Phụ nữ dân tộc Hà Nhì. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)
Phụ nữ dân tộc Hà Nhì. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

Dân tộc Hà Nhì

NDO - Người Hà Nhì có lịch sử di cư đến Việt Nam từ cách đây khoảng 300 năm, hiện cư trú tập trung tại các tỉnh miền núi phía bắc gồm Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai.

1. Nguồn gốc lịch sử: Người Hà Nhì có quá trình di cư diễn ra trong một thời gian dài, bằng các con đường khác nhau và đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Người Hà Nhì di cư đến Việt Nam từ cách đây khoảng 300 năm.

Các nhóm dân tộc Hà Nhì: Dựa trên địa vực cư trú có thể chia thành 3 nhóm: người Hà Nhì Cồ Chồ (người Hà Nhì sống ở vùng thấp), người Hà Nhì La Mí (sống ở vùng cao) và người Hà Nhì Đen (người Hà Nhì Lô Mê). Còn căn cứ vào trang phục, ngôn ngữ và đặc điểm nơi cư trú, họ được thành hai nhóm: Hà Nhì Đen và Hà Nhì Hoa (gồm có nhóm Hà Nhì Cồ Chồ và Hà Nhì La Mí).

Về tộc danh: Người Hà Nhì tự gọi là Hà Nhì Già.

2. Dân số: Theo Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 của Ủy ban Dân tộc Việt Nam – Tổng cục Thống kê, dân số người Hà Nhì tính đến thời điểm 1/4/2019 là 25.539 người, trong đó nam là 12.895 người, nữ là 12.644 người.

3. Ngôn ngữ: Thuộc hệ Tạng – Miến, (ngữ hệ Hán-Tạng), gần với Miến hơn.

Dân tộc Hà Nhì ảnh 1

4. Phân bố địa lý: Người Hà Nhì Hoa chủ yếu cư trú tại các huyện của hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu; người Hà Nhì Đen cư trú chủ yếu tại các xã trong huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, một bộ phận cư trú ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.

5. Đặc điểm chính:

- Nhà ở: Hầu hết cư dân ở nhà đất, tường trình chắc chắn, dày tới 30-40cm, thích hợp với khí hậu lạnh vùng núi cao. Tường nhà cao 3- 4m, mái dốc và ngắn, nhà không có hiên, chỉ có một cửa ra vào. Trong nhà còn một lớp tường khác để phòng thủ, chống rét, chống sương và mây mù lùa vào nhà, gọi là hiên trong. Đây cũng là nơi để uống nước, tiếp khách của gia chủ. Nhà ở của người Hà Nhì ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai thường được bố trí như sau: hai gian đầu hồi được ngăn thành hai buồng dành cho vợ chồng chủ gia đình và con cái hoặc vợ chồng con trai. Khoảng 1/3 chiều rộng của hai gian giữa là phần đất, phần còn lại dựng thành sàn. Ở phần đất có bếp lò nấu nướng và để chạn bát. Phần sàn là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, phòng ngủ của con cái chưa xây dựng gia đình và khách. Bếp lửa được đặt phía trên sàn.

Dân tộc Hà Nhì ảnh 2
Thanh niên Hà Nhì đi tuần tra cùng bộ đội biên phòng. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

- Cấu trúc gia đình: Phụ hệ.

- Trang phục truyền thống: Áo của nam giới được làm bằng vải tự dệt, nhuộm màu chàm hoặc đen. Quần chân què, cạp to, gấu có viền, chiều dài phù hợp với chiều cao của người mặc. Phụ nữ ở hai nhóm Hà Nhì ăn mặc khác nhau. Phụ nữ Hà Nhì Đen chủ yếu mặc áo và đội khăn màu chàm, không trang trí, thêu thùa, áo ngắn đến đầu gối, gấu to và hơi nhô ra ở phần giữa, cài cúc bên nách phải và chỉ trang trí bằng cách đính những đồng xu, khuy bạc. Chỉ phụ nữ có chồng mới đội khăn. Áo của phụ nữ Hà Nhì Hoa được may hai lớp, dài đến mắt cá chân, tay áo được trang trí hoa văn và đầu đội khăn màu sặc sỡ.

- Ẩm thực: Bữa ăn hằng ngày của người Hà Nhì thường chỉ có một món xào hoặc kho và một món canh rau luộc, đặc biệt món luộc của người Hà Nhì không bao giờ cho muối hoặc gia vị. Người Hà Nhì cũng có xôi màu và một số loại bánh làm từ gạo nếp.

Về đồ uống, người Hà Nhì chuộng uống nước một số loại cây có vị thanh ngọt, có tác dụng bổ máu và lợi tiểu, cùng với nước chè hoặc rượu.

- Lễ tết: Người Hà Nhì ăn tết năm mới vào đầu tháng 10 âm lịch. Trong năm còn có Tết cơm mới, Tết mồng năm tháng năm, rằm tháng 7.

Dân tộc Hà Nhì ảnh 3

- Tín ngưỡng: Người Hà Nhì luôn tin vào “vạn vật hữu linh” - mọi vật đều có linh hồn và luôn có thần linh đại diện ngự trị. Vì vậy vào những ngày nhất định trong năm, người Hà Nhì thường tổ chức các nghi lễ cúng truyền thống để cầu mong thần linh che chở, phù hộ cho con người được bình yên, mạnh khỏe, mùa màng bội thu.

“Gà tu tu” là nghi lễ cúng thần linh đầu tiên vào mỗi dịp đầu năm mới. Đây là nghi lễ căng dây cấm đường, cấm người lạ vào, ngăn không cho ma xấu vào làm hại dân bản, thường được tổ chức vào ngày Dần đầu tiên của tháng Giêng.

Lễ cúng thần nước: cúng tại nguồn nước thiêng “Lù khụ sụ” để nguồn nước không bao giờ ngừng chảy. Buổi chiều ngay sau lễ cúng thần nước, người Hà Nhì sẽ làm lễ cúng “Gạ ma gio”, một trong những nghi lễ lớn và quan trọng đối với họ.

Vào tháng ba hằng năm, người Hà Nhì làm lễ cúng thần rừng “Mu thu gio”, cầu mùa màng tốt tươi, gia súc phát triển, con cháu trong làng đông đúc.

Lễ hội cúng cầu mùa “Khô già già”: một trong những lễ thức lớn nhất trong năm và đặc sắc nhất của người Hà Nhì, để cầu thần linh bảo vệ mùa màng, ban mưa thuận gió hòa cho cây cối phát triển, mùa vụ bội thu.

Ngoài ra, hằng năm người Hà Nhì còn cúng thần Thổ Ty và cây thần, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân.

Dân tộc Hà Nhì ảnh 4

- Điều kiện kinh tế: Canh tác ruộng bậc thang và nương rẫy, chăn nuôi, khai thác từ tự nhiên, làm một số nghề thủ công như đan lát, trồng bông dệt vải…

Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê, Tỷ lệ hộ nghèo: 44,8%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 14,9%; Tỷ lệ thất nghiệp: 3,03%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 11,3%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 12,7%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 4,6%.

- Điều kiện giáo dục: Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông: 60,7%; Tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học: 101,2%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở: 91,7%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông: 58,8%; Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường: 14,7%.

Nguồn:

- Các dân tộc ở Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật)

- Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 (Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê)

- Website Ủy ban Dân tộc

- Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc Việt Nam)

● Français: L’ethnie Hà Nhì

● English: Ha Nhi ethnic group