Phụ nữ dân tộc La Hủ. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)
Phụ nữ dân tộc La Hủ. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

Dân tộc La Hủ

NDO - Người La Hủ vốn là một nhánh của siêu tộc Địch - Khương mà sử sách Trung Quốc gọi là Tây Nhung, gồm các nhóm La Hủ Đen, La Hủ Vàng và La Hủ Trắng.

1. Nguồn gốc lịch sử: Người La Hủ vốn là một nhánh của siêu tộc Địch – Khương mà sử sách Trung Quốc gọi là Tây Nhung với địa bàn phát tích thuộc miền đất nằm giữa các tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xuyên của Trung Quốc ngày nay. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu, những người La Hủ đầu tiên đến cư trú mới cách đây khoảng 10 đời.

Các nhóm La Hủ gồm: La Hủ Đen, La Hủ Vàng và La Hủ Trắng.

Về tộc danh: Tên gọi La Hủ có từ đời Thanh. Theo Danh mục thành phần các dân tộc ở Việt Nam được công bố năm 1979, quy định tên gọi là La Hủ.

Dân tộc La Hủ ảnh 1
Trang phục của người La Hủ rất rực rỡ.(Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

2. Dân số: Theo Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 của Ủy ban Dân tộc Việt Nam – Tổng cục Thống kê, dân số người La Hủ tính đến thời điểm 1/4/2019 là 12.113 người, trong đó nam là 6.122 người, nữ là 5.991 người.

3. Ngôn ngữ: thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến (ngữ hệ Hán - Tạng),

4. Phân bố địa lý: cư trú chủ yếu ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

5. Đặc điểm chính:

- Nhà ở: Trước đây họ thường làm nhà, lều rải rác ở ngay trên nương, trên núi cao thuộc hai xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ huyện Mường Tè (Lai Châu). Nhà lợp lá, lá vàng lại chuyển đi nơi khác nên người La Hủ mới có tên Xá Lá Vàng. Hiện nay, họ phổ biến ở nhà trệt hoặc trình tường bằng đất hoặc ván. Bếp, nhà thờ và giường ngủ của gia đình bao giờ cũng ở chung một gian.

- Cấu trúc gia đình: Phụ hệ.

Dân tộc La Hủ ảnh 2
Bà lão người La Hủ. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

- Trang phục truyền thống: Phụ nữ đội khăn đội đầu với những chi tiết rất sặc sỡ và rực rỡ nhất bằng cách sử dụng thêm vòng chụp đầu, mũ, dây cuốn tóc, vòng dây trang điểm, dây len và dây tua len đội đầu. Phụ nữ mặc áo dài tay, cổ tròn thêu hoa văn, thân áo, nách và tay áo đều thêu hoa văn hoặc nẹp vải. Trước đây, người La Hủ tự nhuộm vải để làm tay áo. Quần của phụ nữ La Hủ được làm bằng vải tự dệt nhuộm chàm đen. Quần may kiểu chân què, nối đũng, góc đũng rộng hơn 90 độ, chiều dài thân quần và chiều rộng cạp quần tùy dáng người mặc.

Dân tộc La Hủ ảnh 3
Trang phục của nam giới La Hủ. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

Trang phục nam giới người La Hủ đơn giản hơn, gồm có khăn, áo và quần đều nhuộm chàm.

- Ẩm thực: Người La Hủ ăn cơm tẻ là chính, các loại rau củ quả, măng, nhất là các loại củ cho chất bột như củ báng, củ đao, củ nâu, các loại củ mài, các loại thịt.

Người La Hủ có cách bảo quản thực phẩm như sấy khô; làm măng chua; phơi khô (măng, nấm, mộc nhĩ).

Người La Hủ có thói quen uống rượu trong ngày thường, đặc biệt trong các dịp lễ, tết, hội hè, đám cưới, mừng nhà mới. Tục hút thuốc rất phổ biến ở cả nam và nữ.

Dân tộc La Hủ ảnh 4

- Lễ tết: Tết truyền thống của dân tộc La Hủ (Nhi chê chê) diễn ra từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 tháng Mười Một. Ăn tết xong 13 ngày đến ngày “Nhi chê khó” (ngày rằm), tết của con trai, họ nấu bánh chưng, bánh giày. Theo quan niệm của người La Hủ, sau ngày Nhi chê khó không được giã bánh giày.

Người La Hủ ở một số nơi ăn tết vào một ngày tốt trong tháng 12 hoặc ngày cuối cùng của tháng 12, ngoài ra còn ăn tết các tháng 3, tháng 6, tết dân tộc.

Tết cơm mới diễn ra từ tháng Chín đến tháng Mười, sau khi thu hoạch xong mùa màng.

- Tín ngưỡng: Người La Hủ thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã mất vào các dịp lễ, tết. Họ quan niệm tổ tiên là bố mẹ, ông bà đã mất chỉ thờ tổ tiên một đời, tức là bố mẹ của gia chủ và đó cũng là ma nhà.

- Điều kiện kinh tế: Trồng lúa nương, ngô, sắn, chăn nuôi đại gia súc, lợn, gia cầm, khai thác các nguồn lợi tự nhiên như săn bắn, hái lượm, đánh cá… Ngoài ra, còn có nghề thủ công như đan lát, dệt vải.

Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê, Tỷ lệ hộ nghèo: 74,4%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 3,1%; Tỷ lệ thất nghiệp: 1,51%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 1,7%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 3,0%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 0,7%; Tỷ lệ hộ làm nghề thủ công truyền thống: 0,30%.

- Điều kiện giáo dục: Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông: 46,9%; Tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học: 101,9%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở: 77,9%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông: 21,3%; Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường: 22,1%.

Nguồn:

- Các dân tộc ở Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật)

- Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 (Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê)

- Website Ủy ban Dân tộc - Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc Việt Nam

● Français: L'ethnie La Hủ

● English: La Hu ethnic group