Đẩy nhanh thực hiện cải cách tiền lương

Cuối tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, các địa phương, đơn vị phải hoàn thành danh mục vị trí việc làm trước ngày 31/3. Thời gian không còn nhiều, công việc này cần được đẩy nhanh hơn nữa để kịp thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7 năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Việc cải cách tiền lương được kỳ vọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Ảnh: HẢI NAM
Việc cải cách tiền lương được kỳ vọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Ảnh: HẢI NAM

Tăng tính chuyên nghiệp trong nền công vụ

“Xây dựng tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc các đơn vị nhà nước là tiền đề để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đánh giá theo đúng vị trí việc làm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi đơn vị.

Vị trí việc làm gắn với ngạch của công chức hoặc chức danh nghề nghiệp của viên chức và cũng là căn cứ để cơ quan quản lý công chức, viên chức tuyển dụng và quản lý các đối tượng này. Qua đó giúp cho việc nâng cao chất lượng công chức, viên chức. Do đó, việc hoàn thiện vị trí việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng tính chuyên nghiệp trong nền công vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Bộ Nội vụ cho biết, đến nay đã có 20/20 bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành. 15/15 bộ, ngành ban hành hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập. Toàn hệ thống chính trị có 2,234 triệu biên chế, trong đó hơn 336.320 cán bộ, công chức; 1,68 triệu viên chức; 205.570 cán bộ, công chức cấp xã... Theo quy định của Chính phủ năm 2020, căn cứ xác định vị trí việc làm của công chức dựa trên nhiều yếu tố như mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ.

Có hai cách phân loại vị trí việc làm. Đầu tiên là theo khối lượng công việc, như dựa theo vị trí do một người đảm nhiệm; vị trí nhiều người đảm nhiệm; việc làm kiêm nhiệm. Cách thứ hai là phân loại theo tính chất, nội dung công việc như vị trí lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên ngành; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ.

Bộ Nội vụ cho biết có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí. Cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí, trong đó 11 vị trí cán bộ chuyên trách, sáu vị trí công chức xã. Sau khi hoàn thành sắp xếp, từ ngày 1/7/2024, công chức, viên chức được trả lương theo vị trí việc làm tương xứng năng lực, khối lượng công việc, thay vì theo hệ số cào bằng hiện nay.

Ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, các văn bản hướng dẫn đã có đầy đủ, việc còn lại là các bộ, ngành sẽ phê duyệt cái đề án vị trí việc làm đó. Và để sau khi có sự hướng dẫn về tiền lương theo vị trí việc làm thì chúng ta có thể áp dụng được ngay để thực hiện việc trả lương cho đội ngũ của chúng ta theo vị trí việc làm”.

Đẩy nhanh thực hiện cải cách tiền lương ảnh 1

Người lao động tìm hiểu về mức lương theo vị trí việc làm. Ảnh: SONG ANH

Khó vì lý do con người

Để xây dựng vị trí việc làm vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đẩy mạnh việc sắp xếp các đơn vị và đầu mối bên trong. Qua sắp xếp đã giảm được bốn tổng cục; hai vụ, cục trực thuộc Bộ; 16 phòng trong vụ. Giảm bốn tổng cục trưởng, 10 phó tổng cục trưởng, một cục trưởng và giảm hơn 100 trưởng, phó phòng.

TP Hà Nội cũng đã đề xuất phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo hướng giảm hai - ba phường trên mỗi quận tại: Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa và Long Biên. TP Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, 579 đơn vị hành chính cấp xã. Trong giai đoạn 2023-2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí, Hà Nội dự kiến có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành nội vụ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập nói việc xây dựng đề án vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức để cải cách tiền lương đang rất được quan tâm. Tuy nhiên, việc này rất khó, trước hết bởi cách làm “hơi dồn dập”. Theo lý thuyết, nếu muốn xây dựng vị trí việc làm và bản mô tả vị trí công việc cần xuất phát từ yêu cầu công việc. Sau khi có các vị trí sẽ sắp xếp người phù hợp. Tuy nhiên, do bộ máy quá cồng kềnh, nhiều biên chế nên bản mô tả vị trí việc làm phải làm sao để không xung đột, chồng chéo. “Đây là vấn đề rất khó”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói. Khó khăn tiếp theo là nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi từ tập trung bao cấp sang thị trường nên việc chuyển đổi các vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức không thể đột ngột. Cơ chế cho các bộ, ngành hoạt động cần xoay chuyển từ từ để phù hợp với từng người, từng nhà, từng địa phương.

Đơn cử, tại tỉnh Bắc Giang, trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho thấy việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó do tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Số cấp phó dôi dư sau sắp xếp, kiện toàn nhiều nên khó khăn trong bố trí, sắp xếp cán bộ. Việc tuyển dụng giáo viên văn hóa tiểu học còn khó khăn do thiếu nguồn...

PGS, TS Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, nhiều bộ, ngành và các đơn vị đã phê duyệt đề án vị trí việc làm, ngoài thuận lợi, đa phần tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhưng còn có những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị phải vượt qua: Thứ nhất, phải rõ trong tinh thần của những người lãnh đạo, những nhà làm quản lý là sự quyết tâm thực hiện tốt việc xây dựng vị trí việc làm. Thứ hai, vượt qua được, chống lại tư tưởng đang tồn tại trong cán bộ, công chức, viên chức là thông thường xây dựng vị trí việc làm sao cho bảo tồn biên chế hiện tại.

Đáng lưu ý, theo Đề án cải cách tiền lương, dự kiến, mức lương theo vị trí việc làm sẽ tăng khoảng 32%. Tuy nhiên, công chức, viên chức sẽ không còn nhận những khoản phụ cấp như hiện nay. Các nhà chính sách lương đã tập trung vào thu gom và bỏ nhiều loại phụ cấp khác để tập trung vào một loại phụ cấp đặc biệt và do đó, chính sách lương đang cố gắng giữ ở mức 70% là lương chính, cơ bản, còn 30% là phụ thuộc vào phụ cấp và những vấn đề khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tiền lương, vẫn có thể có một vài sự chênh lệch giữa các ngành nhưng các nhà làm lương đang cố gắng khắc phục khoảng cách này, làm sao cho cán bộ, công chức cảm thấy an tâm với mức lương của mình khá ổn định và hướng phát triển tốt để đạt được hiệu quả làm việc cao và phát triển năng lực thực thi công vụ.

Một trong những yêu cầu của lần cải cách tổng thể chính sách tiền lương này là sẽ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo gắn với cải cách chính sách tiền lương. Thực tế, hiện nay, rất nhiều đơn vị được giao tổng biên chế nhưng thực tế chỉ sử dụng 80% biên chế hiện hành và 20% để dành dự trù. Do đó, theo Bộ Nội vụ, trong việc xây dựng vị trí việc làm, các đơn vị phải tính toán đến tổng biên chế chung, khắc phục thực tế này và không để cho những đơn vị kê khai vị trí việc làm tăng lên.

“Khi xây dựng tổ chức bộ máy, chúng ta đã tính toán chức năng, nhiệm vụ và tổng biên chế hiện nay đang có. Do đó, khi tính toán đến việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ, tính toán đến cơ cấu của đội ngũ cán bộ, công chức, tính toán đến hiệu quả thực thi…đều liên quan đến tổ chức bộ máy này và cố gắng xây dựng tổ chức bộ máy cho gọn đầu mối nhưng vẫn tinh giản biên chế vừa đủ số lượng người thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ và loại bỏ bớt số người không phù hợp với vị trí việc làm hoặc không phù hợp với thiết chế tổ chức mới”, PGS, TS Ngô Thành Can giải thích.

Để các đơn vị sắp xếp, tinh gọn bộ máy bảo đảm chính xác và khách quan nhất, khi xây dựng vị trí việc làm, các cơ quan, đơn vị sẽ tự thực hiện và sau đó, có thẩm định của cơ quan chức năng của bộ, ngành đó và thẩm định của các đơn vị có liên quan, thí dụ như Bộ Nội vụ…