1. Nguồn gốc lịch sử:
Theo các nhà khoa học, người Cơ-ho thuộc chủng Inđônêdiên, là đồng chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh, bộ phận phía nam của văn hóa Đông Sơn. Dân tộc Cơ-ho tồn tại cách ngày nay trên dưới 2.500 năm, là cư dân bản địa sinh sống lâu đời trên mảnh đất Tây Nguyên.
Dân tộc này có tên tự gọi chung là “Cơ-ho”.
2. Phân bố địa lý:
Địa bàn cư trú của người Cơ-ho nằm ở nhiều vùng, từ cực nam Tây Nguyên, Lâm Đồng đến một số vùng miền núi các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk và Đồng Nai.
Già làng dân tộc Cơ-ho thổi tù và. (Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển) |
3. Dân số, ngôn ngữ:
- Dân số: Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019, tổng dân số người Cơ-ho: 200.800 người; dân số nam: 98.569 người; dân số nữ: 102.231 người; quy mô hộ: 4,5 người/hộ; tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 88.9%.
- Ngôn ngữ: Người Cơ-ho nói tiếng Bahnaric Nam, là ngôn ngữ nằm trong nhóm Môn-Khơ me, dòng Nam Á.
4. Đặc điểm chính:
- Thiết chế xã hội: Người Cơ-ho quần cư thành Làng (bon/bòn). Họ sống trong các ngôi nhà dài (hìu jòng) được dựng cạnh nhau trong làng. Kiểu làng của người Cơ-ho là làng mật tập, đứng đầu mỗi làng là chủ làng (kuang bòn/quăng bon/khoa bon), đó là người có uy tín cao, được mọi người tuân phục.
Ngoài ra, ở những nơi dân cư tập trung đông đúc, giữa các làng người Cơ-ho hình thành một tổ chức liên minh tự nguyện và đứng đầu liên minh gọi là M’đrông.
Trong đời sống xã hội người Cơ-ho tồn tại 2 hình thức gia đình là gia đình lớn và gia đình nhỏ. Các gia đình được tổ chức theo chế độ mẫu hệ.
- Nhà ở: Đồng bào Cơ-ho sống trong các ngôi nhà sàn dài và nhà đất.
- Tôn giáo, tín ngưỡng: Người Cơ-ho tin rằng mọi mặt đời sống đều do các thế lực siêu nhiên quyết định bởi vậy trong quan niệm của họ có một bên là thần linh (Yang) luôn luôn phù hộ cho con người và có một bên là ma quỷ (Chà) thường hay gây ra những tai họa, nên hầu như làm bất cứ việc gì như làm ruộng, cưới xin, tang ma, ốm đau..., người Cơ-ho đều tổ chức cúng viếng thần linh để cầu xin. Tín ngưỡng về siêu nhiên trong quan niệm của người Cơ Ho có tính chất đa thần...
Tuy nhiên, cũng giống nhiều tộc người tại chỗ ở Tây Nguyên, kể từ khi theo Công giáo và đạo Tin Lành, người Cơ-ho không cúng thần lúa và các vị thần khác nhiều như trước nữa. Bởi vậy, một số tín ngưỡng cổ truyền đã bị loại bỏ.
(Ảnh: Thành Đạt) |
- Trang phục: Ðàn ông Cơ-ho thường đóng khố, phụ nữ thì mặc váy ngắn. Khố là một miếng vải dài 1,5 đến 2m và rộng, có hoa văn theo dải dọc. Váy là một tấm vải quấn quanh người một vòng và giắt cạp. Nền váy màu đen trên đó có những dải hoa văn màu trắng viền dọc thân váy. Khi trời lạnh, người Cơ-ho quấn thêm chiếc chăn (ùi).
Người Cơ-ho thích căng tai bằng vòng gỗ (khoen), phụ nữ giàu còn căng tai bằng ngà voi. Tục nhuộm răng đen cũng khá phổ biến ở phụ nữ Cơ-ho.
- Ẩm thực: Lương thực chính dùng để nấu cơm hằng ngày của người Cơ-ho là gạo nếp và gạo tẻ. Vào các dịp lễ hội, đồng bào thường nấu các món ăn tổng hợp bằng cách cho thịt, xương, ruột, gan của con vật hiến tế vào chiếc nồi đồng to trộn với các loại gia vị rồi nấu. Rượu cần được người Cơ-ho sử dụng rộng rãi, nhất là trong các dịp lễ tết. Ngoài ra, người Cơ-ho còn có tục ăn trầu, hút thuốc.
Lễ mừng lúa mới của người Cơ-ho (Lâm Đồng). (Ảnh: Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam) |
- Giáo dục: Vào đầu thế kỷ XX, người Cơ-ho đã có chữ viết được xây dựng bằng hệ thống chữ la tinh, nhưng loại chữ này chưa phổ biến sâu rộng.
Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 75%, tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học 99.8%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở là 80.3%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông là 34.3%, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường là 22%.
- Lễ tết: Trong một năm, người Cơ-ho tổ chức rất nhiều lễ tết trong đó lớn nhất là tết ăn mừng lúa vào kho (li rơ bong). Ngoài lễ này, người Cơ-ho còn có lễ đâm trâu được tổ chức sau 3 hoặc 7 mùa rẫy.
5. Điều kiện kinh tế:
Hoạt động kinh tế chủ đạo của người Cơ-ho là làm rẫy, trừ nhóm Xrê là làm ruộng nước. Nhìn chung kỹ thuật và công cụ làm rẫy của người Cơ-ho không khác với các tộc người khác ở Tây Nguyên. Người Cơ-ho chủ yếu trồng nhưng trên một đoạn rẫy người ta còn trồng lẫn cả ngô, sắn, bầu, bí, mướp, đậu...
Món ăn của người Cơ-ho, Làng Cù Lần, Lâm Đồng. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển) |
Ngoài ra, người Cơ-ho cũng tiến hành chăn nuôi, săn bắn, đánh cá, hái lượm, … và có một số nghề thủ công như đan lát đồ mây tre, cói, dệt vải thổ cẩm, rèn nông cụ và vũ khí truyền thống, làm gốm... Trong đó, nghề gốm là nghề phổ biến và phát đạt nhất.
Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: Dân tộc Cơ-ho có: Tỷ lệ thất nghiệp 0.64%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 6.1%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 8.8%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 2.0%; Tỷ lệ hộ nghèo: 12.1%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 11.7%; Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh: 90.2%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới để thắp sáng: 99.8%.
● Français: L’ethnie Cơ Ho
● English: K’ho ethnic group