Chủ yếu do virus gây bệnh
Chỉ trong một tháng trở lại đây, Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ). Trong đó 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng như có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc). Tương tự, tại Khoa Mắt (Bệnh viện Quân y 103) số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám cũng tăng cao trong thời gian gần đây.
Ths, BS Lưu Quỳnh Anh, Phó trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, bệnh viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt). Bệnh thường khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh; triệu chứng bao gồm: xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ. Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…
Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng, phủ lên trên kết mạc, gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ.
Theo BS Quỳnh Anh, nguyên nhân dẫn đến dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus Herpes, thủy đậu, Poxvirus… Đau mắt đỏ nếu điều trị đúng cách, kịp thời người bệnh có thể khỏi trong khoảng từ 10-14 ngày. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thường tự ý mua thuốc điều trị không theo tư vấn, đơn kê của bác sĩ dẫn đến bệnh kéo dài không khỏi, tăng nặng, biến chứng viêm giác mạc.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, thời gian gần đây mưa nắng thất thường, tại một số địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hà Tĩnh, Gia Lai... đã xuất hiện bệnh đau mắt đỏ. Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch.
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 8 đến tháng 10 hằng năm. Hiện nay thời tiết đang chuyển mùa, diễn biến phức tạp khiến khá nhiều địa phương xuất hiện bệnh đau mắt đỏ. Thời tiết, khí hậu giai đoạn này ẩm rất dễ để virus, vi khuẩn phát triển gây nên dịch bệnh lây lan. Đây cũng là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh.
Virus dễ lây lan và chưa có thuốc đặc trị
Về nguy cơ lây lan của bệnh đau mắt đỏ, BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt T.Ư) phân tích: Đau mắt đỏ có tốc độ lây lan rất nhanh do tiếp xúc với dịch tiết của người mắc bệnh khi họ nói chuyện hoặc hắt hơi, chạm tay vào những vật dụng hay đồ dùng cá nhân nhiễm mầm bệnh như: gối, khăn mặt, bàn chải, chìa khóa, tay nắm cửa, chậu rửa bát, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi… sử dụng nguồn nước bị nhiễm bệnh (ao hồ, bể bơi)...
Theo bác sĩ Cương, cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể tái nhiễm. Bệnh này về cơ bản thường không quá nghiêm trọng, nếu vệ sinh, chăm sóc và điều trị tốt. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị để bệnh kéo dài, tái phát có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, mù lòa…
PGS, TS Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc (Bệnh viện Mắt T.Ư) cho hay, đau mắt đỏ khiến mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, nổi cộm, chảy nước mắt. Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Ngoài ra, một số người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai. Thông thường thị lực người bệnh không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ nghiêm trọng.
Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ và biến chứng nguy hiểm, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, không dùng chung chậu rửa mặt, khăn mặt với người bị đau mắt đỏ. Thường xuyên tra rửa mắt bằng dung dịch nhỏ mắt bằng muối NaCL 0,9% hằng ngày. Vệ sinh tay thường xuyên. Khi mắc bệnh, người bệnh cần cách ly với người lành, cẩn trọng đối với các loại chất thải, dịch tiết… Tuyệt đối không điều trị đau mắt đỏ theo những phương thức truyền miệng dân gian. Khi có biểu hiện mắt cộm, nhức, sợ ánh sáng, tiết dịch - mủ nhầy, bệnh nhân cần đến khám bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp điều trị và vệ sinh dịch tễ. Không tự ý điều trị khi chưa được thăm khám, tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa, tránh bệnh có diễn tiến lâu dài và khả năng gây biến chứng nguy hiểm.