Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2025 tại Việt Nam

Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (LHQ), sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8/5/2025 ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 2.000 đại biểu đến từ 80 quốc gia trên toàn thế giới.
Họp báo công bố thông tin Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2025.
Họp báo công bố thông tin Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2025.

Đại lễ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ (ICDV) tổ chức. Tại phiên họp trù bị lần thứ nhất với sự tham dự của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và lãnh đạo chủ chốt ICDV từ 10 quốc gia trên thế giới (Thailand, Sri Lanka, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Na Uy, Trung Quốc, Hàn Quốc, Myanmar và Việt Nam) vừa diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề của đại lễ lần thứ 20 đã chính thức được thông qua. Đó là “Hòa hợp và bao hàm vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”. Đại lễ còn có 5 chủ đề phụ, gồm: Nuôi dưỡng hòa bình nội tâm vì hòa bình thế giới; Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải; Từ bi Phật giáo bằng hành động: trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai từ bi và bền vững; Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.

Trong khuôn khổ đại lễ, sẽ có nhiều sự kiện tôn giáo, lễ hội, chương trình hoạt động, hội thảo khoa học. Hòa thượng Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, đây là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với các cam kết LHQ. Đây còn là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Đại lễ Phật đản LHQ là một trong những sự kiện văn hóa quốc tế quan trọng nhằm tôn vinh các giá trị nhân văn và hòa bình toàn cầu. Sự kiện này được tổ chức hằng năm tại trụ sở chính của LHQ ở New York (Hoa Kỳ) và tại các văn phòng khu vực của LHQ. Việt Nam đã ba lần đăng cai tổ chức đại lễ tại Hà Nội (năm 2008), Ninh Bình (2014) và tại Hà Nam (2019).

Cùng đồng bào Dao tiền giữ hát Páo dung

Kế hoạch và Dự toán tổ chức Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Đó là nội dung của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định phê duyệt.

Theo đó, trong quý IV năm nay, bảo tàng sẽ triển khai một số hoạt động như: Nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề dệt của nhóm Dao tiền ở xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; nghệ thuật hát Páo dung và thêu trang phục truyền thống của nhóm Dao tiền xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Trong số các hoạt động sẽ có việc tổ chức tập huấn cho các nghệ nhân, học viên; hỗ trợ nguyên liệu, đạo cụ cho lớp truyền dạy; tổ chức chụp ảnh, ghi hình, dựng phim tư liệu về quá trình tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền tại Bảo tàng và tuyên truyền trên internet; đề xuất các giải pháp phát huy di sản trong bối cảnh địa phương hiện nay.