Để cán bộ ngành y tế gắn bó với nghề

Tại cuộc họp báo quý II/2022 của UBND TP Hà Nội được tổ chức chiều 1/7, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến cuối tháng 4/2022, toàn thành phố có gần 860 cán bộ y tế nghỉ việc, chuyển công tác. Thực tế, tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước…

Nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải khám, chữa bệnh. Ảnh: HẢI NAM
Nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải khám, chữa bệnh. Ảnh: HẢI NAM

Trách nhiệm cao, phụ cấp “chưa tới”

Những lá đơn xin nghỉ việc của nhân viên y tế tuyến cơ sở tại Hà Nội ngày một nhiều thêm. Chị T. là người đầu tiên “dứt áo ra đi” sau hơn 10 năm gắn bó với công việc tại Trung tâm Y tế phường X, quận H, TP Hà Nội. Sau chị T., sáu người nữa cùng làm đơn xin nghỉ việc. 

Theo thống kê của Sở Y tế công bố, đã có gần 860 nhân viên y tế, bác sĩ tại Hà Nội đã xin nghỉ việc, chuyển việc. 

Tất cả trong số họ đều từng ở tâm dịch, không đầu hàng bệnh tật khi Hà Nội nước sôi lửa bỏng. Ít ai ngờ rằng, lúc khó khăn nhất thì lực lượng y tế dự phòng cơ sở lại “mỏng” nhất. Số lượng y, bác sĩ vẫn theo biên chế cũ, mỗi xã/phường khoảng 10 người. Nhưng nay, khi dân số tăng lên gấp nhiều lần, có nơi đến vài chục nghìn dân thì quân số vẫn vậy. Do vậy, mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, họ quay cuồng với công việc. “Ngoài điều tra dịch tễ, chúng tôi còn kiêm thêm nhiệm vụ hướng dẫn cách phòng tránh dịch bệnh tại nhà cho người dân. Việc ra quyết định cách ly, trực điện thoại đường dây nóng của trạm y tế để hướng dẫn người dân khai báo y tế. Vừa lấy mẫu lại phải truy vết. Khi chính quyền đã hẹn dân ra lấy mẫu thì phải tranh thủ để lấy cho bằng hết, bất kể thời gian nào. Hết ca này sang ca khác, chưa kể, một ca phải truy vết nhiều nơi. Vừa thực hiện xét nghiệm, còn làm thủ tục chuyển mẫu. Giờ đây, chúng tôi còn kiêm nhiệm vụ tiêm chủng”,  bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức, từng tâm sự. 

Trong đợt dịch, chị T. từng chia sẻ: “Gia đình tôi có bố mẹ già, con lại thi tốt nghiệp THPT nhưng từ khi có dịch bệnh xảy ra, thời gian dành cho gia đình hầu như không có. Cứ có ca bệnh  là chúng tôi lên đường. Có đợt bố tôi phải vào viện cấp cứu thì cũng là lúc tôi nhận lệnh đi truy vết khẩn cấp. Việc lấy mẫu xét nghiệm cứ liên tục, không thể đừng, có khi từ sáng sớm hôm trước đến đêm mới được về.  Cũng có khi nửa đêm và đến chiều hôm sau… Đã có những đồng nghiệp mệt lả, kiệt sức và ngất đi. Chúng tôi chỉ có thể uống bù oresol, uống sữa để lấy sức làm việc… Khi làm hết ca, người đã quá mệt, cứ có chỗ “ngả lưng” là có thể nằm ngủ ngay được rồi”. 

Khi dịch bệnh xảy ra, nếu mỗi xã, phường có 100 trường hợp liên quan đến các ổ dịch Covid-19 thì một quận, huyện (trung bình 20 xã, phường) sẽ có 2.000 trường hợp liên quan, toàn thành phố với 30 quận, huyện là hàng chục nghìn người cần được theo dõi sức khỏe và lấy mẫu làm xét nghiệm. Việc lấy mẫu xét nghiệm hầu hết sẽ do cán bộ xét nghiệm của trung tâm y tế quận, huyện, thị xã thực hiện, vì vậy họ sẽ phải đi luân phiên từng xã, phường hết nơi này sang nơi khác nên việc lấy mấy nghìn mẫu sẽ phải mất vài ngày mới có thể hoàn thành. 

Điểm qua, trong đợt dịch Covid-19, đã có những cán bộ y tế dự phòng tại các quận Đống Đa, Hoàng Mai, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, huyện Thanh Trì, Gia Lâm… đã trở thành F0 trong quá trình làm nhiệm vụ. 

Để cán bộ ngành y tế gắn bó với nghề -0
Tận tình chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: HOÀNG LINH

Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, theo quy định về chế độ phòng, chống dịch hiện hành của thành phố, những người xông pha “trận chiến” dịch bệnh lại chưa có mấy ai được hưởng quyền lợi cho cá nhân mình. Theo quy định, cán bộ y tế dự phòng xuống ổ dịch được hưởng tiền ăn  300.000 đồng/ngày, tiền vào ổ dịch là 150.000 đồng. Tuy nhiên, vì công việc là khẩn cấp, việc xuống các ổ dịch không thể chần chừ, thậm chí thường xuyên vào đêm khuya nên để có đủ chứng từ như một tờ biên bản xác nhận xuống cơ sở có đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền nhiều khi là… hoàn toàn không thể. Chính vì thế, hầu hết các thành viên các Đội phản ứng nhanh, có trách nhiệm xuống ngay ổ dịch của CDC Hà Nội lại chưa nhận được một đồng phụ cấp chống dịch. Hay tại bộ phận xét nghiệm, các cán bộ thường xuyên tiếp xúc nguồn lây nhiễm, hóa chất độc hại, công việc cường độ cao thế nhưng lại không được hưởng chế độ trợ cấp phòng, chống dịch. 

Còn đối với đội ngũ y, bác sĩ thì sao? Một bác sĩ có thâm niên làm việc tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội rất trăn trở chuyện “đi hay ở”. Vị bác sĩ này nấn ná “ở” vì đã có nhiều năm cống hiến, được vào quy hoạch cán bộ, đã xông pha hơn hai năm Covid-19 từ bắc chí nam… Nhưng cuối cùng anh lại quyết định “đi” ở thời điểm này vì công việc quá nhiều, trực nhiều, chính sách lại đang “trói” nhiều công việc… trong khi mức lương thấp, chế độ trực thì “có cũng như không”. Bệnh viện tư mời anh về làm việc đã nhiều lần với mức lương cao. Anh đã quyết định từ bỏ bệnh viện công “vì đến lúc con cái tôi đã lớn, nhu cầu học tập, cuộc sống ngày càng nhiều hơn”.

Tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác, năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, cường độ và thời gian lao động tăng, áp lực công việc quá lớn, có nơi thù lao trực đêm chống dịch chỉ 18.500 đồng, không thỏa đáng với những gì cán bộ y tế đóng góp. Có bác sĩ chia sẻ phải rút tiền tiết kiệm ra để trang trải. Thêm vào đó, chế độ thu hút, hoặc đãi ngộ hạn chế hoặc không có.

Theo thông tin sơ bộ Bộ Y tế cung cấp, tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) trong 5 năm qua  đã “mất” khoảng 300 bác sĩ có tay nghề cao. Điểm đến của hầu hết các bác sĩ nghỉ việc là các bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 1/2021 đến nay, toàn bệnh viện có 114 viên chức, người lao động (trong đó có 34 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 38 nhân viên) thôi việc, bỏ việc… Tương tự, tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, vấn đề thầy thuốc xin nghỉ việc cũng đang là nỗi lo của lãnh đạo bệnh viện. Bác sĩ CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc bệnh viện cho biết, trong năm 2021 bệnh viện có hàng trăm nhân viên xin nghỉ việc, trong đó có khoảng 20 bác sĩ có kinh nghiệm.

Để cán bộ ngành y tế gắn bó với nghề -0
Điều trị bệnh nhân trong dịch Covid-19. Ảnh: THANH ĐẶNG

Mâu thuẫn làm nhiều, hưởng ít

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, nguyên nhân là do dịch Covid-19 kéo dài trong hai năm tạo áp lực tương đối lớn lên cán bộ y tế tất cả các tuyến. Trong khi đó, nguồn thu của các đơn vị giảm nhiều, đặc biệt là các bệnh viện tự chủ và y tế cơ sở, nên thu nhập của cán bộ y tế so với khối lượng công việc chưa tương xứng. Về vấn đề này, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo với các cấp lãnh đạo và đưa ra một số giải pháp thực hiện, căn cứ vào đề án vị trí việc làm tuyển dụng các nhân viên y tế; điều tiết nhân lực cho các đơn vị khó khăn về nhân lực...

Một Trưởng phòng Y tế quận tại Hà Nội thẳng thắn cho biết, nguyên nhân nghỉ việc của cán bộ y tế cơ sở là do họ bị căng thẳng tâm lý, khủng hoảng. Trong thời gian đại dịch phải làm việc quá nhiều, sức khỏe giảm sút, họ lo lắng không trụ lại được nếu dịch tiếp tục kéo dài. Bên cạnh đó là do chế độ đãi ngộ với tuyến y tế cơ sở còn hạn chế. “Từ hai lý do trên, họ lo lắng không bảo đảm sức khỏe cũng như thu nhập cho gia đình. Trong điều kiện như vậy họ đã xin chuyển sang cơ sở y tế tư nhân để làm việc vì lương cao hơn và thoải mái hơn”, vị này cho biết.

Còn theo TS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), các y, bác sĩ, nhân viên xin nghỉ việc phần lớn là do không chịu nổi áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Thực trạng cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc do thu nhập thấp không chỉ diễn ra trong năm 2021 mà đã diễn ra từ nhiều năm nay tại các bệnh viện công lập hạng I của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, đến năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, áp lực công việc quá lớn, nhiều cán bộ, nhân viên y tế quyết định “dứt áo ra đi” để tìm bến đỗ mới ít áp lực hơn hoặc làm công việc khác có thu nhập cao hơn.

TS Phạm Văn Dũng cho biết, bệnh viện muốn phát triển được phải có ba nền tảng vững chắc. Đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc và đặc biệt là nhân lực. Bệnh viện công lập ra sức đào tạo đến khi các bác sĩ, điều dưỡng vững tay nghề lại xin nghỉ việc khiến chúng tôi rơi vào vòng luẩn quẩn. Thiếu cơ sở vật chất, máy móc có thể bổ sung nhưng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, không thể có ngay trong một sớm, một chiều. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách để thu hút và giữ chân y, bác sĩ, để họ yên tâm gắn bó lâu dài với bệnh viện. 

Được biết, Sở Y tế Hà Nội đã có tờ trình HĐND thành phố về việc hỗ trợ chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở. Theo tờ trình, Sở Y tế đề nghị HĐND thành phố nhanh chóng biểu quyết, thông qua Nghị quyết này để có hỗ trợ riêng cho cán bộ y tế ở cơ sở. “Điều này cần làm ngay nhưng tôi cho rằng, Nghị quyết cũng chỉ trong thời gian ngắn, muốn thay đổi lớn phải ở cấp vĩ mô, cấp Chính phủ. Cần có những quy định rất cụ thể đối với người làm việc tại y tế cơ sở. Họ phải được hưởng những chế độ như thế nào để phù hợp, thỏa đáng để yên tâm công tác, làm việc lâu dài ở y tế cơ sở” ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bày tỏ.

Ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) lưu tâm đến chính sách hiện nay: Đáng ra y, bác sĩ phải được làm nghề nhưng hiện nay do thiếu thuốc, trang thiết bị nên họ bất lực. Vì thế dẫn tới tình trạng họ không đủ khả năng để cống hiến cho nghề nghiệp của mình. Trong khi đó, chuyển ra làm việc ở cơ sở y tế tư nhân thì được cung cấp ngay thiết bị máy móc, đáp ứng đầy đủ nên cũng thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, cơ chế bệnh viện tự chủ, tiền giá tính cả vào tiền lương, nếu bệnh viện không tự chủ được thì tiền lương giảm đi, thu nhập tăng thêm cũng giảm thì hệ thống y tế công không có sức hấp dẫn nữa.

Yếu tố áp lực công việc và an toàn nghề nghiệp cũng được ông Quang nhắc tới:  “Làm ở khu vực y tế công áp lực công việc lớn nhưng rất dễ bị xúc phạm, thậm chí bị hành hung, đe dọa tính mạng... Tuy vậy, cơ chế bảo vệ họ như thế nào thì lại chưa có điều kiện bảo đảm. Họ lại thiếu được động viên, đánh giá đúng mức, kịp thời. Và “giọt nước làm tràn ly” cuối cùng là đại dịch. Nhiều người phải trải qua lằn ranh sinh tử nhưng chế độ phụ cấp đến giờ nhiều nơi chưa được thanh toán, hoặc việc khen thưởng chỉ… trên giấy, nên họ thấy không an toàn, không có động lực để làm việc nên bỏ ra ngoài”, ông Nguyễn Huy Quang nhận định.

Để cán bộ ngành y tế gắn bó với nghề -0
Kiểm tra sức khỏe cho nhân dân ở tuyến cơ sở. Ảnh: HẢI ANH 

Đề xuất lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức thông thường

Mới đây, trong Công văn số 145/CĐYT ngày 31/5 của Công đoàn Y tế Việt Nam gửi Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nêu một số kiến nghị của công chức, viên chức, lao động ngành y tế với Đảng, Nhà nước.

Theo đó, về chính sách giá viện phí: Hiện nay, giá viện phí mới được tính 4/7 yếu tố đối với các dịch vụ y tế, trong khi 100% các bệnh viện phải tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Đây là một khó khăn lớn, các bệnh viện rất khó khăn trong việc lo lương và thu nhập tăng thêm cho cán bộ y tế. Đề nghị Đảng, Chính phủ ban hành chính sách viện phí được tính đúng, tính đủ chi phí để bảo đảm duy trì sự hoạt động của các bệnh viện, trong đó có chi phí bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế.

Về chính sách lương khởi điểm của bác sĩ: Ngành y là một ngành đặc biệt theo Nghị quyết 46/NQ-BCT của Bộ Chính trị, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, có cơ chế đào tạo đặc thù. Riêng đối với bác sĩ, thời gian đào tạo kéo dài sáu năm so với các ngành khác thời gian đào tạo chỉ là bốn năm. Tuy nhiên, phải mất 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1. Trong khi đó, với các ngành khác, chế độ tiền lương chi trả sau bốn năm đại học có mức lương khởi điểm là 2,34. Đây là một bất cập, đề nghị chế độ chính sách tiền lương khởi điểm riêng với bác sĩ ngành y, được áp dụng mức khởi điểm tương đương bậc 2 là 2,67.

Về chính sách thâm niên nghề: So sánh với ngành giáo dục, hai ngành được xã hội tôn vinh là thầy, lao động trong ngành y có phần vất vả, độc hại hơn nhiều nhưng lao động ngành y không được hưởng chế độ thâm niên nghề như hiện nay ngành giáo dục được hưởng. Đề nghị Đảng, Chính phủ quan tâm đến chế độ hưởng thâm niên trong nghề y như đối với ngành giáo dục.

Về phụ cấp ưu đãi nghề: Theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ, cán bộ y tế được hưởng từ 20% tới 70% chế độ phụ cấp ưu đãi nghề. Rất nhiều đối tượng lao động làm việc trong điều kiện môi trường độc hại bệnh viện vẫn phải tiếp xúc với người bệnh, mầm bệnh nhưng lại không được hưởng phụ cấp này. Đề nghị Đảng, Chính phủ quan tâm nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành y tế cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.

Về chế độ thu hút đối với các ngành nghề đặc thù: Đối với các lĩnh vực đặc biệt trong ngành y như phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, hồi sức cấp cứu, giải phẫu bệnh… là những công việc có yếu tố nguy hiểm, cần tập trung cao độ tâm sức, trí tuệ của cán bộ y tế, nhưng hiện nay chưa có cơ chế phù hợp trong thu hút lao động này. Một số ngành đặc biệt sắp trở thành ngành không có nhân lực chất lượng cao. Đề nghị Đảng, Nhà nước có chính sách đặc biệt hấp dẫn để thu hút nhân lực trong các lĩnh vực này. 

Mới đây, tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tình hình nghỉ việc, thôi việc của cán bộ y tế khu vực công lập diễn ra vào ngày 23/6/2022, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hoàn tất thủ tục, trình Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56 ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 của T.Ư về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp…

Thường trực Chính phủ giao các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Bộ Y tế để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản theo thẩm quyền để quy định, hướng dẫn hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Các bộ, ngành liên quan, Chủ tịch UBND cấp tỉnh khẩn trương thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế theo đúng quy định tại các Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021, số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020, số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ.

Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu chú trọng, chủ động làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch bệnh.

Quan tâm đầu tư, cải thiện điều kiện làm việc cho các cơ sở y tế, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở nhằm cung cấp các dịch vụ y tế cơ sở có chất lượng, góp phần bảo đảm sự công bằng, hiệu quả trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với thủ trưởng đơn vị nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế…

Trong thời gian qua, có hơn 4.800 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 420 viên chức công tác tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Tại TP Hồ Chí Minh có 1.069 viên chức y tế xin nghỉ việc, thôi việc. Tiếp đến là Hà Nội hơn 850 người và đến các tỉnh như Đồng Nai 372 người, Bình Dương 202 người, Long An 162 người, sau đến An Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Thuận…

Ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) so sánh: “Nhiều bác sĩ có mức lương 4-5 triệu đồng thì không bằng người giúp việc 7-10 triệu đồng hay anh thợ hồ. Trong khi đó, một bác sĩ để có tay nghề ra trường làm việc thì ít nhất phải có chục năm học. Vào lứa tuổi ấy đã 30-35, họ phải có con cái, chăm lo cho gia đình, mức lương 5-7 triệu đồng không giải quyết được vấn đề để họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến. Do vậy, thu nhập thấp là nguyên nhân đầu tiên khiến họ “dứt áo ra đi”.

Yêu cầu sửa đổi chế độ phụ cấp với công chức, viên chức cơ sở y tế công lập 

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hoàn tất thủ tục, trình Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tình hình nghỉ việc, thôi việc của cán bộ y tế khu vực công lập diễn ra vào ngày 23/6/2022.