Phụ nữ dân tộc Cống. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)
Phụ nữ dân tộc Cống. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

Dân tộc Cống

NDO - Người Cống ở Việt Nam được gọi là người Xá, Màng... cư trú tập trung ở khu vực Tây Bắc, chủ yếu là Lai Châu và Điện Biên.

1. Nguồn gốc lịch sử: Người Cống ở Trung Quốc được xếp vào dân tộc Hà Nhì, có tên gọi là Bạch Kông. Theo các nhà nghiên cứu, có thể người Bạch Kông từ vùng Màng Là, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã thiên di vào vùng Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, khu vực Tây Bắc nước ta. Vì vậy, người Cống ở Việt Nam còn có tên là người Màng.

Về tộc danh: Người Cống có tên tự gọi là Xá, Cống Bó Khăm, Xắm, Khống, Mằng Là…

2. Dân số: Theo Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 của Ủy ban Dân tộc Việt Nam – Tổng cục Thống kê, dân số người Cống tính đến thời điểm 1/4/2019 là 2.729 người, trong đó nam là 1.341 người, nữ là 1.388 người.

3. Ngôn ngữ: thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến (ngữ hệ Hán - Tạng) gần hơn với tiếng Miến, cùng nhóm với các tiếng La Hủ, Phù Lá, Si La... Họ quen sử dụng tiếng Thái trong giao tiếp hằng ngày.

4. Phân bố địa lý: Hiện nay, có hơn 98% số người dân tộc Cống sinh sống ở khu vực Tây Bắc, chủ yếu tại Lai Châu và Điện Biên.

5. Đặc điểm chính:

- Nhà ở: Nhà sàn ba hay bốn gian, chỉ có một cửa ra vào, một cửa sổ ở gian giữa, chạy dọc theo vách mặt chính của nhà có thêm một chiếc sàn nhỏ ít có giá trị sử dụng nhưng nhà nào cũng có là đặc trưng trong nhà người Cống.

- Cấu trúc gia đình: Phụ hệ.

Dân tộc Cống ảnh 1
Phụ nữ dân tộc Cống. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

- Trang phục truyền thống: Trang phục của phụ nữ Cống khá đơn giản gồm: áo, váy, dây thắt lưng, yếm, khăn đội đầu và một số đồ trang sức. Áo ngắn may bằng vải trắng hoặc màu chàm, tay áo được nối dài, mở ngực, cổ áo liền với nẹp ngực, áo không xẻ tà. Cổ áo là một dải vải đen kéo dài từ vạt áo bên phải chạy vòng qua cổ sang hết vạt áo bên trái. Dọc theo chiều dài của nẹp áo có đính đôi dây bằng sợi bông se lại hình vặn thừng để làm dây buộc.

Trang phục nam giới người Cống gồm có khăn, áo, quần may bằng vải, nhuộm chàm không trang trí.

- Ẩm thực: Người Cống ăn cơm, xôi đồ, cháo, thịt chế biến các loại như luộc, nướng, treo, nấu canh, sau này có thêm cách xào, hấp. Người Cống còn ăn các loại thủy sản như tôm, cua, cá ốc…, các loại rau trồng, rau rừng… Họ có món Cha khả cha vàng là món ăn nấu từ tiết lợn với lá vón vén, rau đắng, ăn để chữa bệnh dạ dày hay ăn khi bị đau bụng. Người Cống có nhiều cách chế biến thực phẩm để dành, dự trữ cho mùa nương rẫy bận rộn, hoặc để dành cho dịp lễ tết, hội hè như là làm cá mắm, cá phơi khô, làm măng chua khô.

Người Cống vẫn thường uống nước đun từ lá, rễ cây rừng. Một số thảo mộc có tác dụng an thần, dễ ngủ, kích thích tiêu hóa…

Người Cống trước kia cũng hút thuốc lá và trồng cây thuốc lá ở vườn để tự cuốn.

Dân tộc Cống ảnh 2

- Lễ tết: Hàng năm cứ đến tháng ba âm lịch, các bản đều tổ chức lễ cúng bản trước vụ gieo hạt, các ngả đường vào bản làm cổng, cắm dấu hiệu kiêng kỵ một ngày không ai được vào bản.

Các gia đình đều làm lễ cúng trên nương trước khi kết thúc công việc tra hạt. Ðêm đó chủ nhà làm lễ cúng ở phía trên lều nương; lễ vật chỉ có cá, cua, cầu mong chim thú không phá hại; trồng vài khóm kiệu cầu xin lúa tốt, xanh tươi như khóm cây này.

- Tín ngưỡng: Người Cống cúng tổ tiên 2, 3 đời theo phụ hệ và cúng ma bố mẹ vợ vào dịp tết.

Dân tộc Cống ảnh 3
Nam nữ dân tộc Cống. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

- Điều kiện kinh tế: Trống trọt trên nương rẫy và canh tác ruộng nước, chăn nuôi bò lợn, nuôi cá, khai thác sản vật tự nhiên như rau củ quả, dược liệu…

Người Cống còn có một số nghề như nấu rượu, đan lát…

Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê, Tỷ lệ hộ nghèo: 54,0%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 11,7%; Tỷ lệ thất nghiệp: 0,07%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 8,3%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 6,8%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 4,1%.

- Điều kiện giáo dục: Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông: 59,3%; Tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học: 104,2%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở: 92,5%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông: 69,9%; Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường: 6,5%.

(Nguồn:

- Các dân tộc ở Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật)

- Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 (Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê)

- Website Ủy ban Dân tộc

- Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc Việt Nam)

● Français: L’ethnie Cống

● English: Cong ethnic minority group