Đồng bào Mạ (Lâm Đồng) bên căn nhà Dài truyền thống (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Đồng bào Mạ (Lâm Đồng) bên căn nhà Dài truyền thống (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Dân tộc Mạ

NDO - Người Mạ là cư dân sinh sống lâu đời ở Tây Nguyên. Đồng bào Mạ sinh sống chủ yếu nhờ làm nương rẫy, nên còn giữ được nhiều phong tục tập quán tín ngưỡng văn hóa mang đậm dấu ấn của dân tộc mình.

1. Nguồn gốc lịch sử:

Người Mạ là một dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở phía nam Tây Nguyên.

Về tên tự gọi, người Mạ có cách phân biệt theo địa vực cư trú như Mạ Blao, Mạ Đạ Đơng, Mạ Đạ Huoai... và theo các nhóm địa phương, bao gồm Mạ Ngăn, Mạ Xốp, Mạ Tô và Mạ Krung.

2. Dân số:

Theo số liệu Điều tra 53 Dân tộc thiểu số 01/04/2019: dân tộc Mạ hiện có 50.322 người, trong đó dân số nam là 24.401 người và nữ là 25.921 người. Quy mô hộ: 4,7 người/hộ.

3.Phân bố địa lý:

Địa bàn cư trú chủ yếu của người Mạ từ vùng giáp ranh khu vực cao nguyên Đà Lạt trên địa bàn các huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đức Trọng và Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, 1 phần ở vùng đệm rừng quốc gia Cát Tiên về phía tây nam, tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Dân tộc Mạ ảnh 1

Đồng bào Mạ (Lâm Đồng) bên căn nhà Dài truyền thống (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

4. Ngôn ngữ:

Người Mạ thuộc thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ-me, gần cận với ngôn ngữ của các dân tộc Mnông, Chơro, Xtiêng và đặc biệt là người Cơ-ho. Người Mạ không có chữ viết riêng. Sau năm 1975, con em dân tộc Mạ được đến trường đi học tiếng phổ thông.

Giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019: Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 70,8%; Tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học là 100,1%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở là 77,6%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông: 33,3%; Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường: 24,4%. 20,1% dân tộc Mạ từ 15 tuổi trở lên biết đọc, viết chữ của dân tộc Mạ.

Dân tộc Mạ ảnh 2
Nhà Dài cổ xưa còn lại duy nhất của người Mạ ở Lâm Đồng. (Ảnh: MAI VĂN BẢO)

5. Đặc điểm chính:

Nhà ở: Trước đây, người Mạ ở nhà dài, có khoảng 20 - 30 hộ sinh sống. Mỗi nếp nhà dài có thể là đại diện của một dòng họ. Mỗi khi có một gia đình mới được thiết lập, họ làm thêm một gian nhà nữa về hai bên của gian nhà chính, giữa các gian nhà không có vách ngăn.

Lịch: Người Mạ theo âm lịch.

Tín ngưỡng: Trong truyền thống, người Mạ theo tín ngưỡng đa thần giáo. Thần (Yàng) là các thế lực siêu nhiên chi phối đời sống con người. Có nhiều loại thần như Thần núi (Yang bơ nơm), Thần nhà (Yang hiu), Thần lúa (Yang koi), Thần sông (Yang đạ)... Họ thường giết súc vật tế thần vào những dịp được mùa, sinh đẻ, bệnh tật, chết chóc. Lễ hiến sinh lớn nhất là lễ đâm trâu, thường được thực hiện lúc kết thúc mùa rẫy, cảm tạ thần đã ban cho một vụ mùa bội thu và cầu mong cho mùa vụ năm sau được tốt tươi.

Trang phục truyền thống: Nam đóng khố, nữ mặc áo dài sát thân.

Khố của nam giới có loại dài: loại ngắn, có loại đơn giản chỉ một màu chàm sẫm và hai đường hoa văn đơn sơ dọc theo rìa mép. Nam nữ đều có áo chui đầu, áo nam thường rộng hơn một chút, hở tà, vạt sau dài hơn vạt trươc và dài che kín mông. Người Mạ có tập quán cà răng, căng tai, phụ nữ thích đeo chuỗi hạt cườm nhiều màu sắc. Hiện nay tục cà răng, căng tai không còn nữa.

Nhạc cụ truyền thống. Nhạc cụ truyền thống của người Mạ là bộ chiêng đồng 6 chiếc không núm. Khi hoà tấu có trống bịt da trâu đánh giáo đầu, giữ nhịp và đổ hồi trước khi kết thúc. Bên cạnh cồng chiêng thì chỉ còn đàn tre, kèn bầu và đàn môi, đàn đá.

Người Mạ còn lưu giữ truyền thuyết, truyện cổ tích, các bài hát dân ca Mạ (yal yau), chuyện kể, văn hóa cồng chiêng, đàn đá B’Đạ, sử thi Mạ, dân ca, dân vũ với các làn diệu: K’Dùng -K’Làng, Sềm N’Drao… Hiện chỉ còn khoảng 4,4% người Mạ biết hát bài hát truyền thống và 1,2% biết chơi nhạc cụ truyền thống.

Dân tộc Mạ ảnh 3
Lễ chạm trán cho cô dâu, chú rể được xem là quan trọng nhất trong lễ cưới của người Mạ. (Ảnh: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật)

Quan hệ xã hội: Làng là đơn vị tổ chức xã hội cao nhất của người Mạ do chủ làng đứng đầu (quăng bon). Chủ làng có nhiệm vụ cúng tế trong các nghi lễ mang tính chất cộng đồng. Người Mạ tồn tại hai hình thức gia đình: gia đình lớn phụ quyền và gia đình nhỏ phụ quyền. Người chủ gia đình lớn là người cao tuổi nhất của thế hệ cao nhất trong gia tộc, có nhiệm vụ điều hành mọi công việc trong gia đình và trông coi các đồ dùng quý hiếm như chiêng, ché.

Cưới xin: Theo quy ước của người Mạ, họ hàng vẫn có thể được cưới nhau nhưng ít nhất phải 3 đời). Trai gái Mạ có quyền bình đẳng, tự tìm hiểu. Chế độ cư trú sau hôn nhân của người Mạ thiên về cư trú bên chồng. Tuy vậy, sau lễ cưới, người chồng phải sang nhà vợ ở một vài năm, nếu nhà nghèo thì có thể ở lâu hơn. Nếu nộp đầy đủ sính lễ cho nhà gái thì chỉ cần ở lại nhà gái 8 ngày.

Dân tộc Mạ ảnh 4
(Ảnh: THÀNH ĐẠT)

6. Điều kiện kinh tế:

Trước đây, nương rẫy đóng vai trò chủ yếu trong đời sống của người Mạ. Ngày nay, sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu là các loại hình trồng trọt của người Mạ có sự biến đổi sâu sắc hầu khắp mọi mặt như giống cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ và thị trường hóa sản phẩm trồng trọt. Ngày nay, người Mạ không còn săn bắt tự nhiên mà phát triển nuôi cá, gia súc, gia cầm thương phẩm. Người Mạ nổi tiếng về nghề trồng bông dệt vải.

Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019: Tỷ lệ hộ nghèo: 14,1%, Tỷ lệ hộ cận nghèo: 7,7%; Tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng người Mạ: 0,48%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 3,7%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 8,8%; Tỷ lệ hộ làm nghề thủ công truyền thống: 1,02%.

● Français: L’ethnie Mạ

● English: Ma ethnic group