Để hội nhập cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu

Ngành sản xuất tại Việt Nam hiện đang là một ngành nghề trọng điểm trong chiến lược phát triển của Chính phủ. Tuy nhiên, ngành sản xuất đang chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, vào giai đoạn cuối của quy trình sản xuất, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp. Vì thế, ngành sản xuất cần nhanh chóng nâng cao năng lực, chuyển đổi sang giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Việc chuyển đổi sang giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ mở ra nhiều cơ hội tiềm năng để phát triển. Ảnh: SONG ANH
Việc chuyển đổi sang giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ mở ra nhiều cơ hội tiềm năng để phát triển. Ảnh: SONG ANH

Theo đánh giá của công ty kiểm toán KPMG, Việt Nam đang ở giai đoạn hai trong bốn giai đoạn hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là giai đoạn mức độ sản xuất còn hạn chế: Hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong xuất khẩu đến từ hoạt động sản xuất chiếm từ 60% đến 80%, thường cùng với các nguyên vật liệu thô; Hàm lượng giá trị nội địa ở mức trung bình trên giá trị xuất khẩu; Khâu sản xuất chủ yếu tham gia vào các mắt xích có giá trị gia tăng thấp, dẫn đến lợi nhuận thấp; Cơ sở hạ tầng cho các hoạt động công nghiệp tổng thể và mạng lưới các nhà cung cấp đang phát triển. Tại giai đoạn này, quốc gia chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động và có sản phẩm đầu ra đòi hỏi độ phức tạp thấp về kỹ thuật.

Việc chuyển đổi sang giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ không chỉ nâng cao năng lực của đất nước mà còn mở ra nhiều cơ hội tiềm năng để phát triển hơn nữa. Trong đó, lợi ích chính đạt được là tỷ suất lợi nhuận cao hơn đến từ các sản phẩm và công đoạn sản xuất phức tạp hơn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, năng lực sản xuất và quản lý cao. Đồng thời, xuất hiện nhiều cơ hội kinh doanh mới với việc tăng trưởng và mở rộng khả năng thâm nhập thị trường thông qua việc đa dạng hóa nền kinh tế sang các ngành công nghiệp mới hoặc kế cận.

Giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng sẽ giúp đất nước trở thành điểm đến đầy thu hút để đa dạng hóa hoặc tái định vị chuỗi cung ứng khi cơ sở hạ tầng phát triển cùng với chính sách tốt (chính sách thương mại, mở cửa thu hút FDI) và các yếu tố liên quan chuỗi giá trị toàn cầu như thể chế, hải quan... Điều này cũng cải thiện việc làm, giúp người lao động có công việc tốt hơn với mức lương và điều kiện làm việc được cải thiện, do giảm tỷ lệ tham gia vào giai đoạn sử dụng nhiều lao động và tập trung phát triển lao động có tay nghề cao.

Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang là điểm đến thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, vì có các chỉ số vĩ mô tích cực, lực lượng lao động cạnh tranh với năng suất dần tăng cao hơn, có được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, năng lực của doanh nghiệp và chất lượng đội ngũ lao động vẫn là thách thức đối với quá trình hội nhập cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo KPMG, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, nhưng chưa xây dựng được một hệ thống chuẩn, mạnh hoặc tạo ra một kết nối hữu cơ với thị trường trong nước. Tỷ lệ hội nhập vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn thấp. Điều này thể hiện ở một số thách thức:

Đầu tiên là về cơ sở hạ tầng, lĩnh vực kho vận và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu do sự phát triển chưa toàn diện của cơ sở hạ tầng giao thông trong việc xem xét kết nối chuỗi giá trị. Với hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kho vận đang bị phân tán, nên từ nguồn nguyên liệu thô đến giao hàng thành phẩm, hàng hóa ở Việt Nam phải qua rất nhiều trung gian, chi phí vận chuyển hàng hóa trong biên giới đắt đỏ. Điều này làm tăng chi phí giao dịch, là một trong những yếu tố gây cản trở tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Việt Nam còn thiếu quy mô sản xuất và cơ sở nguồn lực con người, dẫn đến những thách thức trong việc tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. So với Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn (36%), điều này gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hỗ trợ còn yếu và tỷ lệ thấp trong việc mua sắm linh kiện trong nước.

Thứ hai là vấn đề nâng cao năng lực quản lý và công nghệ. Việc lập kế hoạch và quản lý chuỗi cung ứng còn yếu để có thể cạnh tranh về chi phí và thiết lập một chuỗi cung ứng có khả năng đáp ứng nhu cầu và phục hồi. Tiếp theo, thông lệ quản trị doanh nghiệp vẫn chưa được thực hiện tốt ở Việt Nam với tỷ lệ kiểm toán độc lập cho các doanh nghiệp tư nhân còn thấp, trong khi những yếu tố này là cực kỳ cần thiết để có thể hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với các FTA mới. Đồng thời, đang có sự hạn chế về khả năng sáng tạo, đổi mới sản phẩm và quy trình cũng như thúc đẩy khâu nghiên cứu và phát triển.

Thứ ba là vấn đề nhân tài và lao động có tay nghề. Lao động có tay nghề đóng vai trò quan trọng với các nhà sản xuất có các quy trình phức tạp. Việc tìm đủ lao động có thể đáp ứng nhu cầu thị trường địa phương cũng đang là một thách thức lớn.

Đối phó với những thách thức này, đồng thời nắm bắt được tương lai của ngành sản xuất, tập trung vào “bộ đôi” chuyển đổi số thông minh và ESG (môi trường - xã hội - quản trị) là điểm mấu chốt để tăng trưởng bền vững và chuyển đổi sang giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp sản xuất phải xây dựng được năng lực vận hành thiết yếu trong quản lý chuỗi cung ứng để làm nền tảng cho quá trình hội nhập. Điều này thể hiện qua sáu khâu hoạt động điển hình của một chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối:

Khâu đổi mới sáng tạo và thiết kế kỹ thuật bao trùm toàn bộ vòng đời phát triển sản phẩm và quy trình thương mại hóa, bắt đầu từ việc lên ý tưởng và hoàn thiện đến cuối vòng đời của sản phẩm.

Khâu lập kế hoạch bao gồm các quy trình lập kế hoạch chuỗi cung ứng, chẳng hạn như lập kế hoạch về nhu cầu, nguồn cung, cân bằng và thực hiện quy trình kế hoạch kinh doanh tích hợp. Khâu này cũng cần có sự hợp tác từ khách hàng và nhà cung cấp, cũng như phối hợp với các quy trình lập kế hoạch tài chính trong các giai đoạn phát triển cao hơn.

Khâu thu mua là các hoạt động và quy trình để thu thập hoặc mua hàng hóa và dịch vụ từ một nguồn bên ngoài. Nó bao gồm các hoạt động từ việc thiết lập các yêu cầu cơ bản, các hoạt động tìm nguồn cung ứng như nghiên cứu thị trường và lựa chọn, phát triển nhà cung cấp và đàm phán hợp đồng.

Khâu sản xuất bao gồm toàn bộ phạm vi hoạt động và quy trình liên quan đến hoạt động sản xuất. Nó bao gồm các thành phần chính như: Đánh giá năng lực sản xuất; Lập kế hoạch và lên lịch trình sản xuất, triển khai chiến lược; Duy trì tài sản và thực hiện sản xuất với chất lượng sản phẩm được yêu cầu.

Khâu vận chuyển quản lý hiệu quả và hiệu suất các nguồn lực (sản phẩm, mặt hàng...), cách chúng được thu thập, lưu trữ và vận chuyển đến các vị trí khác nhau, đến khi tới tay người tiêu dùng.

Khâu cuối là tiếp thị, bán hàng và phân phối liên quan đến việc quảng bá, bán hàng hóa hoặc dịch vụ. Các khía cạnh chính trong khâu này bao gồm phát triển chiến lược tiếp thị và bán hàng, hệ thống phân phối vững chắc, quản lý khách hàng chủ chốt, hoạt động bán hàng hiệu quả và dịch vụ khách hàng.

Theo KPMG, thực thi sáu khâu hoạt động đầu-cuối trên với mức phản ứng linh hoạt là cấp độ cao nhất để đánh giá mức độ trưởng thành của các năng lực vận hành thiết yếu trong chuỗi cung ứng. Khi đó, doanh nghiệp hoàn toàn có năng lực để hội nhập cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.