Trong cuộc họp báo tại thành phố Boston, bang Massachusetts (Mỹ) chiều 22/6, Chuẩn đô đốc USCG John Mauger cho biết, cả năm hành khách trên tàu lặn Titan trong chuyến thám hiểm đại dương nhằm thăm xác tàu Titanic đều không còn khả năng sống sót sau sự cố được cho là một “vụ nổ thảm khốc tại buồng áp suất”. Năm nạn nhân bao gồm người sáng lập và Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của OceanGate Expeditions - công ty sở hữu chính con tàu Titan, ông Stockton Rush; tỷ phú người Anh Hamish Harding; thợ lặn nổi tiếng người Pháp Paul-Henri Nargeolet; doanh nhân người Pakistan Shahzada Dawood và cậu con trai 19 tuổi Suleman.
The Independent dẫn lời Chuẩn đô đốc USCG cho biết, phương tiện tự hành dưới nước triển khai từ Canada phát hiện những mảnh vỡ từ tàu lặn Titan cách xác tàu Titanic 488m, ở độ sâu gần 4.000m ở bắc Đại Tây Dương. Quan chức này cũng tiết lộ, năm mảnh vỡ chính của tàu lặn dài 6,7m, trong đó có bộ phận chóp đuôi và hai phần của khoang kháng áp, đã được tìm thấy trong đám mảnh vỡ còn sót lại sau khi tàu bị ép nát. “Những mảnh vỡ cho thấy một vụ ép nát thảm khốc đã xảy ra ở khoang kháng áp của tàu”, ông Mauger khẳng định. Khoang kháng áp là nơi năm nạn nhân trên tàu Titan ngồi.
Hiện, chưa rõ vụ nổ tàu Titan xảy ra khi nào, song một hệ thống phát hiện âm thanh tuyệt mật của Hải quân Mỹ, được thiết kế để phát hiện tàu ngầm đối phương, đã nghe thấy âm thanh mà lực lượng này nghi là tiếng vỡ của tàu Titan. Âm thanh được nghe thấy chỉ vài giờ sau khi tàu Titan khởi hành cuộc thám hiểm vào sáng 18/6.
Tàu lặn Titan được cho là đã mất hoàn toàn liên lạc sau gần hai giờ chở theo người lặn xuống đáy đại dương để tham quan xác tàu Titanic. Để được tận mắt ngắm xác con tàu huyền thoại này, một du khách phải chi 250.000 USD cho OceanGate, theo mức giá công bố năm ngoái. Tuy nhiên, có thời điểm, một vé của chuyến đi này từng được đấu giá đến 28 triệu USD.
Dù thu số tiền lớn như đã nêu nhưng Ocean Gate cho biết, tàu Titan chưa từng được kiểm định bởi các tổ chức uy tín vì các công nghệ trên tàu quá “tân tiến” nên quá trình có thể kéo dài. Từ năm 2018, hàng loạt chuyên gia cảnh báo về độ an toàn của tàu lặn này, bao gồm việc bộ phận tàu cho phép hành khách nhìn ra bên ngoài chỉ đạt tiêu chuẩn hoạt động ở độ sâu 1.300m, trong khi xác tàu Titanic nằm ở độ sâu gần 4.000m so mặt nước biển. Một phóng viên từng tham gia chuyến đi vào năm 2022 kể lại hành khách phải ký vào xác nhận có thể bị chấn thương trong chuyến đi. Trước chuyến đi xấu số vừa qua, OceanGate cũng đã yêu cầu cả năm hành khách của mình ký vào các tờ đơn miễn trừ trách nhiệm, kể cả trường hợp họ tử vong.
Các chuyến đi xuống đáy đại dương luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn. Theo Giáo sư Stefan Williams, Giám đốc sáng kiến khoa học kỹ thuật số của Trường đại học Sydney (Australia), các thiết bị lặn xuống đáy biển ban đầu chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học. Mặc dù đã có những tiến bộ trong hệ thống thông tin liên lạc, công cụ điều hướng, thiết kế kỹ thuật và vật liệu mới, việc hoạt động ở độ sâu hơn 4.000m vẫn là một thách thức. Việc chuyển sang du lịch biển sâu có thể gây ra những rủi ro mới. “Các công ty du lịch sẽ chịu nhiều áp lực thương mại hơn phải gấp rút chuẩn bị lặn, thử nghiệm các thiết kế mới để bảo đảm đáp ứng các thông số kỹ thuật thiết kế và yêu cầu về hiệu suất”, ông Williams cho biết.
Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc tuân thủ luật an toàn quốc tế của các công ty trong lĩnh vực thám hiểm cũng là một vấn đề phức tạp và còn nhiều kẽ hở. Do đó, sau vụ việc đau lòng vừa qua, giới chức thế giới đã đưa ra cảnh báo cho những người ưa phiêu lưu cũng như yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ này cần có những quy trình nghiêm ngặt nhằm bảo đảm an toàn cho các khách hàng.