1/Song Tân Hóa có cảnh quan tuyệt đẹp, được khai thác làm phim trường cho nhiều bộ phim nổi tiếng. Vì thế, Quảng Bình đang tìm cách biến sự bất lợi do địa hình và thời tiết thành lợi thế để khai thác du lịch sinh thái nơi đây.
Sống trong lũ, người dân đã biết tìm cách thích nghi và vươn lên. Nhà nổi tránh lũ không chỉ là mô hình “sống chung” an toàn mà còn là cứu cánh trong lũ của người dân nơi đây. Chủ tịch xã Tân Hóa Trương Thanh Duẫn chia sẻ: Nhà nổi tránh lũ làm bằng gỗ, lợp tôn khá kiên cố, được gắn trên một giàn gồm nhiều thùng nhựa phi rỗng để nước lũ dâng cao thì ngôi nhà cũng nổi lên theo. Mỗi nhà nổi diện tích 15-20 m2, được chia thành nhiều ngăn để cả gia đình ngủ, nơi đặt bếp, nơi để lương thực. Đến mùa mưa lũ, người dân thu dọn đồ đạc thiết yếu, lương thực, thực phẩm lên nhà nổi. Lũ ập đến, cả gia đình lên nhà phao sinh sống an toàn. Hiện, mô hình nhà nổi này đang được nhân rộng nhiều nơi ở Quảng Bình, từ đó giúp người dân vùng trũng thấp chủ động ứng phó hiệu quả với thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu.
2/Tân Hóa còn nổi tiếng với hệ thống hang động Tú Làn với thạch nhũ đẹp tráng lệ, huyền ảo. Cảnh quan hang động Tân Hóa đã đi vào bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” hay phim “Người bất tử”. Xuyên qua dãy núi đá vôi điệp trùng ở Tân Hóa là hệ thống Hang Tiên thuộc xã Cao Quảng. Hang này được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh khảo sát lần đầu vào năm 1994 và đến nay mới chính thức được đưa vào phục vụ du lịch. Đây thực chất là một hang động khô, chỉ tạo suối vào mùa lũ và thông với hang động Tú Làn. Hang Tiên có tổng chiều dài gần 3 km, gồm hai nhánh là Hang Tiên 1 và Hang Tiên 2. Hang Tiên được cấu tạo khá đặc biệt, tạo thành nhiều đoạn hang với trần hang hình vòm, cao từ 30-100 m, có chỗ trần hang hạ thấp dần theo kiểu mái xiên, trên trần hang có những vân đá nhiều mầu, hình thù độc đáo. Do hang bị ngập nước vào mùa lũ nên nền hang được phủ một lớp cát mịn. Nhờ ánh sáng mặt trời chiếu vào bên trong hang nên thực vật phát triển khá tốt, góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên Hang Tiên đa sắc mầu.
3/Tân Hóa đẹp là vậy nhưng nhiều năm nay, vào mùa mưa lũ, cuộc sống của người dân cũng như các hoạt động du lịch, dịch vụ ở đây bị ảnh hưởng lớn bởi tuyến đường duy nhất nối trung tâm huyện đến xã thường bị chia cắt do nước lũ làm ngập các ngầm, tràn. Phải mất một thời gian, hoạt động giao thương mới được nối lại.
Tìm một tuyến đường mới để nối thông suốt bốn mùa với Tân Hóa là ý tưởng được lãnh đạo huyện Minh Hóa đặt ra nhiều năm nhưng chưa làm được do địa hình phức tạp và thiếu nguồn lực. Và rồi, con đường mơ ước đó của người dân Tân Hóa đã được hiện thực từ một dự án của Sở Giao thông vận tải Quảng Bình.
Bây giờ, khách du lịch không còn phụ thuộc vào tuyến đường độc đạo từ thị trấn Quy Đạt đến Tân Hóa mà đã có tuyến đường tỉnh 559B nối từ Quốc lộ 12A xuyên qua Cao Quảng đến trung tâm xã. Từ thành phố Đồng Hới, khách cũng không còn phải đi vòng để đến Tân Hóa như trước mà chỉ cần theo Quốc lộ 1A ra bắc, rồi từ thị xã Ba Đồn ngược dòng sông Nan là đến với hệ thống hang động Tú Làn, Hang Tiên. Trên cung đường mới xuyên rừng mềm mại ấy, nhiều cảnh quan, hang động tuyệt đẹp được “đánh thức”. Chủ tịch xã Tân Hóa Trương Thanh Duẫn cho biết, thôn 4 và thôn 5 của xã trước đây cuộc sống khó khăn do đường sá đi lại khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ. Từ khi đường tỉnh 559B hoàn thành, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, phương tiện cơ giới về tận địa phương để vận chuyển vật liệu, nông sản nhanh chóng và thuận lợi hơn trước.
Phía hạ nguồn sông Nan, công trình thủy lợi Rào Nam được xây dựng để cung cấp nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất cho vùng nam thị xã Ba Đồn. Hạng mục chính trên công trình thủy lợi này được chủ đầu tư tổ chức thi bản vẽ thiết kế, cùng với một lượng nước khá lớn, trong xanh được ngăn lại phía trên đập đã tạo ra cảnh quan rất đẹp, thành điểm check-in cho nhiều người. Dòng Rào Nan từ đó tạo thành một vùng tiểu khí hậu mát lành, điểm tô thêm cho vẻ đẹp huyền bí giữa rừng nguyên sinh Cao Quảng-Tân Hóa.
Đại diện lãnh đạo huyện Minh Hóa chia sẻ, cảnh quan ở Tân Hóa rất đẹp, ít nơi có được, trong khi đời sống người dân còn khó khăn. Việc hình thành tuyến đường nối xuyên hai xã Tân Hóa và Cao Quảng không chỉ khai thác tiềm năng du lịch nơi đây mà còn giúp cho người dân mở ra cơ hội phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, vươn tới ấm no.