1. Nguồn gốc lịch sử:
Người Giáy có nguồn gốc từ Trung Quốc, di cư vào Việt Nam từ khoảng 300 năm trước.
2. Phân bố địa lý:
Đồng bào Giáy sinh sống tập trung tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Yên Bái.
3. Dân số, ngôn ngữ:
-Dân số: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, dân tộc Giáy có 67.858 người. Trong đó, có 34.624 nam và 33.234 nữ.
4. Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái – Kađai).
5. Đặc điểm chính:
-Nhà ở: Nhà của người Giáy hiện nay có hai loại: nhà sàn và nhà trệt. Người Giáy ở Hà Giang, Cao Bằng thường ở nhà sàn, người Giáy ở Lào Cai lại ở nhà trệt. Người Giáy ở Trịnh Tường, Bát Xát (Lào Cai) lại có lối làm nhà trình tường.
Mái nhà truyền thống của người Giáy thường được lợp bằng tranh hoặc rơm khô. Nhà thường có ba gian: Gian giữa là nơi quan trọng và thiêng liêng nhất, có cửa chính, thường để thờ tổ tiên và tiếp khách. Hai gian hai bên là phòng ngủ của các thành viên trong gia đình, gian sau bàn thờ là nơi ngủ của người già hoặc để đồ.
Ngôi nhà truyền thống của người Giáy bao giờ cũng có một căn gác có diện tích bằng một nửa mặt bằng gian nhà, ở phía trên bếp lửa có cầu thang đi lên. Đây là nơi tích trữ các nông sản của gia đình.
Trang phục hằng ngày phụ nữ dân tộc Giáy. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT) |
- Trang phục: Trang phục truyền thống của nam giới là áo dài trùm đầu gối, xẻ nách, ống tay áo thường rộng. Họ mặc quần lá tọa, ống rộng, đầu thường búi tóc hoặc vấn khăn. Gần đây, chiếc áo truyền thống này được cải tiến, may ngắn hơn trước, cài khuy giữa chứ không cài khuy bên nách như trước.
Phụ nữ Giáy ở các địa phương khác nhau có trang phục truyền thống khác nhau. Phụ nữ Giáy ở Hà Giang thường mặc váy xòe, dài quá đầu gối, chiếc áo dài tứ thân, dài trùm mông, có hàng khuy vải cài bên nách; ống tay áo rộng. Phụ nữ Giáy ở Lào Cai, Lai Châu lại không mặc váy mà mặc quần sa tanh màu đen, áo ngắn nhiều màu sắc, cài khuy bên nách. Quần của phụ nữ được may đơn giản, hai ống rộng. Khăn đội đầu thường là chiếc khăn vuông nhuộm chàm.
- Ẩm thực: Đồng bào Giáy ăn cơm tẻ là chính. Cách chế biến từ gạo thành cơm ở
người Giáy có nét khác biệt so với một số dân tộc khác, đó là cho gạo vào
chảo luộc, gạo chín gần hết, chỉ còn một lõi nhỏ chưa chín, vớt ra bỏ vào chõ để
tiếp tục đồ chín hết cả hạt gạo. Sau khi vớt hết gạo trong chảo, nước luộc gạo
như cháo loãng dùng để uống cả ngày. Đồng bào Giáy còn chế biến nhiều loại bánh độc đáo như: bánh chưng gù, bánh tò he, bánh bỏng, bánh khảo, bánh trôi, bánh chay, bánh ngô...
- Tôn giáo, tín ngưỡng: Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng truyền thống trong cộng đồng người Giáy. Bàn thờ tổ tiên của người Giáy thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong gian giữa của ngôi nhà. Trên bàn thờ, người ta thường bày ba bát hương: bát lớn nhất ở giữa thờ thổ thần, thổ địa, hai bát hương hai bên thờ chung tất cả những người đã mất trong gia đình.
Người Giáy còn thờ thần rừng, thần thổ công của làng. Dấu vết của tôn giáo sơ khai vẫn còn trong đời sống tinh thần của người Giáy. Hình thức thờ vật tổ (tôtem giáo) vẫn thể hiện khá đậm nét ở tộc người này. Mỗi dòng họ thờ một con vật khác nhau, nghi thức cúng bái cũng theo tập tính của loài vật đó.
- Nghệ thuật: Người Giáy có bộ ba nhạc cụ truyền thống là trống, chiêng và pí lè, thường được sử dụng trong các dịp lễ hội, đám cưới, đám tang. Hình thức hát đối vẫn được các nghệ nhân người Giáy ở Lào Cai hát trong đám cưới bằng tiếng Giáy. Người Giáy có hai điệu múa truyền thống, phổ biến nhất là múa hoa đăng và múa quạt.
Về văn học dân gian, truyện cổ dân gian của dân tộc Giáy vẫn còn được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng, thường được kể dưới hình thức thơ hoặc hát. Đồng bào cũng còn lưu truyền những câu ca dao, tục ngữ gắn liền với đời sống của người lao động, khuyên răn con người cách làm ăn, tiêu dùng hợp lý.
- Điều kiện kinh tế:
Người Giáy có nhiều kinh nghiệm canh tác lúa nước. Ngoài canh tác cây lương thực, người Giáy ở Lào Cai còn trồng thêm các loại cây công nghiệp, trong đó nổi bật là thảo quả và chè.
Đồng bào Giáy nuôi các loại gia súc như: trâu, bò, dê, lợn và các loại gia cầm. Thủy sản cũng là một trong những sản phẩm chăn nuôi phổ biến của người Giáy. Họ nuôi chủ yếu là cá trắm, cá chép và rô phi. Bên cạnh đó, người Giáy cũng tích cực phát triển nghề rừng.
Về nghề thủ công, nam giới thường đan lát các vật dụng dùng trong gia đình như rổ, rá, sọt, ghế, địu... bằng các vật liệu mây, tre. Chế tác trang sức bằng bạc cũng là một trong những nghề thủ công do nam giới thực hiện. Kỹ thuật may của người Giáy không phức tạp, họ ít khi sử dụng kỹ thuật thêu trên trang phục mà hay dùng kỹ thuật đáp vải màu để trang trí. Bà con còn phát triển một số nghề phụ như: nghề mộc, làm đậu phụ, nấu rượu sắn và rượu gạo.
- Điều kiện giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 80,1%; tỷ lệ đi học chung của trẻ em ở cấp tiểu học: 100,9%; ở cấp trung học cơ sở là 97,1%; ở cấp trung học phổ thông: 67,4%. Tỷ lệ trẻ em dân tộc Giáy trên 5 tuổi được đi học chiếm 99,67%.
(Nguồn:
- Các dân tộc ở Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật)
- Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 (Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê)
- Website Ủy ban Dân tộc
- Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc Việt Nam)
● Français: L’ethnie Giáy
● English: Giay ethnic minority group