Có 115 tác phẩm được vinh danh với 10 giải A, 22 giải B, 48 giải C và 35 giải khuyến khích. Trong đó, Báo Nhân Dân đã được trao 1 giải A cho loạt bài “Gây dựng “sếu đầu đàn” cho nền kinh tế” của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà, Bùi Thị Lan (Tô Hà), Phạm Viết Hải, Tấn Nguyên. 2 giải B được trao cho nhóm tác giả thuộc Báo Nhân Dân điện tử và Cơ quan thường trực Báo Nhân Dân tại TP Hồ Chí Minh cho loạt bài “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị” và loạt bài “Cuộc chiến chưa từng có với biến chủng Delta”. Báo Thời Nay (ấn phẩm Báo Nhân Dân) đoạt 2 giải C với tác phẩm “Bào mòn sức lao động” của nhóm tác giả Bùi Trung Chính, Vũ Viết Đoàn, Mai Tâm Hiếu, Tạ Duy Thành và loạt bài “Trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, những dấu hiệu vượt tầm kiểm soát” của nhóm tác giả Đoàn Trung Kiên, Trương Quốc Dũng. Báo Nhân Dân còn có 1 giải khuyến khích cho loạt bài: “Nhập cảnh trái phép: Thẳng tay với “khách không mời” của nhóm tác giả Phạm Song Hà, Lê Ngọc Tú, Nguyễn Thị Anh Đào, Trần Quang Quý, Vi Hùng Tráng.
Trao giải Báo chí Nhân Dân năm 2021
Sáng 20/6, Báo Nhân Dân đã tổ chức lễ mít-tinh kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022) và Lễ trao giải Báo chí Nhân Dân năm 2021. Buổi lễ đã vinh danh 49 tác phẩm đoạt giải, ấn phẩm Thời Nay đoạt 4 Giải A và 1 Giải B. Giải Báo chí Nhân Dân 2021 quy tụ gần 100 tác phẩm, nhóm tác phẩm tham dự từ các đơn vị trong báo, với nhiều thể loại phong phú. Các tác phẩm cho thấy sự bao quát nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa…, trong đó có những đề tài nóng hổi, đậm tính thời cuộc và cả tính thời điểm trong những bối cảnh đặc biệt của đời sống.
“Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”
Sáng 21/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Tham dự, có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành và hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Phong trào nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước cũng như mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo. Mỗi cơ quan báo chí phải là tấm gương đi đầu trong xây dựng văn hóa công sở và văn hóa cơ quan.