Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

Từ năm 2021, Hà Nội bắt đầu triển khai chuyển đổi số và đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì việc triển khai chuyển đổi số ngày càng được thực hiện mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội đang đẩy nhanh công tác chuyển đổi số. Ảnh: SONG ANH
Hà Nội đang đẩy nhanh công tác chuyển đổi số. Ảnh: SONG ANH

1/Hà Nội là một trong các tỉnh, thành phố đi đầu trong việc bảo đảm đầy đủ điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Việc thực hiện phân cấp, ủy quyền giải quyết TTHC bước đầu mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện cải cách TTHC, giúp chính sách, quy định pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác. Việc đơn giản hóa các thủ tục, quy trình đã rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. Đồng thời giảm áp lực cho các sở, ngành trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC, từ đó tăng chất lượng, cải thiện, nâng cao chỉ số PAR INDEX, chỉ số SIPAS (thước đo mang tính khách quan, phản ánh kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công) của thành phố.

Năm 2023, thành phố đã ban hành Danh mục dữ liệu mở (Quyết định 3478/QĐ-UBND ngày 4/7/2023) là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan nhà nước và với công dân trong thời gian tới. Đồng thời triển khai Cổng dữ liệu thành phố và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP). Đây là hai hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan Nhà nước. Đến nay, các CSDL của các ngành được giao triển khai đã và đang dần hình thành, trong đó tập trung một số CSDL quan trọng như CSDL doanh nghiệp, CSDL đất đai, CSDL cán bộ công chức…

Về hạ tầng số, Trung tâm dữ liệu chính của thành phố đang được tập trung triển khai để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV năm nay. Đồng thời tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt mạng diện rộng WAN của thành phố, hệ thống giao ban trực tuyến (đã được triển khai tới ba cấp chính quyền). Thành phố cũng đang phối hợp các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đến nay, trên toàn thành phố đã cấp khoảng 10 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

2/Có thể thấy, việc triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được đánh giá cao. Dù vậy, theo Báo cáo kết quả giám sát về thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn Hà Nội cho thấy, việc chuyển đổi số vẫn chậm được triển khai. Hiện nay, các nhiệm vụ, công việc liên quan chuyển đổi số mới chủ yếu trên kế hoạch, quán triệt, tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số. Ở nhiều nơi, tiến độ xây dựng CSDL, hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu, xây dựng trung tâm điều hành thông minh phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cơ quan còn chậm. Việc xây dựng CSDL còn hạn chế, dữ liệu phân tán ở các cấp, cấu trúc còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa có sự rõ ràng theo các cấp.

Từ những bất cập, hạn chế tồn tại nêu trên, Đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị thành phố sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và phần mềm để thực hiện có hiệu quả hệ thống một cửa dùng chung ba cấp và việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Hướng dẫn xây dựng các CSDL quản lý chuyên ngành phục vụ quản lý, cung cấp giải pháp xây dựng hệ thống, bổ sung kịp thời trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị bảo đảm điều kiện triển khai tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời triển khai các nhiệm vụ chuyên môn về chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực để tạo sự đồng bộ và liên kết, chia sẻ dữ liệu dùng chung, tránh lãng phí.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện 644/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC trên CSDL quốc gia để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện; định kỳ hằng tháng thống kê đầy đủ những TTHC được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện; đồng thời tái cấu trúc quy trình các TTHC, dịch vụ công đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, tỉnh để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giấy tờ công dân theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bảo đảm thực chất, hiệu quả hoàn thành trong tháng 9/2023.