FDI chững lại
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 7,8 tỷ USD, giảm 19,3% so cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ba tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,32 tỷ USD, giảm 2,2% so cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với quý I/2022.
Như vậy, FDI quý đầu năm nay đã giảm trên cả hai tiêu chí: vốn thực hiện và vốn đăng ký mới. Đi được một phần tư chặng đường nhưng vốn đăng ký vẫn còn quá nhỏ so tổng vốn đăng ký FDI năm 2022 là 27,7 tỷ USD.
Sự sụt giảm của dòng vốn FDI đã đóng góp vào bức tranh kém sáng của kinh tế Việt Nam quý đầu năm với tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32% (thấp gần nhất trong vòng 10 năm trở lại), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (là khu vực thu hút mạnh FDI) mất vai trò dẫn dắt tăng trưởng khi giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tỉnh Bắc Ninh vốn là địa phương dẫn đầu miền bắc về thu hút FDI có tăng trưởng GRDP quý I/2023 thấp nhất cả nước với con số âm 11,85% so quý I/2022.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguyên nhân của sự sụt giảm này là do trong ba tháng đầu năm 2022 có sự gia tăng đột biến về đầu tư FDI, với các dự án FDI quy mô lớn như dự án Lego (Đan Mạch), với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD, chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong quý I/2021.
Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy rõ hơn một thực trạng của dự án FDI ở Việt Nam hiện nay là: sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn. Quý đầu năm nay, số dự án đăng ký cấp mới tăng tới 58,6% nhưng về quy mô nguồn vốn chỉ tăng 0,03% so quý I/2022. Trong đó, 70% các dự án có quy mô dưới 1 triệu USD, chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới. Số vốn đăng ký điều chỉnh chỉ tăng thêm 1,58 tỷ USD, giảm 64% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm sáng duy nhất trong bức tranh FDI quý I/2023 là vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 776 lượt dự án, tương ứng tổng giá trị góp vốn 2,77 tỷ USD, tăng 51,8% so cùng kỳ năm trước; tuy nhiên quá nửa thành tích này là “đột biến” nhờ thương vụ Ngân hàng VPBank bán 15% vốn cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation của Nhật Bản (SMBC), thu về 1,5 tỷ USD.
Các nhà quản lý và chuyên gia nhận định, sự thiếu vắng dự án quy mô lớn khiến vốn FDI vào Việt Nam chững lại rõ rệt trong quý I/2023 là dấu hiệu các tập đoàn lớn trên thế giới đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái, cộng với tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng.
Theo đó, từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn, là các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu hơn 750 triệu euro và có mức lợi nhuận hơn 10% doanh thu.
Nếu áp dụng sắc thuế này, Việt Nam có thể kiểm soát được việc trốn thuế của các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, tránh thất thu thuế; song ngược lại, chúng ta có thể bị giảm tính hấp dẫn, tính cạnh tranh trong thu hút FDI khi mặt bằng thuế đã cao ngang bằng các quốc gia thu hút FDI khác.
Cần chính sách linh hoạt, kịp thời
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đến thời điểm này, động lực tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào khu vực doanh nghiệp FDI. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu vượt mốc 700 tỷ USD, trong đó 74% thuộc về khu vực FDI, cho thấy việc thu hút trở lại nguồn vốn FDI vẫn là nhiệm vụ quan trọng.
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố Báo cáo thường niên FDI năm 2022, đã đưa ra nhận định, khi cuộc đua thu hút FDI ngày một căng thẳng hơn, không chỉ đến từ các đối thủ truyền thống, mà còn cả các “đối thủ nặng ký” mới, Việt Nam buộc phải hành động quyết liệt hơn.
Ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham Hà Nội cho rằng, cần tháo gỡ các vấn đề về lãi suất vay vốn đối với đầu tư cho tăng trưởng xanh, để các nguồn lực tỷ USD từ Mỹ có thể đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistics, kết cấu hạ tầng ở Việt Nam. Theo ông John Rockhold, hiện nay lãi suất lên tới hai con số là “không thuận lợi” cho các nhà đầu tư.
GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết, qua khảo sát, 100% số doanh nghiệp phản hồi cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp, theo kịp biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới.
Cụ thể, cần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công…; song song với các quy định mới về chính sách ưu đãi, thủ tục đầu tư, phương thức tiếp cận nhà đầu tư để thích ứng với yêu cầu của từng đối tác và từng dự án.
“Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan đến cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu - một vấn đề cấp bách hiện nay, để ứng phó có hiệu quả, vừa tăng nguồn thu ngân sách, vừa tạo môi trường pháp lý hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế”, GS Nguyễn Mại nói.
Việc áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% vào năm 2024 đang đặt ra những thách thức cho cuộc cạnh tranh thu hút FDI trên toàn cầu. Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính thể hiện quan điểm về thuế suất tối thiểu toàn cầu, trong đó đánh giá tác động và đưa ra các giải pháp ứng phó.
Trao đổi ý kiến với phóng viên, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam thực hiện nhanh và hiệu quả hơn các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.
Bởi vì, khi công cụ ưu đãi thuế suất không còn là công cụ chủ đạo thì giải pháp thay thế không gì khác ngoài môi trường kinh doanh thuận lợi, dễ dàng, hiệu quả, mà ở đó, các hoạt động đầu tư hiệu quả hơn, chi phí gánh nặng về tuân thủ pháp luật giảm bớt, quy trình thủ tục minh bạch hơn, nhanh hơn.
Nói về cơ hội thu hút trở lại FDI, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, sắp tới Bắc Ninh sẽ có hướng đi mới, lĩnh vực mới để thu hút đầu tư. Tỉnh sẽ báo cáo Chính phủ xin đăng cai tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư toàn quốc trong lĩnh vực bán dẫn để thu hút các nhà đầu tư trên thế giới trong lĩnh vực này. Cùng với đó, tỉnh sẽ khánh thành nhà máy bán dẫn lớn nhất Đông Nam Á.
Ngoài ra, vị lãnh đạo cũng thông tin, Bắc Ninh có định hướng mở rộng thu hút đầu tư sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ văn hóa để có sự tăng trưởng bền vững và toàn diện hơn.