Dành một giờ ý nghĩa cho Trái đất

Nhằm góp phần thiết thực trong việc nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, sự kiện tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 sẽ diễn ra từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút (thứ bảy ngày 23/3) trên khắp cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các hoạt động bên lề sẽ được tổ chức nhằm hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.
Các hoạt động bên lề sẽ được tổ chức nhằm hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.

Theo Bộ Công thương, các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất cần lồng ghép với chương trình tiết kiệm điện của địa phương theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo Chỉ thị số 20. Bộ đã xây dựng bộ nhận diện truyền thông chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 với thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen” gồm các thiết kế như poster, khung ảnh, vòng tay, áo, mũ và túi để tuyên truyền đến người dân.

Cùng hành động vì mục tiêu chung, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương kêu gọi công chúng cùng “Giảm dấu chân carbon - Hướng tới Net Zero” trong sự kiện Giờ Trái đất 2024. Bên cạnh các hoạt động trực tuyến trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội, nhiều sự kiện và hoạt động thể thao khác cũng được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi cộng đồng cùng hành động vì mục tiêu chung của Việt Nam.

Theo đại diện WWF, giảm dấu chân carbon đồng nghĩa với giảm phát thải, là một trong những yếu tố tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở việc tắt đèn một giờ mỗi năm mà là cơ hội để tất cả cùng nhau hành động, cùng nhau bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sống. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng các giải pháp tối ưu hóa hoạt động, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Với mỗi cá nhân, tổ chức có thể thực hiện từ những hành động nhỏ như đạp xe, lựa chọn mua các sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường, trồng thêm cây xanh, tham dự sự kiện Giờ Trái đất tại địa phương hay chỉ đơn giản là tắt các thiết bị điện không cần thiết trong vòng một giờ.

Nhân sự kiện này, WWF Việt Nam cũng đã giới thiệu nền tảng Ngân hàng thời gian (Hour Bank) với kỳ vọng có thể nhận ít nhất 10 nghìn giờ ủng hộ Trái đất từ người dân Việt Nam. Nền tảng cho phép người dùng khám phá hoạt động phù hợp với bản thân trên 6 lĩnh vực gồm: Thực phẩm; Thể thao và sức khỏe; Giải trí; Nghệ thuật và sáng tạo; Bền vững; Thiên nhiên. Bằng cách truy cập vào trang https://vietnam.panda.org của WWF Việt Nam, với mỗi lượt truy cập và đăng ký/hoàn thành một hoạt động có trong Hour Bank, hệ thống sẽ ghi nhận thời gian mỗi người đóng góp cho Trái đất. Tổng số thời gian mỗi quốc gia đăng ký trong Hour Bank và bảng xếp hạng toàn cầu sẽ được công bố trên trang web Giờ Trái đất quốc tế sau chiến dịch.

Việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của Việt Nam. Tiếp theo cam kết Net Zero tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam khẳng định “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện” tại COP28 thông qua việc xây dựng và thực hiện các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo, nghiêm túc theo đuổi cam kết quốc gia tự quyết định, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nhiều hoạt động khác nhằm giảm phát thải carbon.