Bài viết tham dự cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022-2025

“Đánh thức” hạt giống ngủ đông

Về thăm cánh đồng “thẳng cánh cò bay” của Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Nam Đại Dương (xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) mới thấy người nông dân ở đây đã nhàn hơn xưa rất nhiều. Họ không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, khí hậu hay phải trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm và cũng không phải cày bừa nhiều công nhiều sức.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Trường (áo đen) giới thiệu cánh đồng lúa của HTX Thanh niên Nam Đại Dương.
Anh Trường (áo đen) giới thiệu cánh đồng lúa của HTX Thanh niên Nam Đại Dương.

Khởi nghiệp từ cây lúa

Chàng giám đốc trẻ Lương Văn Trường sinh năm 1990 trở về từ Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VII tại Hà Nội hào hứng khoe rằng: HTX được thành lập năm 2021 và đến nay đã mở rộng diện tích lên đến 40 ha trải trên các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc, Vụ Bản và Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định, doanh thu đạt 3 tỷ đồng một năm và giải quyết việc làm cho 50-70 lao động. HTX đang thực hiện chuỗi liên kết bốn nhà giữa nhà nông-nhà nước-nhà khoa học và nhà doanh nghiệp, chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Được biết đến là HTX áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng đầu của tỉnh, anh Trường cho biết đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến, mở rộng sản xuất, phấn đấu đưa công nghệ hạt giống nảy mầm siêu tốc và gạo mầm tươi thành sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh và của toàn quốc; đồng thời giới thiệu ra thế giới gạo mầm tươi và công nghệ hạt giống nảy mầm siêu tốc, góp phần khẳng định giá trị nông sản và công nghệ nông nghiệp của Việt Nam trên thế giới.

Để có được trái ngọt như hôm nay, bản thân Trường đã trải qua không ít long đong, lật đật và cả những thất bại nặng nề. Sinh ra tại vùng quê chiêm trũng, kinh tế gia đình chỉ trông vào cây lúa, Trường rất nghẹn lòng khi thấy cảnh người nông dân mất mùa hoặc được mùa thì mất giá.

Lớn lên, Trường theo học ngành Công nghệ sau thu hoạch tại Trường đại học Đà Lạt và tốt nghiệp năm 2011. Với sức trẻ và kiến thức, Trường xung phong tham gia dự án quốc gia 600 Phó Chủ tịch UBND xã trẻ về các xã nghèo. Anh trở thành Phó Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai nay là xã Lùng Thẩn). Từ năm 2012-2016, anh nhận nhiệm vụ phụ trách nông lâm nghiệp của xã Lử Thẩn.

Với kiến thức về nông nghiệp, Trường đã triển khai nhiều mô hình như du lịch tham quan hoa tam giác mạch kết hợp du lịch bản địa, tạo doanh thu cho xã hơn 500 triệu đồng; mô hình biogas túi ủ biến chất thải chăn nuôi thành khí gas sinh học và cải thiện vệ sinh môi trường cho 20 hộ gia đình; mô hình phát triển trồng cây mận Tả Van bản địa tại xã, quy mô 10 ha… Sau khi kết thúc dự án, Trường trở về Nam Định và quyết tâm khởi nghiệp từ cây lúa.

“Đánh thức” hạt giống ngủ đông ảnh 1

Anh Trường giới thiệu sản phẩm gạo mầm tươi tại hội chợ nông nghiệp.

Cho hạt nảy mầm “ngủ đông”, khi nào cần mới “đánh thức”

Tuy nhiên trồng lúa không dễ như Trường nghĩ. Có lúc do mưa triền miên, lúa bị ngập úng và mất trắng năm vụ mùa năm 2018, gieo giống xong lại mưa, nên giống chết; ngâm hạt giống để gieo tiếp thì nước chưa rút, giống lại thối. “Tôi mất trắng 4-5 tấn giống, bao nhiêu vốn liếng tích lũy mấy năm mất hết sau vài ngày”, anh Trường nhớ lại.

Nhận thấy việc ủ hạt giống phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết, Trường đã tìm cách kéo dài thời gian bảo quản hạt giống để khi thời tiết thuận lợi, người nông dân chủ động xuống giống.

Trường cho biết, năm 2018, tôi gieo trồng diện tích rất lớn nhưng do mưa nhiều trong 25 ngày liên tục, hạt giống ngâm ủ xong, không gieo được và bị hỏng thối. Nhiều lần như thế Trường mới phát hiện ra rằng, cứ có những hạt giống tồn tại trong điều kiện nhất định, 1-2 tháng sau tự nó vẫn có thể nảy mầm được. Hạt giống nảy mầm được đưa về dạng khô có thể chịu được va đập, vận chuyển. Người nông dân không lo hạt bị gãy hoặc bị thối như cách ngâm hạt truyền thống. Và khi cần mang hạt giống đi gieo, chỉ cần 30 phút đánh thức, hạt giống sẽ nảy mầm trở lại.

“Sau hơn hai năm thất bại rất nhiều lần, hạt giống hỏng mang ra cho gà, cho vịt ăn. Chúng tôi cho hạt giống nảy mầm vào trạng thái ngủ đông bằng cách đình chỉ các enzyme và được duy trì đến khi người nông dân cần gieo trồng. Không mất thời gian ngâm ủ, gặp thời tiết nắng mưa lâu ngày cũng không lo. Một giải pháp xuất phát từ tự nhiên, dựa vào tự nhiên phát triển nó và đạt được mục đích của mình. Thông thường, người nông dân phải mất từ 3-5 ngày từ hạt giống khô, ngâm, ủ đến khi đủ điều kiện gieo trồng, trong khi hạt giống của tôi chỉ cần 30 bước đơn giản là đủ điều kiện gieo trồng”, anh Trường cho biết.

Hạt giống ngủ đông của Trường nhanh chóng được mang đi gieo sạ rộng rãi trong tỉnh Nam Định, sau đó Trường mang đi các tỉnh khác như Thái Bình, Bạc Liêu để đánh giá sự thích nghi với chất đất, khí hậu các vùng miền. Kết quả, hạt giống gieo ở bất cứ đâu cũng nảy nở rất khỏe, tỷ lệ chết rất thấp. Đặc biệt, Trường cho biết hiện nay trên thị trường Việt Nam và thế giới chưa có sản phẩm hạt giống nảy mầm sẵn tương tự.

Theo anh Trường, chi phí sản xuất công nghiệp theo quy trình này chỉ khoảng 2.000 đồng/kg. Còn nông dân ủ hạt mầm tươi thì chi phí cho 1 kg mất ít nhất 10 nghìn đồng vì bao gồm cả công, vật tư, nước, điện. Theo tính toán của anh Trường, Việt Nam đang trồng khoảng 7 triệu ha lúa, cần khoảng 700 nghìn tấn giống mỗi năm. Nếu thực hiện theo quy trình hạt giống nảy mầm sẵn sẽ tiết kiệm khoảng hơn 3.000 tỷ đồng và hàng triệu công lao động mỗi vụ.

“Ông vua” công nghệ cho nông nghiệp

Không dừng lại ở công nghệ ủ mầm siêu tốc, Trường hiện thực ý tưởng sản xuất gạo mầm tươi với giá trị dinh dưỡng rất cao, giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, gạo mầm của Trường là hạt tươi không phải “hạt chết” nên giữ nguyên được hàm lượng dinh dưỡng, đặc biệt là chất Gaba và inositol rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường và thừa cân.

Với khát vọng của một kỹ sư nông nghiệp, Lương Văn Trường đã đưa ra các ý tưởng và thực hiện trong quá trình sản xuất như: Quy trình trồng lúa không cày bừa cho vụ hè thu; Kỹ thuật ngâm ủ hạt giống quy mô lớn tiết kiệm nước; Ứng dụng tinh dầu sả Java trong phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa; Máy chăm sóc lúa đa năng 3 trong 1 tiết kiệm nước; Thiết bị hỗ trợ phun thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm nước tích hợp vào bình phun vác vai có sẵn...

Đặc biệt, công nghệ trồng lúa không cày bừa bằng cách tưới chế phẩm vi sinh phân hủy rơm rạ, nước sẽ hòa tan rồi dẫn đi khắp mặt đất giúp tiết kiệm nửa công làm đất, giảm thời gian, giảm 10-15% phân bón và loại trừ được cây lúa ma. Công nghệ này hiện cũng đang được anh Trường triển khai trên một số cánh đồng trong tỉnh Nam Định. Hai công nghệ nữa mà Trường đang nghiên cứu là đạm thủy phân từ ốc bươu vàng và vả diệt ốc hữu cơ cũng hứa hẹn rất nhiều ưu điểm vượt trội trong tương lai.

Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nghĩa Trung anh Nguyễn Văn Đông nhận xét: Anh Trường là tấm gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh Nam Định, sáng kiến hạt nảy mầm ngủ đông của anh Trường hiện được áp dụng rộng rãi và có nhiều kết quả tích cực. Năm 2021, anh Trường vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng cho các nhà nông trẻ xuất sắc.

Với quy trình sản xuất hạt giống lúa đã nảy mầm sẵn và đưa vào trạng thái ngủ đông, kỹ sư Lương Văn Trường, giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Nam Đại Dương (xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận quyền tác giả số 10205/2020/QTG và đã nộp đơn đăng ký sáng chế tháng 2/2021.