Đẩy nhanh hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiến độ triển khai thực hiện Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động hiện nay đang chậm, một số địa phương chưa chủ động, chậm triển khai thực hiện chính sách (có địa phương đến cuối tháng 5 mới ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 08/2022/QĐ-TTg. Kết quả phê duyệt và giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn thấp.
0:00 / 0:00
0:00
Sự hỗ trợ kịp thời sẽ giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ảnh: HẢI NAM
Sự hỗ trợ kịp thời sẽ giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ảnh: HẢI NAM

Nút thắt thủ tục

Theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ cụ thể như sau: Hỗ trợ cho người lao động đang làm việc, đã thuê nhà từ ngày 1/2 đến tháng 6 mức 500.000 đồng/tháng, thời gian tối đa là ba tháng. Đối với những người quay trở lại thị trường lao động, thuê nhà từ ngày 1/4 đến hết 30/6 thì được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, thời gian tối đa là ba tháng.

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu QH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, kinh phí đã có, đối tượng đã rõ, mục tiêu hỗ trợ cụ thể, hỗ trợ cho người lao động có quan hệ lao động. Nhưng các thủ tục triển khai thông qua lấy xác nhận, công chứng, xác nhận của doanh nghiệp và chính quyền địa phương… làm cho việc hỗ trợ đến tay người lao động chậm.

Theo đại biểu đoàn Đồng Nai, để triển khai nhanh chính sách này, các cơ quan, tổ chức thực hiện cần có giải pháp quyết liệt, lọc bớt những thủ tục rườm rà khiến khâu triển khai chậm. “Đây là vấn đề rất cần quan tâm, nếu hỗ trợ không kịp thời, mục tiêu và ý nghĩa chính sách sẽ không còn tính thời sự”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn đại biểu QH Hà Nam) cho rằng, khi xây dựng chính sách hỗ trợ là phải đơn giản, nhanh chóng, kịp thời, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ bởi khi người lao động đang gặp khó khăn thì sự hỗ trợ kịp thời là rất quan trọng. Thế nhưng hiện nay, quá trình triển khai thực hiện chính sách đang chậm. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, thực hiện chi trả cho người lao động.

Lý giải việc triển khai Quyết định 08/2022/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động ở một số địa phương chậm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, có một số nguyên nhân: Thứ nhất, cán bộ địa phương gặp lúng túng trong hướng dẫn doanh nghiệp; thứ hai, một số nơi chưa bố trí kịp nguồn, chờ kinh phí ngân sách Trung ương phân bổ; thứ ba, một số doanh nghiệp e ngại người lao động trục lợi, nên tự ý phát sinh quy định, đòi người lao động cung cấp giấy tạm trú, hợp đồng thuê nhà, làm chậm tiến độ phê duyệt hồ sơ; thứ tư, một số doanh nghiệp chưa chủ động, số lao động lớn. Vì Quyết định 08/2022/QĐ-TTg có quy định gộp hai, ba tháng, do đó nhiều doanh nghiệp với số lao động đông có tâm lý chờ hai, ba tháng mới làm hồ sơ cho người lao động. Vì vậy, UBND cấp huyện nhận được rất ít hồ sơ, đang phải chờ các doanh nghiệp gửi lên.

“Về giải pháp, Thủ tướng có Công điện số 431/CĐ-TTg 2022 tăng cường triển khai hỗ trợ người lao động, phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Hiện, chúng tôi đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ. Về phía Bộ, chúng tôi đã ban hành Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành vào tháng 8/2022. Thực tế, thủ tục viết đơn xác nhận danh sách đơn giản, nhưng doanh nghiệp sợ trục lợi nên phát sinh thêm hai nội dung về thủ tục, làm chậm tiến độ.

Chúng tôi đã có hướng dẫn các cơ quan chuyên môn đốc thúc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và có công văn đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo cấp huyện phối hợp phê duyệt danh sách, cùng với đó phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lập danh sách rà soát người lao động nhanh chóng hơn, đồng thời tăng cường phối hợp các bộ, ngành tuyên truyền các chính sách, hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện sớm đi vào cuộc sống như đã nêu”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.

Đẩy nhanh hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động ảnh 1

Dãy phòng trọ của công nhân tại tổ 3, thị trấn Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn đại biểu QH Thái Nguyên) lại nhấn mạnh việc xác minh, rà soát đối tượng cần được tiến hành nhanh chóng. Theo ông, chủ trương, chính sách và hướng dẫn thực hiện đều đã có. Triển khai chính sách này, nhiều địa phương có những cách làm thận trọng để xác định đúng đối tượng, tránh những sai sót có thể xảy ra. Đây cũng là một trong những lý do làm cho công tác triển khai bị chậm. “Các địa phương phải thúc đẩy một cách mạnh mẽ bằng nhiều cách khác nhau để nhanh chóng triển khai chính sách này đến người lao động. Công tác xác minh, rà soát ở cơ sở cần được tiến hành nhanh chóng”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói.

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, mục tiêu hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là để giữ chân người lao động, phục hồi kinh tế - xã hội. Bởi sau làn sóng người lao động di dời khỏi các đô thị lớn do đại dịch Covid-19, chính sách hỗ trợ người lao động quay lại thị trường và giữ chân người lao động là rất cần thiết.

Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn ra ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, có đến 2,2 triệu người từ thành phố, khu kinh tế trọng điểm về nông thôn. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có việc người lao động lo lắng vì tình hình dịch bệnh, thu nhập bị giảm sút nhưng có yếu tố quan trọng là vấn đề nhà ở. Phần lớn người lao động ở nhà thuê và tiền thuê nhà chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập của họ. Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, thủ tục hỗ trợ người lao động rất đơn giản. Người lao động chỉ cần đơn có xác nhận của chủ trọ gửi cho doanh nghiệp lập danh sách, doanh nghiệp lập danh sách gửi Bảo hiểm xã hội xác nhận và sau đó UBND cấp huyện thẩm định và phê duyệt chuyển tiền cho người lao động.

Qua kiểm tra, ông Thanh cho biết, hiện hầu hết các địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai hỗ trợ người lao động. Dự kiến có 3,4 triệu lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà với tổng kinh phí là 6.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai hơi chậm so với mong muốn, đến nay, các địa phương vẫn đang phê duyệt, một số địa phương đã tiến hành chi trả cho người lao động. “Hiện nay, các địa phương đã phê duyệt hỗ trợ cho gần 10.000 lao động với khoảng 33 tỷ đồng. Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, làm sao trong tháng 5, tháng 6 người lao động cơ bản nhận được số tiền này. Thời gian đến ngày 15/8 sẽ kết thúc, hoàn thành được việc này”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, người lao động phải chủ động hơn. Vì người lao động phải chủ động viết đơn, có xác nhận của nhà trọ gửi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có cơ sở lập danh sách. Chính sách này chỉ là biện pháp hỗ trợ trong ngắn hạn. Về lâu dài, chúng ta phải quan tâm chính sách nhà ở cho công nhân. Trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, Chính phủ đã dành khoảng 40.000 tỷ đồng, giao cho Bộ Xây dựng chủ trì để xây dựng nhà ở cho người lao động, giúp người lao động yên tâm làm việc với doanh nghiệp lâu dài hơn, cũng như giúp ổn định thị trường lao động trong thời gian tới.

Theo báo cáo của các sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 3/6, đã có 19 tỉnh, thành phố nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của doanh nghiệp. Theo đó, tổng số hồ sơ tiếp nhận đề nghị từ 2.007 doanh nghiệp với 46.461 lao động, hỗ trợ 33,2 tỷ đồng. Hồ sơ đã thẩm định phê duyệt là 319 doanh nghiệp với 21.361 lao động, số tiền đã quyết định phê duyệt là 25,4 tỷ đồng. Hồ sơ đã giải ngân là 100 doanh nghiệp với 6.297 lao động, số tiền 3,1 tỷ đồng.