Đẩy mạnh xuất nhập khẩu phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm, Việt Nam cần tìm các biện pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu phát triển bền vững, bù đắp một phần cho suy giảm xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu hàng hóa là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong các năm qua và những năm tới. Ảnh: NAM ANH
Xuất khẩu hàng hóa là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong các năm qua và những năm tới. Ảnh: NAM ANH

Nhiều yếu tố bất lợi

Báo cáo mới nhất của tổ chức nghiên cứu thị trường Fitch Solutions cho biết, kết thúc năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã chậm lại và có thể bị kìm hãm trong năm 2023 do nhu cầu toàn cầu yếu, lạm phát gia tăng và tiền tệ bị thắt chặt. Dữ liệu được công bố vào ngày 29/12/2022 cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP thực tế đã giảm xuống đáng kể, từ 13,7% so với cùng kỳ trong quý III/2022 xuống 5,9% trong quý IV/2022. Điều này khiến cho mức tăng trưởng GDP chung cho cả năm 2022 là 8,02%. Đây là con số ấn tượng, nhưng một phần có được là do hiệu ứng cơ sở thấp trong thời kỳ đại dịch.

Với kết quả gần nhất nằm dưới mức tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2014-2019, các chuyên gia dự đoán nền kinh tế sẽ hoạt động ở mức thấp hơn so với tiêu chuẩn trước đại dịch trong các quý tới. Tổ chức nghiên cứu thị trường Fitch Solution dự báo mức tăng trưởng chung cho năm 2023 là 6,5%, cao hơn so với dự đoán của Ngân hàng Phát triển châu Á là 0,2%.

Dữ liệu GDP mới nhất cho thấy, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng mở rộng 4,2% so với cùng kỳ trong quý IV/2022, còn nông nghiệp tăng trưởng ở mức 3,9%. Riêng lĩnh vực dịch vụ hoạt động tốt hơn với mức tăng trưởng 8,1% so với cùng kỳ trong quý IV/2022. Điều này cho thấy những lợi ích sau khi dỡ bỏ các lệnh giãn cách vẫn chưa phát huy hết tác dụng. Các lệnh hạn chế Covid-19 đã được nới lỏng đáng kể vào tháng 5/2022 nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực phải tiếp xúc nhiều mới chỉ đang phục hồi. Điều này thể hiện rất rõ trong ngành du lịch. Tính đến tháng 12/2022, lượng khách quốc tế chỉ đạt mức 42% so với năm 2019.

Sự phục hồi của ngành du lịch có thể tăng tốc trong các quý tới, đặc biệt là khi Trung Quốc loại bỏ chính sách Zero-Covid. Trước đại dịch, lượng du khách Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam. Ngoài ra, GDP của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trở lại từ 3,3% năm 2022 lên 5% cho năm 2023. Và nhu cầu từ Trung Quốc tăng sẽ cung cấp sự hỗ trợ từ bên ngoài cho nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng sự thúc đẩy từ nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sẽ không đủ để bù đắp tác động của nhu cầu toàn cầu tiếp tục suy yếu. Theo tính toán của Fitch Solution, với tác động của các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn trên toàn thế giới, GDP toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,9% trong năm 2023 so với mức ước tính 3,1% vào năm 2022. Tổ chức này cũng cho rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ vào cuối năm 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu của Việt Nam. Vì tỷ trọng của thị trường Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã tăng từ khoảng 20% năm 2018 lên 30% vào năm 2022. Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã giảm trong những tháng gần đây, trong tháng 11/2022 giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện tại, xuất khẩu hàng hóa là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong các năm qua và những năm tới. Nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc lớn vào một số ít nhóm hàng và khu vực FDI. Kim ngạch của chỉ tám nhóm hàng đã chiếm tới 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn nền kinh tế; kim ngạch của hai nhóm hàng thuộc khu vực FDI là điện thoại, linh kiện và điện tử máy tính, linh kiện chiếm tới 30,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh thương mại quốc tế của nước ta dễ bị tổn thương.

Đẩy mạnh xuất nhập khẩu phát triển bền vững ảnh 1

Tích cực hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu. Ảnh: SONG ANH

Phương hướng và giải pháp

Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên: “Để tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Bộ Công thương sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp: chủ động rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, ưu tiên nguồn lực cho phát triển thương mại điện tử, góp phần phát triển chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước; tích cực hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; tháo gỡ rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp”.

Ngoài ra, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm phục hồi, nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, bù đắp cho suy giảm xuất khẩu. Bởi, đầu tư công là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, được giải ngân thêm 1% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,058%.

Sự phục hồi trong nước cũng đang phải đối mặt với khó khăn mới. Mặc dù lạm phát đã ổn định trong phần lớn năm 2022 ở con số 3,15%, dưới mức mực tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, nhưng nó đã tăng lên 4% vào tháng 10 và kể từ đó tăng lên 4,5% so với cùng kỳ vào tháng 12. Giá hàng hóa đã giảm so với mức cao nhất vào tháng 6, nhưng chúng vẫn tăng so với mức lịch sử và các tác động vòng hai có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình và lợi nhuận doanh nghiệp.

Nhờ chính sách điều tiết của Chính phủ liên quan Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, chưa tăng giá các mặt hàng chiến lược (như 3-4 năm nay không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục…) lạm phát năm 2022 được kiềm chế ở mức 3,15%. Tuy nhiên, không thể kiềm giữ mãi giá, không cho các mặt hàng, dịch vụ theo cơ chế thị trường. Do đó, năm 2023 phải điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế sao cho phù hợp, để giá các mặt hàng, dịch vụ này tiệm cận cơ chế thị trường. Tất nhiên nếu những mặt hàng đó được điều chỉnh sẽ tạo áp lực lạm phát rất lớn. Các chuyên gia dự đoán lạm phát sẽ tăng lên mức cao nhất là 5% vào cuối năm 2023 và trung bình là 4,5% trong cả năm 2023.

Trong năm 2022, NHNN cũng đã thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lãi suất tăng nhanh tại Mỹ, tăng lãi suất tái cấp vốn chuẩn thêm 100 điểm cơ bản (bps) vào tháng 9 và sau đó thêm 100 điểm cơ bản nữa vào tháng 10/2022. Sau khi VND giảm hơn 5% từ đỉnh ghi nhận ngày 25/10, từ mức 24.888 đồng/USD xuống còn 23.630 đồng/USD vào ngày 15/12, tỷ giá USD/VND đã tăng trở lại lên 23.880 đồng/USD hôm 20/12 và ở quanh ngưỡng 23.800 đồng/USD trong cả tuần sau đó. Tuy nhiên, với hoạt động hút ròng mạnh liên tục từ ngày 20 đến 30/12, tỷ giá USD/VND đã giảm trở lại về 23.730 đồng/USD.

Tính tới ngày 30/12, so với đầu năm, chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng USD so với rổ sáu đồng tiền chủ chốt trên thế giới) tăng 8,07%. Tuy nhiên, USD chỉ tăng hơn 3,5% so với VND. Dù vậy, trong nửa đầu năm 2023, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất thêm hai lần và đây là áp lực đối với tỷ giá USD/VND. Một số công ty chứng khoán đưa ra dự báo, NHNN có khả năng tăng lãi suất điều hành thêm 100-150 điểm phần trăm cho tới giữa năm 2023. Tác động của các điều kiện tài chính thắt chặt hơn có thể sẽ tiếp tục làm nhu cầu trong nước yếu đi trong những tháng tới.