Nhiều tai nạn thương tâm
Nhắc lại chuyện đau lòng hai năm về trước, điện giật đã cướp đi hai đứa cháu của mình, giọng ông Đặng Văn Hoàng, 56 tuổi ở ấp Phú Thuận, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) như vẫn chưa hết bàng hoàng. Kiềm chế cảm xúc, ông kể: Hai đứa cháu tôi lội xuống ao sửa quạt trong ao nuôi tôm. Nhưng chúng bất cẩn không để ý đến dây điện chung quanh nên đã gặp tai nạn. Sau đợt đó, tôi đã đầu tư kéo hệ thống điện quanh ao nuôi tôm để bảo đảm an toàn.
Tương tự, ông Nguyễn Văn D. (45 tuổi, ngụ ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cũng bị điện giật chết do bất cẩn khi sử dụng điện. Theo đó, vào buổi tối, ông dùng dây thép bao quanh ruộng lúa để bẫy chuột. Sáng hôm sau, chưa rút phích điện nên khi ra làm việc, vô tình dẫm trúng dây thép đang mang điện, ông D. bị điện giật chết.
Những sự việc đau lòng như thế không hiếm gặp tại nhiều tỉnh, thành phố phía nam, nhất là ở các khu vực nông thôn, nơi nhiều hộ dân vẫn còn thói quen sử dụng điện chia hơi, câu phụ để dùng vào các mục đích khác nhau. Theo ông Nguyễn Bình Trung, Phó trưởng Ban An toàn Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), nhiều hộ dân còn rất bất cẩn, chủ quan trong sử dụng điện dù biết điện rất nguy hiểm khi gặp các sự cố liên quan. Nhiều hộ nuôi tôm muốn giảm chi phí nên khi kéo điện vào ao chỉ kéo một dây (dây nóng) để đấu nối vào mô-tơ điện chạy quạt oxy, dây còn lại (dây nguội) được dẫn xuống đất. Trong quá trình kéo lưới bắt tôm hay lội xuống ao, vô tình chạm vào dây dẫn điện ghim dưới ao thì nguy cơ gặp tai nạn chết người là rất cao.
Tương tự, nhiều hộ trồng thanh long lại có một “thói quen” trong sử dụng điện rất dễ dẫn đến tai nạn. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc điện lực Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết: Tỉnh có khoảng 8.000 ha trồng cây thanh long. Nhiều nông dân thường kéo điện chong đèn ban đêm kích thích cây ra hoa vụ nghịch. Tuy nhiên, khi đấu điện để chong đèn, một số hộ lại có đấu nối bóng đèn với dây điện bằng ghim sắt. Chỉ cần một bất cẩn nhỏ sẽ dẫn đến những hậu quả lớn.
Theo thống kê của Ban An toàn EVNSPC, trong năm 2019 và sáu tháng đầu năm 2020 tại 21 tỉnh, thành phố phía nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau) đã xảy ra 53 vụ tai nạn về điện (40 vụ năm 2019; 13 vụ trong sáu tháng đầu năm 2020) làm 14 người chết, 54 người bị thương. Đây chỉ là những vụ tai nạn thống kê trước điện kế (do Điện lực các địa phương quản lý), nếu tính cả các thống kê sau điện kế (người dân sử dụng điện) thì con số thương vong do tai nạn từ điện còn lớn hơn. Đơn cử như tại tỉnh Cà Mau, trong sáu tháng đầu năm, trên địa bàn này đã xảy ra 14 vụ, làm chết 14 người, bị thương một người. Con số này đều tăng lần lượt hai vụ, ba người chết so cùng kỳ năm 2019.
Một số địa phương xảy ra nhiều vụ như: Bình Dương (11 vụ), An Giang (tám vụ), Cà Mau (bảy vụ), Bạc Liêu (năm vụ)… Các vụ tai nạn về điện liên quan đến sự bất cẩn trong nhiều công việc như xây nhà, công trình, lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo, vận hành xe cơ giới, xe cẩu, xe cuốc, trồng cây xanh,...
Tăng cường các biện pháp tuyên truyền
Ngành điện các tỉnh phía nam đã phối hợp địa phương xử lý, ngăn chặn được nhiều trường hợp có nguy cơ vi phạm sử dụng điện gây ra sự cố lưới điện và tai nạn điện. Riêng trong năm 2019, các công ty điện lực đã phối hợp địa phương xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, phát hiện 886 trường hợp vi phạm; vận động, cảnh báo ngăn chặn được 545 trường hợp; lập biên bản vi phạm, phối hợp xử lý tại chỗ 211 trường hợp; chuyển cơ quan địa phương xử lý 143 trường hợp; số vụ đang tiếp tục xử lý 28 trường hợp; tổng số tiền phạt vi phạm 301 triệu đồng.
Tuy vậy, nhiều vụ tai nạn về điện vẫn xuất phát từ sự thiếu quyết liệt trong quản lý của địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi thừa nhận, các địa phương trên địa bàn tỉnh kiểm tra, xử lý tình hình sử dụng điện chưa quyết liệt; công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật tại nhiều nơi chưa chặt chẽ và đồng bộ. Ngoài ra, tình trạng người dân tự ý lấn chiếm hành lang lưới điện vẫn phổ biến; người dân vẫn chủ quan, lơ là trong sử dụng, sửa chữa điện.
Thời gian qua, các địa phương và ngành điện cũng triển khai các giải pháp chủ động phòng ngừa. Theo Ban An toàn EVNSPC các đơn vị tổ chức tuyên truyền thông qua nhiều hình thức khác nhau đến từng đối tượng khách hàng. Ngoài các đợt tuyên truyền định kỳ, nhiều địa phương còn minh họa bằng video, phát tờ rơi đến tận nhà hộ dân. Tại tỉnh Cà Mau, nhận thấy các tai nạn về điện chủ yếu xảy ra ở khu vực nông thôn, điện lực tỉnh đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng kéo 6,38 km đường dây trung thế, 17,43 km đường dây hạ thế, lắp mới 17 trạm biến áp công suất 985 kVA, xóa 2.423 hộ câu đuôi. Trong năm nay, đơn vị cũng đầu tư số tiền tương ứng để xóa hơn 3.700 điểm câu phụ còn tồn tại.
Còn tại tỉnh Bình Dương, địa phương có số vụ tai nạn nhiều nhất trong các tỉnh, thành phố phía nam, Sở Công thương tỉnh Bình Dương đã đề nghị Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý vận hành lưới điện phối hợp tuyên truyền các văn bản pháp luật quy định về an toàn điện; thường xuyên kiểm tra lưới điện, kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm mới và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, sự nguy hiểm, hậu quả trong các sự cố, tai nạn về điện gần như người dân nào cũng hiểu. Tuy vậy, để thực hiện thường xuyên các giải pháp phòng tránh, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng địa phương, của ngành điện. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, cần kiên quyết xử lý bằng các chế tài nặng của pháp luật mới mong đủ sức răn đe các hành vi vi phạm an toàn trong quá trình sử dụng điện. Trong khi đó, ngành điện trên thực tế là đơn vị quản lý lưới điện nhưng lại chỉ có chức năng báo cáo, kiểm tra và phối hợp xử lý với địa phương. Rất cần hành động quyết liệt của địa phương, là cấp quản lý hành chính có chức năng xử lý bằng các chế tài của pháp luật.
Theo Phó Tổng giám đốc EVNSPC Lâm Xuân Tuấn, dù rất nỗ lực có nhiều biện pháp song các tai nạn về điện gây thiệt hại về người và của do bất cẩn hoặc sử dụng điện sai cách vẫn xảy ra. Để giảm thiểu tối đa các tai nạn về điện, nhất là trong mùa mưa bão, thời gian tới, EVNSPC sẽ phối hợp các cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong xử lý các vi phạm về an toàn điện, đồng thời tăng cường các biện pháp tuyên truyền sinh động để tiếp cận người dân một cách tốt hơn.