Đồng bào Sán Chay. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)
Đồng bào Sán Chay. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)

Dân tộc Sán Chay

NDO - Cư trú rải rác, xen lẫn các dân tộc ít người khác, song dân tộc Sán Chay vẫn hình thành cho mình một bản sắc văn hóa riêng. Họ có nhiều làn điệu dân ca và nhạc cụ đặc sắc.

1. Nguồn gốc lịch sử:

Người Sán Chay từ Trung Quốc đến Việt Nam vào quãng cuối đời Minh, đầu đời Thanh, cách ngày nay 300-500 năm.

2. Phân bố địa lý:

Người Sán Chay cư trú rải rác, xen lẫn với các dân tộc ít người khác, tại một số địa phương thuộc các tỉnh nằm ở phần đông nam vùng Đông Bắc Việt Nam, như: Tuyên Quang (ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên), Thái Nguyên (Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ...), Bắc Giang (Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế), Quảng Ninh (Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Hoành Bồ), Cao Bằng (Bảo Lâm, Bảo Lạc), Lạng Sơn (Lộc Bình, Hữu Lũng), Phú Thọ (Đoan Hùng), Vĩnh Phúc (Sông Lô).

Dân tộc Sán Chay ảnh 1
Lễ Cầu mùa của người Sán Chay. (Ảnh: Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam)

3. Dân số, ngôn ngữ:

- Dân số: Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019, tổng dân số người Sán Chay: 201.398 người; dân số nam: 102.750 người; dân số nữ: 98.648 người; quy mô hộ: 3.9 người/hộ; tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 94.7%.

- Ngôn ngữ: Người Sán Chay hình thành hainhóm địa phương gồm: Cao Lan và Sán Chỉ. Tiếng Cao Lan thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái (ngữ hệ Thái-Kađai) còn tiếng Sán Chỉ thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán Tạng).

4. Đặc điểm chính:

- Tôn giáo, tín ngưỡng: Trong nhà người Sán Chay có rất nhiều bàn thờ. Ngoài thờ cúng tổ tiên, họ còn thờ trời đất, thổ công, bà mụ, thần nông, thần chăn nuôi... Bàn thờ của người Sán Chay khá đơn sơ, nhiều khi chỉ là một ống tre để cắm hương. Nhưng hằng năm, đến trước tết Nguyên đán, các bàn thờ được quét dọn và dán lên một mảnh giấy đỏ.

- Nhà ở: Nhà ở truyền thống của người Sán Chay thường là nhà sàn và nhà nửa sàn nửa đất (loại nhà này hiện còn rất ít). Mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà sàn được chia thành nhiều khu vực khác nhau. Nửa nhà phía trước, từ trái sang phải, đầu tiên là buồng con gái có cầu thang đi xuống gầm sàn, phần giữa đặt bếp đun và nơi người già ngủ vào mùa rét, cuối cùng bên phải là buồng con dâu. Nửa nhà phía sau, bên trái nơi cao hơn mặt sàn chung khoảng 30cm đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp đến là nơi ngủ của người già khi mùa nóng và nơi tiếp khách nam; ở bên phải, nơi thấp hơn là chỗ tiếp khách, ăn uống và ngủ đêm của các thành viên nam nhỏ tuổi trong nhà. Dưới gầm sàn là nơi đặt cối giã gạo và trước đây là nơi nhốt gia súc, gia cầm.

Dân tộc Sán Chay ảnh 2

Các cô gái Sán Chay chơi bóng đá. (Ảnh: Thành Đạt)

- Trang phục: Phụ nữ mặc váy chàm và áo dài có trang trí hoa văn ở nách áo và lưng áo. Thường ngày, họ chỉ dùng một thắt lưng chàm nhưng trong những ngày hội hè, tế lễ, phụ nữ sẽ mặc những bộ đồ chàm nhưng đã được trang trí đẹp hơn, phía trước ngực có những mảng vải màu trắng xen lẫn những mảng vải màu chàm, phía sau có thêu hoa văn màu đỏ và trắng, thắt lưng hai màu đỏ và xanh lơ. Trên đầu đội khăn vuông màu chàm đen. Nam giới mặc áo chàm dài hoặc ngắn, quần màu nâu hoặc trắng.

- Ẩm thực: Nguồn thức ăn của đồng bào chủ yếu là gạo nếp và gạo tẻ; bên cạnh đó là ngô, khoai, sắn. Những nguồn lương thực này được chế biến bằng nhiều cách, như: nấu, nướng, đồ, xay bột làm bánh và làm bún… Ðàn ông thường hút thuốc lào. Phụ nữ ăn trầu.

Dân tộc Sán Chay ảnh 3
Cô dâu Sán Chay mời trầu họ nhà trai trong ngày cưới. (Ảnh: Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam)

- Nghệ thuật: Nổi bật là làn điệu dân ca trữ tình - sình ca, lối hát giao duyên nam nữ gồm 2 loại: hát ở bản về ban đêm và hát trên đường đi hoặc ở chợ. Các điệu múa của người Sán Chay cũng rất phong phú: múa trống, múa xúc tép, múa chim, múa đâm cá, múa thắp đèn… Nhạc cụ gồm: thanh la, não bạt, trống, chuông, kèn… Độc đáo nhất là trống tang bằng sành và khèn ống nứa.

- Giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 89,7%; tỷ lệ đi học chung của trẻ em ở cấp tiểu học: 101,1%; ở cấp trung học cơ sở là 96,6%; ở cấp trung học phổ thông: 70,5%. Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, viết chữ dân tộc mình là 7,1%. Đặc biệt, 99,68% trẻ em dân tộc Sán Chay trên 5 tuổi được đi học.

5. Điều kiện kinh tế:

Trồng trọt cây lương thực trên đất dốc là hoạt động kinh tế chủ đạo của người Sán Chay. Ruộng của người Sán Chay ở nhiều nơi đã được canh tác hai vụ chiêm và mùa. Vụ chiêm từ khoảng cuối tháng Giêng đến tháng năm và tháng sáu. Ở vụ mùa, người Sán Chay chủ yếu trồng giống lúa Bao thai hồng (Bao thai lùn). Hiện nay, canh tác vườn đồi đang là xu hướng phát triển phổ biến. Loại cây được trồng chủ yếu là vải, nhãn, hồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người Sán Chay ở nhiều nơi, nhất là ở tỉnh Bắc Giang.

Dân tộc Sán Chay ảnh 4
Nghệ nhân Trạc Thị Ngọn (ngồi giữa) hướng dẫn các phụ nữ Sán Chay cách dệt thổ cẩm. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)

Cơ cấu vật nuôi vẫn là chăn nuôi trâu, bò để cày kéo, chăn nuôi gà, vịt, ngan, gia cầm khác để đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong sinh hoạt gia đình, cũng như đáp ứng nhu cầu lễ vật trong các nghi lễ truyền thống. Người Sán Chay đánh bắt cá, tôm bằng chài lưới và vó vừa không hủy hoại môi sinh, vừa giữ gìn được nguồn giống thủy sản, bảo đảm khai thác lâu dài.

Nuôi ong mật là hoạt động kinh tế hoàn toàn mới đối với người Sán Chay. Đến nay, có khá nhiều gia đình phát triển nghề nuôi ong thành một trong những hoạt động kinh tế chính, có thu nhập cao và ổn định.

Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: Dân tộc Sán Chay có: Tỷ lệ thất nghiệp 1.93%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 8.3%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 26.5%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 2.1%; Tỷ lệ hộ nghèo: 18.7%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 14.7%; Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh: 89.1%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới để thắp sáng: 98.9%.

● Français: L'ethnie Sán Chay

● English: San Chay ethnic group