“Đại án Odebrecht” làm rung chuyển Peru

Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski đang đối mặt nguy cơ bị điều tra do nghi ngờ dính líu hoạt động tham nhũng của Tập đoàn xây dựng Odebrecht (Brazil). Dù vậy, mới đây nhà lãnh đạo Peru đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc.

Cựu giám đốc chi nhánh Jorge Barata tiết lộ Odebrecht hối lộ chính khách nhiều nước. Ảnh: ANDINA
Cựu giám đốc chi nhánh Jorge Barata tiết lộ Odebrecht hối lộ chính khách nhiều nước. Ảnh: ANDINA

Theo CNN, ngày 4-3 vừa qua, Cơ quan công tố Peru thông báo đang xem xét khả năng mở một cuộc điều tra đối với Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski. Cơ quan này cho biết, trước đó, ông Jorge Barata, cựu giám đốc một chi nhánh của Tập đoàn xây dựng Odebrecht ở Thủ đô Lima (Peru) khai nhận đã chuyển một khoản tiền mặt lên tới 300.000 USD dưới danh nghĩa Odebrecht để tài trợ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Kuczynski từ năm 2011.

Ngay sau khi thông tin về việc mở cuộc điều tra được công bố, Tổng thống Peru đã lên tiếng về lời cáo buộc mình. Trong buổi phỏng vấn trên chương trình “Ama Lulla” của Đài truyền hình quốc gia Peru, ông Kuczynski khẳng định chưa từng nhận khoản tiền nào từ tập đoàn xây dựng của Brazil, cũng như các khoản tài trợ từ nguồn trên cho chiến dịch tranh cử của mình. Tổng thống Kuczynski cũng yêu cầu nhà chức trách nước này tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc về chiến dịch bầu cử của ông năm 2011. Ông đề nghị, quá trình điều tra phải minh bạch, dựa trên luật pháp thay vì hướng theo những lời cáo buộc.

Những thông tin trong buổi phỏng vấn của chương trình “Ama Lulla” gần đây tiếp tục làm dấy lên những đồn đoán về mối liên hệ giữa Tổng thống Peru và Tập đoàn Odebrecht. Trước đó, năm 2017, một ủy ban điều tra do phe đối lập dẫn đầu đã công bố các tài liệu cho thấy công ty tư vấn tư nhân của ông Kuczynski từng nhận tiền của Odebrecht từ hơn 10 năm trước. Dù bác bỏ việc nhận tiền từ Odebrecht, ông Kuczynski sau đó thừa nhận từng làm cố vấn tài chính cho một dự án thủy lợi của tập đoàn này. Bê bối liên quan vụ việc trên khiến ông suýt bị phế truất và phải ra điều trần trong phiên luận tội trước Quốc hội Peru, hiện do phe đối lập kiểm soát.

Sóng gió liên tiếp ập đến với Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski kể từ khi ông ngồi “ghế nóng” điều hành đất nước vào tháng 7-2016. Trước đó, ông từng là nhà kinh tế và chính trị gia nhận được nhiều sự tín nhiệm. Ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trước khi được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng dự trữ trung ương Peru. Sau đó, ông giữ chức Bộ trưởng Năng lượng dưới thời Tổng thống Fernando Belaúnde Terry trong những năm 80 của thế kỷ trước; Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính và sau đó là Thủ tướng dưới thời Tổng thống Alejandro Toledo.

Việc Tổng thống Peru đối mặt nguy cơ bị điều tra là thông tin mới nhất liên quan bê bối tham nhũng Odebrecht. Theo Le Monde, “đại án” Odebrecht bị phanh phui vào tháng 3-2014 sau khi các nhà chức trách Brazil điều tra vụ tham nhũng của tập đoàn dầu khí lớn nhất nước này là Petrobras. Đến nay, tập đoàn xây dựng khổng lồ Odebrecht thừa nhận đã hối lộ gần 790 triệu USD cho nhiều nhân vật tại hơn 12 quốc gia nhằm tìm kiếm sự ủng hộ và ưu ái của giới chức những nước trên trong các dự án xây dựng.

Tại Peru, Tổng thống Kuczynski không phải là lãnh đạo đầu tiên dính nghi án nhận hối lộ của Odebrecht. Trong quá trình bị điều tra, Jorge Barata đã tiết lộ về nhiều khoản tài trợ bí mật của tập đoàn cho một loạt chính trị gia Peru, như các cựu Tổng thống Ollanta Humala số tiền ba triệu USD, Alan Garcia (200.000 USD), Alejandro Toledo (600.000 USD) và thủ lĩnh phe đối lập hiện nay là ông Keiko Fujimori (1,2 triệu USD). Hầu hết các chính khách trên đều bác bỏ cáo buộc của ông Barata.

Việc Cơ quan công tố Peru mới đây thông báo xem xét mở cuộc điều tra với Tổng thống Kuczynski một lần nữa cho thấy mức độ nghiêm trọng cũng như quy mô ảnh hưởng của bê bối tham nhũng Odebrecht, khi tiếp tục khiến chính trường Peru rung chuyển.