Để quy hoạch Thủ đô sát thực tiễn

Hà Nội đang tập trung thực hiện “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Các chuyên gia cho rằng, để bản quy hoạch phù hợp, sát thực tiễn cần nhìn rõ những điểm bất cập tồn tại trong quy hoạch trước đây cũng như dự báo được sự phát triển trong các năm tới trên tinh thần lấy người dân làm trung tâm, chất lượng sống là cơ bản.
0:00 / 0:00
0:00
Một khu đô thị mới tại Hà Nội. Ảnh: SONG ANH
Một khu đô thị mới tại Hà Nội. Ảnh: SONG ANH

1/ Thủ đô Hà Nội với vai trò là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, là đô thị đặc biệt, hạt nhân của vùng đồng bằng sông Hồng, do đó, việc lập “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Thực tế cho thấy, về cơ bản các đồ án quy hoạch hiện đã đáp ứng được yêu cầu đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư, nâng cấp, đang dần hoàn thiện.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, cần thừa nhận còn một số định hướng lớn của quy hoạch vẫn chưa được thực hiện. Việc tổ chức không gian, quy mô đô thị chưa hợp lý, quản lý, thực hiện quy hoạch một số nơi chưa bảo đảm, còn “tùy tiện” điều chỉnh. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế, việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đô thị mà còn khiến nền kinh tế chưa phát huy được lợi thế. Điển hình là tình trạng nhiều dự án “treo”, nhiều khu đất được đưa vào quy hoạch hàng chục năm, được giải phóng mặt bằng nhưng không triển khai dự án. Hoặc cùng một dự án, nhưng phần đất xây nhà ở thương mại đã thi công, bán xong từ nhiều năm nhưng phần đất xây công trình công cộng, xây trường học thì lại bị để không hay sử dụng trái mục đích. Bên cạnh đó, nhiều khu đô thị tại Hà Nội dù mới được xây dựng nhưng cứ mưa là ngập, nhiều khu đô thị, khu dân cư thiếu sân chơi vườn hoa, sân tập, trạm y tế, trường học, cây xanh do các chủ đầu tư chậm thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của người dân.

2/ Trong bối cảnh nói trên, đa số người dân Thủ đô và các chuyên gia đánh giá cao việc Hà Nội tập trung thực hiện lập bản quy hoạch mới. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, để quy hoạch Thủ đô phù hợp, sát thực tiễn, ngoài việc khắc phục những điểm tổn tại nêu trên, cần có sự dự đoán chính xác về sự phát triển của Hà Nội trong giai đoạn 2021-2030, xa hơn là đến năm 2050.

TS Nguyễn Bá Ân, nguyên Phó Viện trưởng Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng cần xác định Hà Nội đến năm 2045, Thủ đô của một đất nước phát triển với 100 triệu dân phải như thế nào? Từ tầm nhìn xa như vậy, để làm “bài toán” ngược lại, muốn đạt được yêu cầu, các công việc của Hà Nội cần làm gì? Mục tiêu của từng giai đoạn là như thế nào?

“Yêu cầu đầu tiên của việc lập quy hoạch là phải đổi mới căn bản tư duy phát triển nhằm xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, bền vững, hiện đại, an toàn, đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tất cả những yếu tố này đều phải được lượng hóa cụ thể, khi đó chúng ta mới xây dựng được kịch bản phát triển, mô hình phát triển”, TS Ân nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cũng lưu ý, việc lập quy hoạch phải xuất phát từ việc phân tích, đánh giá đúng thực trạng điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của thành phố. Mặt khác, phát triển đô thị đòi hỏi sự đồng bộ ở các lĩnh vực, các ngành và rất cần quy hoạch đi trước một bước cùng với hoàn thiện thể chế phát triển, quản lý đô thị. Đặc biệt, để đón trước sự phát triển hiện đại của Hà Nội với vai trò một đô thị đặc biệt, hạt nhân của vùng đồng bằng sông Hồng, cần chú ý bảo đảm tỷ lệ đất dành cho giao thông trong quỹ đất đô thị.

Có thể thấy, việc tập trung nghiên cứu lập “Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là điều kiện để Hà Nội nghiên cứu, xây dựng quy hoạch bảo đảm phù hợp, sát thực tiễn. Để việc lập bản quy hoạch được “chuẩn”, theo các chuyên gia, thành phố cần bám sát quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng phát triển cho Thủ đô Hà Nội đã được đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị để đưa Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm.

Với dân số hơn 7 triệu người và phương tiện đã đạt 6,5 triệu ô-tô, xe máy, theo yêu cầu, đất dành cho giao thông Hà Nội phải đạt từ 20-26% quỹ đất đô thị, riêng đất dành cho giao thông tĩnh (đỗ xe) phải đạt từ 3-4%. Song thực tế, hiện nay sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải của Hà Nội, quỹ đất dành cho đô thị mới đạt 10% (khoảng 50% yêu cầu), đất dành cho giao thông tĩnh là 1% (30% nhu cầu).