Tín hiệu mới
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào sáng 17/2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, trong đó có gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng bằng nguồn tái cấp vốn (NHNN cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho vay ra thị trường).
Theo đó, 55.000 tỷ đồng sẽ dành cho đơn vị xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; 55.000 tỷ đồng còn lại dành cho đối tượng mua nhà. Về hình thức, gói 110.000 tỷ đồng này giống với gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện thành công trong giai đoạn 2013-2016. Bộ Xây dựng kỳ vọng có thể áp dụng lại bài học thành công của gói 30.000 tỷ đồng 10 năm trước vào bối cảnh hiện nay để hỗ trợ thanh khoản và giảm bớt tình trạng lệch pha cung cầu trên thị trường bất động sản hiện nay (thừa bất động sản cao cấp, thiếu nhà ở bình dân).
Liên quan đề xuất này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng nguồn tái cấp vốn hiện đang rất khó khăn. Đồng thời, NHNN cũng công bố về việc đã họp với bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) và thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Tiếp đó, ngày 2/3, Bộ Xây dựng phát đi thông cáo cho biết sẽ tập trung vào gói 120.000 tỷ đồng do NHNN công bố. Trả lời phóng viên, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, sau hội nghị hôm 17/2, Bộ Xây dựng và NHNN đã có buổi làm việc và thống nhất sẽ thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của NHNN do đây là gói có sẵn, có thể thực hiện được ngay.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết Chính phủ để trình Chính phủ phê duyệt trước khi trình Quốc hội.
Mới đây nhất, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2/2023 của Chính phủ vào chiều tối ngày 3/3, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đã thông tin thêm về gói tín dụng này. Theo đó, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Trên cơ sở nội dung của Nghị quyết được ban hành, NHNN sẽ triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Cụ thể, trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, mỗi ngân hàng thương mại nhà nước sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay đối với hai đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. “Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng”, ông Hà nói.
Dự án khu nhà ở xã hội tại huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: BẮC SƠN |
Thị trường đón chính sách
Gói tín dụng ưu đãi trị giá 120.000 tỷ đồng ra đời trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến hàng loạt bất ổn, đặc biệt trong năm 2022.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận được các nguồn vốn (tín dụng, trái phiếu,...); lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, không bán được sản phẩm... Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; tinh giản bộ máy, giảm lực lượng lao động (cá biệt có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động). Khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhà thầu, cung ứng vật liệu và nhiều ngành nghề khác ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Trong khi đó, thị trường chứng kiến giá nhà, đất vẫn tăng chóng mặt, người dân có nhu cầu ở thực tăng cao nhưng khó có cơ hội sở hữu nhà. Nguyên nhân là do hạn mức tín dụng dành cho bất động sản đã cạn, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được thêm trong khi số lượng lớn trái phiếu đáo hạn thì không có tiền trả, thị trường thừa nhà ở trung và cao cấp trong khi nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, hàng loạt vướng mắc pháp lý liên quan dự án bất động sản chưa được tháo gỡ…
Các chuyên gia nhận định, để giải quyết khó khăn vướng mắc hiện nay của thị trường, bên cạnh các giải pháp gỡ vướng pháp lý, khơi thông nguồn vốn thì cần đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở bình dân (nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà cho người có thu nhập thấp…) nhằm giảm bớt sự căng thẳng do lệch pha cung cầu, từ đó làm giảm giá nhà xuống, đưa bất động sản về giá trị thật và tăng cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân.
Trao đổi ý kiến với PV, anh Phan Hùng, công nhân xây dựng ở TP Vinh (Nghệ An) cho biết, năm 2013 anh là một trong số những người được vay gói tín dụng cho người có thu nhập thấp trị giá 30.000 tỷ đồng. Thời điểm đó, hai vợ chồng anh mới kết hôn, quê ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) nhưng đang làm việc tại TP Vinh nên phải thuê trọ 1,7 triệu đồng/tháng, điều kiện sống chật chội ẩm thấp.
“Nhờ được vay 400 triệu đồng với lãi suất 5%/năm từ gói 30.000 tỷ đồng đó mà chúng tôi có nhà và sống ổn định đến nay”, anh Hùng nói và cho biết, với mức lãi suất đó, trung bình mỗi tháng vợ chồng anh chỉ phải trả 0,4% lãi suất, tương đương số tiền thuê nhà hằng tháng.
Khi được hỏi quan điểm về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được đề xuất, anh Hùng nói rằng đã nắm được thông tin và đang giới thiệu để em gái mình tiếp cận. Đồng thời, người dân này bày tỏ mong muốn, gói 120.000 tỷ đồng nên rút kinh nghiệm từ gói 30.000 tỷ đồng trước đây về các thủ tục, điều kiện vay để người dân dễ dàng tiếp cận hơn.
Một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản cũng chia sẻ, trong hoàn cảnh này, gói 120.000 tỷ đồng cần nhanh chóng được giải ngân để “vốn mồi” có thể chảy nhanh vào “điểm trũng” của thị trường hiện nay là phân khúc nhà ở bình dân, từ đó lan tỏa tới các phân khúc khác, ngành nghề khác, đưa thanh khoản trở lại.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP.INVEST đề nghị một số giải pháp để hỗ trợ thêm cho thị trường như: Gia hạn thời gian trả nợ cho trái phiếu doanh nghiệp, NHNN xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp chứ không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả các chủ đầu tư, có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất nhiều hơn nữa…
Trao đổi ý kiến với PV, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nói rằng, với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mà NHNN mới công bố, tinh thần chủ trương là rất tốt. Tuy nhiên với mức lãi suất thị trường hiện nay là hai con số, nhiều doanh nghiệp phải vay với lãi suất đến 15-16%/năm, việc giảm 1,5-2%/năm vẫn khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Bởi vậy, ngoài việc giảm 1,5-2%/năm lãi suất của gói này, NHNN cần có biện pháp điều hành tích cực để nhanh chóng giảm lãi suất cho vay của thị trường xuống thấp hơn.
TS Hiếu cũng kiến nghị, lần này nên rút kinh nghiệm từ gói 30.000 tỷ đồng trước đây về các vấn đề như: rào cản tiếp cận, kiểm soát để chính sách được đến đúng đối tượng, tránh bị lạm dụng…
“Gói 30.000 tỷ đồng trước đây có một trở ngại là yêu cầu người vay phải chứng minh thu nhập bằng sao kê tài khoản ngân hàng khiến một số người có thu nhập không qua tài khoản không chứng minh được. Ngoài ra, một số đối tượng không phải người thu nhập thấp cũng “len lỏi” vào để hưởng chính sách… Lần này phải hạn chế được cái đó”, ông Hiếu nói.
Tại cuộc họp báo Chính phủ tối 3/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, gói 120.000 tỷ đồng này chủ yếu tập trung cho nhà ở xã hội và nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp và khu kinh tế.
Theo ông Sơn, ngoài lãi suất giảm so với lãi suất cho vay khoảng 1,5-2%, khi triển khai các dự án này, Nhà nước cũng miễn tiền sử dụng đất và ưu đãi một số chính sách khác với mục tiêu một triệu căn nhà ở xã hội sẽ được triển khai trong thời gian tới.
“Việc này đã bàn nhiều và Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết liên quan việc tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới”, ông Sơn nhấn mạnh.