những con số ấn tượng, song việc bố trí thí điểm BRT chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, thiếu kết nối, chỉ một tuyến duy nhất khiến BRT không thể phát huy được hiệu quả. Mọi kỳ vọng đã trở thành thất vọng khi tuyến BRT không giải quyết được những vấn đề cơ bản như di chuyển, vận tải hành khách, giảm tải áp lực cho giao thông nội đô…
Một điều đáng lo ngại trong những năm qua là sự xuất hiện của hàng loạt nhà cao tầng trong nội đô. Với mật độ dân cư dày đặc bậc nhất cả nước, tuyến đường Lê Văn Lương trở thành nơi thường xuyên hứng chịu cảnh ùn tắc kéo dài khiến cư dân ở đây chỉ biết thở dài chịu đựng. Đường hẹp nhưng lại phải dành 1/3 làn cho BRT, các phương tiện khác chỉ biết dồn nén vào nhau, tranh thủ từng cm đường để lấp vào chỗ trống. Vào giờ cao điểm, xe máy lao lên vỉa hè, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều không phải là hiếm. Trong khi trái ngược với cảnh ấy, những chiếc xe BRT lại thong dong một mình một đường, dù trên xe chỉ lác đác vài khách.
Anh Nguyễn Văn Dũng, nhà ở Khu đô thị Dương Nội cho biết, tôi làm việc ở đường Nguyễn Thái Học, mỗi ngày đi từ nhà đến cơ quan như một cực hình, nhiều khi tắc đường kéo dài cả mấy km nên bị trễ giờ làm. Người, xe chen lấn nhau trên con đường chật chội, rồi khói bụi, tiếng còi xe khiến tôi rất mệt mỏi. Nếu tuyến bus nhanh BRT hoạt động không hiệu quả, tại sao thành phố không thay thế bằng một phương án khác để có thể giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người dân, anh Dũng đặt câu hỏi.
Đã đến lúc thay đổi
Việc tuyến bus nhanh BRT không đạt hiệu quả như ban đầu đề ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ việc lập quy hoạch đến vận hành, quản lý, điều tiết cũng như sự đón nhận của người dân. Có một thực tế rằng, trên trục đường BRT chạy qua, chủ yếu là nhà cao tầng, dù mật độ dân cư lớn nhưng nhu cầu sử dụng xe bus lại thấp do không đáp ứng nhu cầu di chuyển của người sống dọc tuyến đường này. Trong khi đó, tuyến BRT ở Hà Nội lại không đi qua nhiều trường đại học, bệnh viện lớn, dù khách đi xe bus chủ yếu là học sinh, sinh viên và người già. Chưa kể, những bất cập liên quan điểm trung chuyển, bến nhà chờ, thiếu điểm gửi xe cá nhân cho hành khách tại các khu vực lân cận nhà chờ… cũng khiến nhiều người thờ ơ với bus nhanh.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô tới năm 2030 tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có 8 tuyến BRT. Đặc biệt, giai đoạn từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ nghiên cứu tổ chức 14 làn đường ưu tiên cho xe bus… Trong hoàn cảnh hiện tại, nếu các tuyến đường này được thực hiện đồng bộ, đồng loạt sẽ tăng cường tính kết nối các khu vực, khuyến khích người dân hạn chế sử dụng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đô thị, trước khi thực hiện các tuyến đường ưu tiên tiếp theo, thành phố cần có biện pháp, chính sách mới để BRT hoạt động hiệu quả. Cụ thể, đầu tư hạ tầng theo hướng hiện đại hóa, có thêm làn đường, cầu vượt, khai thông ngã tư, quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường. Phát triển giao thông công cộng hoạt động chuyên nghiệp, hệ thống hiện đại để kết nối, đồng bộ, có khả năng cạnh tranh được các phương tiện cá nhân để tạo lập trật tự giao thông mới. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực điều hành quản lý, giảm xây dựng nhà cao tầng trong thành phố, đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân để sử dụng giao thông công cộng… thì mới tạo ra được hiệu quả.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông công cộng ở Hà Nội là việc làm cần thiết, do áp lực nội đô đang ngày càng quá tải. Nhiều nước trên thế giới sử dụng BRT như một phương pháp cải thiện giao thông đô thị, nhưng phải đáp ứng điều kiện cần thiết như mặt đường rộng, có thể giúp giảm tải ùn tắc cũng như đáp ứng nhu cầu hành khách lớn, kết nối với các tuyến đường khác một cách quy củ, khoa học…
Ông Thủy đề xuất, trong những năm qua, tuyến bus nhanh đã hoạt động không hiệu quả, Hà Nội cần tính đến phương án khác như bỏ làn BRT đi và chuyển sang mô hình xe bus thường, hoặc tìm một biện pháp khác để tăng hiệu quả mô hình này, tránh lãng phí tiền của đầu tư trước đây.